VĂN VIỆT
Từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều hộ gia
đình đồng bào thiểu số ở xóm Jriêng Ốt ( thôn ĐanKia, xã Lát, Lạc Dương, Lâm
Đồng ) đã viết hợp đồng cho nông dân từ Đà Lạt vào thuê đất rau…để trồng rau.
Lý do đưa ra thật đơn giản: Người đồng bào thiểu số trồng rau càng về sau, càng
gặp cảnh mất mùa, mất giá, sâu bệnh nhiều…
Anh Cilles Poh, 56 tuổi cùng vợ là chị Ka Bét, tự cảm
thấy mình như đã “khỏe hơn” vì không còn lo hàng ngày cây rau phát triển èo
uột, giá cả bấp bênh. Theo lời kể của đôi vợ chồng này thì: Vào năm 2007, cùng
với hàng chục hộ gia đình đồng bào thiểu số ở xóm Jriêng Ốt ( xóm trọng điểm
trồng rau của thôn Đan Kia, xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng ), gia đình anh Cilles
Poh cải tạo 2 sào đất phía sau vườn nhà để trồng rau. Hình thức cải tạo đất là
tự dùng cuốc (nhiều người khác thuê máy móc ) san gạt bằng phẳng từng băng đất;
đào nhổ bỏ từng bộ rễ cỏ, bứng hết những bộ rễ cây khác trồng từ nhiều năm bám sâu
vào thớ đất. Đây là diện tích nguyên trước
đó trồng cây cà phê Katimor phát triển kém năng suất và trồng các loại cây hoa màu
mỗi năm một vụ như bắp, đậu…hiệu quả thấp. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán
bộ nông nghiệp từ huyện Lạc Dương, từ xã Lát về, gia đình anh Cilles Poh sau
khi làm cỏ, xới đất xong đã xuống giống trồng ngay rau củ dền và rau bắp sú. Chăm
chỉ tưới nước, bón phân, phun thuốc…theo đúng quy trình khuyến nông, gia đình
anh Cilles Poh đã có thu tương đối đạt với lứa rau gần 4 tháng đầu tiên, ước
tính mỗi sào cũng kiếm lời được năm, bảy triệu đồng. Nhiều năm tiếp theo ( Đúng
hơn là đến gần cuối năm 2010), gia đình anh Cilles Poh vươn lên trồng giống rau
cao cấp hơn như cà rốt, trồng 01 năm 01 vụ trên 02 sào đất, thu hoạch bán đạt
tổng số tiền lãi gần 15 triệu đồng. Cà rốt chỉ trồng bốn, năm tháng là có thu.
Hơn nửa năm còn lại trồng trên 2 sào đất và thu tiếp các loại rau ngắn ngày
khác bán cũng lãi được sáu, bảy triệu đồng. Có thời điểm trúng mùa, trúng giá,
01 sào đất trồng cà rốt gần 5 tháng của gia đình anh Cilles Poh đã thu lãi hơn
10 triệu đồng.
“Nhưng đến lứa cà rốt trồng cuối cùng vào cuối năm
2010, gia đình tôi đầu tư 3 triệu đồng trên 01 sào, khi thu hoạch chỉ bán được
vừa gần đủ 3 triệu đồng. Rồi trồng lứa
rau cải sú cùng thời điểm, gia đình cũng đầu tư hàng triệu đồng, khi sú bắt đầu
cuốn lá thì bỗng bị bệnh thối củ, lá héo chết hàng loạt, coi như mất hết…”- anh
Cilles Poh nhớ lại và nói thêm rằng, khi ấy bà con có báo lên thôn, lên xã,
nhưng không thấy cán bộ nông nghiệp nào xuống giúp xử lý kịp thời hết bệnh gây
hại cho rau. Dùng những loại thuốc trừ sâu trên thửa rau đã quen dùng trong
vòng 3 năm vừa qua đã không còn tác dụng nữa. Bà con phải chọn đường ra các cửa
hàng thuốc bảo vệ thực vật ở xã, ở huyện, “trình báo” và mua thuốc bảo vệ thực
vật theo hướng dẫn của người bán hàng đem về bơm lên thửa rau. Có những hộ gia
đình gặp may, vừa bơm thuốc trong ngày đã diệt trừ hết sâu bệnh, cây rau trở
lại xanh tốt. Nhưng phần lớn hộ gia đình như gia đình anh Cilles Poh cứ bơm
thuốc trên luống rau nào thì luống rau đó bị lá vàng rũ, cây chết nhanh hơn. Do
tiền thuốc trừ sâu và tiền phân bón đều mua nợ, khi rau thu hoạch sẽ thanh
toán. Nhưng do rau không thu được sản phẩm, lỗ và nợ bắt đầu ‘vào nhà”, gia đình anh Cilles Poh và nhiều bà con khác,
lần lượt quyết định gọi nhiều nông dân từ Đà Lạt vào cho thuê đất, lấy trước tiền
trả được nợ, mua trước được gạo để sẵn trong nhà cho “chắc ăn”.
Theo chúng tôi, đáng lý trước tình trạng này, thay vì xác
nhận, ký tên và đóng dấu phía dưới những hợp đồng cho thuê đất nêu trên, lãnh
đạo chính quyền xã Lát hãy tăng cường đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về sát
cánh, vận động người đồng bào thiểu số giữ lại đất, trực tiếp khôi phục sản
xuất, tiếp cận đầy đủ những kỹ thuật mới trồng rau xanh hiệu quả kinh tế cao. Suy
cho cùng việc cho thuê đất của bà con đồng bào thiểu số ở vùng rau Đan Kia, xã
Lát chỉ là giải pháp tình thế, nhưng hiện vẫn còn khả năng diễn ra vì có thêm
nhiều diện tích rau đang tiếp tục nhiễm sâu bệnh nhiều. Vậy đề nghị chính quyền
huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cấp thiết vào cuộc giải quyết tình trạng này, từ đó có
định hướng sản xuất rau thương phẩm ổn định và bền vững hơn cho đồng bào./.
Tháng 9/2011