Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đã chọn lai tạo, trồng mới thành công nhiều giống hoa cúc từ vườn khảo nghiệm ra đồng, góp phần làm đa dạng thêm các giống loài hoa thương mại trên vùng chuyên canh hoa Đà Lạt.
Thạc sĩ Tưởng Thị Lý, người trực tiếp thực hiện việc lai tạo, khảo nghiệm các loài giống hoa cúc mới tại Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, cho biết: Từ vụ đông xuân 2007- 2008, Trung tâm đã đưa từ vườn khảo nghiệm ra trồng đối chứng trên nhiều vườn hộ nông dân ở vùng Đa Thiện và vùng Thái Phiên của Đà Lạt. Kết quả với 2 giống hoa cúc do Trung tâm lai tạo mới lần đầu, tên là CO5.1 và CO5.3, đã chứng tỏ những ưu điểm vượt trội như chiều cao cành hoa đạt từ 96cm đến 118cm; có khả năng kháng bệnh hoặc chỉ nhiễm ở mức độ nhẹ về các bệnh rỉ sắt, ruồi đen… Trồng mỗi sào mật độ 40 ngàn cây, CO5.1 và CO5.3 đã ra hoa đạt tỷ lệ gần 100%, gồm 2 màu hoa chính là tím hồng và trắng phớt hồng. Hoa hình dạng gần giống hoa thược dược, cánh hoa dày, nở thành từng chùm cân đối trên cành, giá bán trên thị trường đều tương đương với giá các loài hoa cúc đang trồng phổ biến lúc đó. Thành công đầu tiên từ vườn khảo nghiệm nhân rộng ra đồng với 2 giống hoa cúc CO5.1 và CO5.3 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao và cho phép được sản xuất trên diện rộng
Vụ thu đông năm 2009 và đông xuân 2010, thạc sĩ Tưởng Thị Lý cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, tiếp tục nghiên cứu và lai tạo thành công giống hoa cúc có tên mới là C07.7. Lai tạo và cấy mô thành giống đầu dòng C07.7 mới, Trung tâm tiến hành trồng trong vườn khảo nghiệm với vài trăm mét vuông nhà kính. Trồng khảo nghiệm với mật độ mỗi mét vuông là 55 cây. Bón phân với những khối lượng thích hợp, gồm giai đoạn bón lót các loại phân chuồng, vôi, hữu cơ vi sinh, lân, kali, đạm; và giai đoạn bón phân hóa học theo độ tuổi sinh trưởng của cây là 15 ngày, 30 ngày và 45 ngày. Trong 30 ngày đầu sau khi trồng, Trung tâm áp dụng hình thức chiếu sáng bổ sung bằng bóng đèn điện với 4 giờ mỗi ngày; cứ 30 mét vuông lắp đặt một bóng đèn. Kết quả sau 3 tháng khảo nghiệm, số hoa cúc C07.7 nở trung bình trên mỗi cây là 12,2 hoa, nhiều hơn 2,2 hoa so với các giống hoa cúc thông thường, tuổi thọ cành hoa là 12 ngày. Sau khi hoàn chỉnh quy trình khảo nghiệm với quy mô vài trăm mét vuông, Trung tâm trồng khảo nghiệm ở vườn hộ nông dân Đà Lạt với quy mô diện tích hàng ngàn mét vuông. Kết quả vụ thu đông năm 2009 tại vùng Đa Thiện, phường 8, Đà Lạt, giống hoa cúc C07.7 của Trung tâm với những đặc tính khác biệt là sức sinh trưởng mạnh, khả năng kháng bệnh khá cao ( hầu như không bị nhiễm bệnh rỉ sắt và ruồi đen), chiều cao cành hoa đạt 83,2cm. Tiếp theo khảo nghiệm ở vụ đông xuân năm 2010 với quy mô hàng ngàn mét vuông tại vùng Thái Phiên, phường 12, Đà Lạt cho thấy hoa cúc C07.7 cũng chứng tỏ khả năng sinh trưởng, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt, chiều cao cành hoa đạt 85cm, hoa màu đỏ viền vàng được thị trường ưa chuộng ngay từ lứa thu hoạch đầu tiên. Với mật độ trồng 55 ngàn cây trên mỗi sào đất Đà Lạt, giống hoa cúc C07.7 của Trung tâm cho tỷ lệ hoa thương phẩm từ 95% đến 100%, cao hơn từ 10% đến 20% so với các giống hoa cúc đối chứng cùng thời điểm. Tương tự, Trung tâm cũng đã khảo nghiệm thành công từ vườn nghiên cứu đến vườn trồng tập trung của nông dân Đà Lạt trên giống hoa cúc lai tạo mới có tên là CO7.16. Đây là giống hoa cúc màu vàng tươi, thị trường tiêu thụ với giá cao hơn hoa cúc thông thường, nhiều hộ nông dân sau khi trồng có kết quả lứa hoa đầu, đã tự nhân giống trồng mới hàng ngàn mét vuông cho những lứa hoa từ đó đến giờ. Đến nay, những giống hoa cúc lai tạo mới của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa nói trên, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhân rộng trồng trong nước. Theo khảo sát của thạc sĩ Tưởng Thị Lý, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thì các giống hoa cúc của Trung tâm lai tạo này, đã và đang được nông dân các vùng chuyên canh hoa trồng khoảng trên dưới 5 ha. Bên cạnh tự giâm cành hoa cúc mới, trong năm 2011, nông dân Đà Lạt đã trực tiếp đến Trung tâm mua khoảng 2 triệu cây giống mới về trồng.
Đến Trung tâm mua giống, nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật chăm sóc hoa cúc theo kết quả đã nghiên cứu, khảo nghiệm. Hiện Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đang tiếp tục lai tạo 2 giống hoa cúc mới trong phòng thí nghiệm, dự kiến bước sang năm 2012, sẽ hoàn chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật, đưa ra khảo nghiệm, đối chứng để tiếp tục bổ sung thêm nguồn giống hoa cúc với nhiều đặc tính mới trên vùng chuyên canh hoa cắt cành của Đà Lạt.
Tháng 12/2011
|