Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Hoa có hơn “cà” ?

VĂN VIỆT
Nhiều hộ nông dân ở xã Mê Linh, Lâm Hà đã chặt bỏ hàng ngàn mét vuông cà phê kinh doanh để trồng mới các giống hoa cao cấp, mong muốn tạo bước đột phá cho thu nhập kinh tế hộ gia đình, nhưng thực tế không phải tất cả đều thuận lợi.
Đầu tháng 11/2011, vườn hoa mắt ngọc với diện tích 01 sào đất của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thể ở thôn 3, Mê Linh, Lâm Hà, đã chuyển sang trồng đậu Hà Lan. 

Diện tích 01 sào đất này nguyên trồng cây cà phê đã hơn 10 năm, năng suất năm ngoái thu đạt gần 4 tạ nhân, bán khoảng 20 triệu đồng, nhưng anh Thế vẫn quyết định chặt hạ trắng và chuyển sang trồng hoa mắt ngọc vào đầu năm 2011. Xuống giống trồng hơn ngàn gốc hoa mắt ngọc mua từ Đà Lạt với tổng số tiền hơn 11 triệu đồng, cộng với chi phí làm đất, bón phân lót cũng lên đến hơn 15 triệu đồng. 
Sau 4 tháng chăm sóc, anh Thế cắt thu hoạch khoảng 30 ngàn cành, bán với giá 500 đồng mỗi cành, vừa đủ thu hồi vốn đầu tư. Lứa hoa thứ hai thu hoạch vào cuối tháng 9/2011, cũng bán với giá mỗi cành 500 đồng nhưng sản lượng thấp hơn nhiều so với lứa hoa đầu, nên phải chịu lỗ một khoản đầu tư nhiều triệu đồng. Không thể trồng thêm lứa hoa thứ ba, anh Thế chuyển sang trồng đậu Hà Lan để…không bỏ đất trồng. Theo gia đình anh Thế, có lẽ nguyên nhân thất bại lứa hoa mắt ngọc chuyển đổi từ cây cà phê là chỉ được học hỏi qua truyền miệng kinh nghiệm từ những hộ nông dân trồng hoa trước đó, nên chưa nắm bắt, thực hànhđầy đủ kỹ thuật làm đất, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…trong từng lứa hoa canh tác.
Cũng ở thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà, hộ gia đình anh Đỗ Văn Cư đã phá bỏ hơn nửa sào cà phê đang cho năng suất tương đối khá để trồng lá dương xỉ, một loại lá cây dùng cắm trang trí trong bình hoa các loại. Giống lá dương xỉ được mua về từ thị trấn Nam Ban, vùng đất giáp ranh của xã Mê Linh, Lâm Hà. Theo cách thức hướng dẫn của người bán giống lá dương xỉ trồng trên nửa sào đất của mình, bắt đầu từ tháng 4.2010, hộ gia đình anh Cư dựng lên khu nhà lưới chắn nắng, chắn mưa; đắp từng luống đất cao để tránh ngập úng nước; trộn giá thể than trấu với phân dê, phân thỏ…thành tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 40 triệu đồng. Đến nay đã gần một năm rưỡi trồng và chăm sóc, nhưng vườn lá dương xỉ của gia đình anh Cư phát triển tốt nhất chỉ cao chừng hơn 2 gang tay nằm dưới mặt đất; còn đa số cây lên nhánh thưa thớt, rũ cành sát đất, hàng tháng gom nhặt chỉ bán được…vài trăm ngàn đồng. Người vợ anh Cư có vẻ như hết hy vọng: “ Vườn đất Nam Ban cạnh bên, người ta trồng cùng giống lá dương xỉ với vườn gia đình tôi nhưng đều phát triển chiều cao trên dưới một mét, bán được trên mỗi sào đất hàng tháng thu cả chục triệu đồng. Không biết có phải vườn dương xỉ của gia đình tôi, đất gặp mưa không ngấm nước, gặp nắng cứ khô chai thành đá… ” (?!)
      Tuy nhiên không phải tất cả hộ gia đình ở xã Mê Linh, Lâm Hà chặt bỏ cà phê để chuyển đổi trồng hoa đều gặp ít hy vọng như 2 hộ gia đình nói trên. Như hộ gia đình anh Lỗ Trường Thành trồng hoa thiên điểu ở thôn 2, xã Mê Linh, Lâm Hà đang phát triển khả quan là một điển hình. Mạnh dạn chặt bỏ hơn 4 sào cà phê vừa thu bán hơn 50 triệu đồng niên vụ trước đó, đầu tháng 3/2011, gia đình anh Thành mua hơn 100 triệu đồng tiền giống hoa thiên điểu từ vùng hoa Định An, Đức Trọng về trồng. Đến nay, cả vườn thiên điểu 4 sào đã vươn cành lá xanh tốt, có những hàng cây cao hơn một mét, lác đác ra búp hoa. Anh Thành phấn khởi: “Dự kiến qua tháng giêng năm 2012, vườn hoa thiên điểu với 3.000 khóm cây của gia đình tôi sẽ vào vụ mùa đầu, ít nhất mỗi tháng mỗi khóm cây sẽ thu một cành hoa để bán…” Cũng theo anh Thành, chỉ cần giá hoa thị trường vào tháng giêng năm 2012 bằng giá đầu tháng 11/2011 ( khoảng 5.000 đồng mỗi cành), nhân với 3.000 cành hoa thu mỗi tháng, đạt tổng doanh thu là 15 triệu đồng. Đến 6 tháng sau sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Sang năm  2013 trở đi sẽ thực sự bán hoa thiên điểu, thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng trên 4 sào đất mỗi năm. Có được thành công bước đầu ở vườn hoa thiên điểu thay thế cây cà phê đã lâu năm là anh Thành không chỉ dám nghĩ, dám làm mà luôn phải chịu khó tìm hiểu kỹ thuật từ sách báo, từ trên mạng truyền thông, rồi so sánh, đối chiếu, chọn cách chăm sóc hoa thiên điểu phù hợp nhất với thực tế trên từng luống đất của mình, từ việc đào hố trồng cần chuẩn xác kích thước đến việc bón phân, tưới nước, phòng trừ dịch hại đều đảm bảo liều lượng, thời điểm đạt hiệu quả cao nhất.   
Theo ông Ha K’Lê, Chủ  tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, Lâm Hà, việc chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng các giống cây hoa nói trên chủ yếu là do hộ nông dân tự suy nghĩ, tự quyết định canh tác. Hội Nông dân xã Mê Linh, Lâm Hà đang khảo sát, đánh giá, làm cơ sở phối hợp với các bộ phận chuyên trách khuyến nông của địa phương để định hướng chính thức cho bà con nông dân nên chuyển đổi cây hoa màu nào, cây hoa nào cho thực sự mang hiệu quả cao hơn, giảm thiểu tối đa những tác hại về dịch bệnh và dự báo được những khả năng mở rộng đầu ra của thị trường./.
Tháng 11/2011