Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Nhà nông Lâm Đồng đoạt giải sáng tạo

VĂN VIỆT
Từ kết quả ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng, 3 chiếc máy sáng chế của nông dân Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương đã đoạt từ giải Ba đến giải Nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm 2010- 2011.  
Trước hết đó là chiếc máy xay phế phẩm nông nghiệp đoạt giải Nhì của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng của nhà nông Vũ Đình Phúc ở đường Nguyễn Siêu, phường 7, Đà Lạt. Sau nhiều năm nghiên cứu sáng chế, nhà nông Phúc đã hoàn chỉnh chiếc máy xay các loại rác thải trên đồng rau như cải thảo, sú lơ, cỏ dại … thành phân hữu cơ, đạt công suất mỗi giờ đến 10 mét khối phế phẩm

Máy hoạt động đã tiết kiệm tiền phân bón trên mỗi lứa rau, hoa ( từ 3- 4 tháng) khoảng 700 ngàn đồng trên mỗi ha. Dây chuyền của máy gồm động cơ mô tơ điện, hệ thống băng chuyền phế phẩm đưa lên cối xay cắt nhỏ ở tầng thứ nhất, nghiền nhỏ ở tầng thứ hai và nghiền mịn ở tầng thứ ba cho ra thành phẩm, sau đó đem ủ trước khi bón cho cây trồng.     
Tiếp theo là chiếc máy cắt, ghép cây giống nông nghiệp của nhà nông Nguyễn Thái Linh ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương đoạt giải Ba của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Trước nhu cầu chiết ghép cây trồng nông nghiệp ngày một tăng nhiều, nhưng người nông dân lâu nay vẫn chỉ cầm dao cắt phần gốc và phần ngọn của cây này ghép với cây kia qua đoạn ống thun cũng cắt bằng tay. Phương pháp thủ công này vừa mất khá nhiều thời gian, tỷ lệ cây ghép sống không cao; vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ cây trồng lây nhiễm bệnh rất lớn do hệ quả còn nhiều mối ghép khó trùng khớp lên nhau.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, nhà nông Nguyễn Thái Linh đã cho ra đời một chiếc máy ghép cây giống mới với kết quả khá cao. Ưu thế hoạt động của máy là cắt ở phần gốc cây ghép và phần ngọn cây ghép cùng một lần, ghép được các loài cây giống có đường kính từ 2,5mm – 3,5mm ( phổ biến là cà chua, ớt... ). Máy có đường rãnh chuyền dẫn ống thun tự động cắt nối vào đoạn cây ghép. Thiết kế 2 chiếc dao nằm trên cùng một trục nên thời gian cắt ghép, nối hai mối cây ghép “liền mạch” và nhanh kết dính phần nhựa sống với nhau. Tốc độ của máy cắt ghép tự động một cây với thời gian từ 4 giây đến 5 giây. Thao tác trên máy với 2 bước rất tiện lợi: “ Bước 1- Cho cây gốc và ngọn để ghép vào khe dao cắt, dùng chân điều khiển công tắc điện để động cơ hoạt động đẩy dao cắt, cắt gốc và ngọn ghép cùng một lần. Bước 2- Gốc và ngọn ghép vẫn giữ trên tay, xoay ngang và đưa vào ống thun cùng ghép một lượt.”- nhà nông Nguyễn Thái Linh mô tả.  Hiện chiếc máy đã được nhà nông Nguyễn Thái Linh ứng dụng vào việc chuyển đổi giống cây ghép mới trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Đơn Dương, công suất mỗi lao động vận hành chiếc máy mỗi ngày cắt ghép đạt từ 5.000 cây đến 6.000 cây, tăng từ 3.000 cây đến 4.000 cây so với phương pháp cắt ghép bằng tay.
Cùng đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng có chiếc máy tách vỏ đậu ngự của nhà nông Nguyễn Hữu Thịnh ở xã Liên Hiệp, Đức Trọng. 
Theo nhà nông Thịnh, hơn 20 năm qua, cây đậu ngự đã trồng và phát triển khá hiệu quả trên các vùng nông nghiệp ở thị trấn Liên Nghĩa và xã Liên Hiệp, Đức Trọng. Riêng gia đình ông Thịnh mỗi năm gieo trồng 2 vụ trên diện tích từ 7 sào đến 8 sào đậu ngự, đạt tổng năng suất từ 4 tấn đến 5 tấn. Đây là loài cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít, nhưng sau khi thu hoạch, khâu tách vỏ ra khỏi hạt rất khó khăn, phải phơi khô rồi dùng cây đập. Gặp lúc trời mưa phải dùng máy sấy khô trước khi tách vỏ, rất bất tiện. Sau gần 3 năm tự hoàn chỉnh từng công đoạn, nhà nông Nguyễn Hữu Thịnh đã sáng chế thành công chiếc máy tách vỏ đậu ngự có công suất mỗi giờ ban đầu từ 1,2 tạ đến 1,5 tạ, về sau tăng lên từ 4 tạ đến 4,5 tạ. Máy có chiều dài 1,5 mét, chiều rộng 0,8m, có lắp bánh xe cao su nên di chuyển khá dễ dàng trên mọi địa hình. Dây chuyền của máy gồm 4 phần : mô tơ điện, bộ phận đánh vỏ rời khỏi hạt, bộ phận sàng tách vỏ và hạt và bộ phận quạt.  Vận hành máy rất đơn giản: Đậu ngự đổ vào chiếc máng với kích thước dài 0,7m, rộng 0,5m, cao 0,2m, nối điện nguồn vào mô tơ quay, qua hệ thống đánh, sàng và quạt, hạt đậu ngự tách ra khỏi vỏ nguyên vẹn, chuyền ra ngoài theo một đường riêng.
Được biết, chiếc máy tách vỏ đậu ngự của nhà nông Nguyễn Hữu Thịnh đã và đang được “chuyển giao” cho bà con nông dân ở Liên Nghĩa, Liên Hiệp của huyện Đức Trọng sử dụng. Và tương tự với 2 chiếc máy xay phế phẩm nông nghiệp và cắt ghép cây trồng đoạt giải nêu trên, đang góp phần đem lại những giải pháp hữu ích về tăng giá trị sản xuất đáng kể cho người nông dân Lâm Đồng./.  
Tháng 12/2011

-