Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Những vòng đơn…chờ đợi

 VŨ VĂN
Mặc dù cơ quan nhà nước đã ban hành các văn bản giải quyết nhưng lại để người dân chờ đợi đến mỏi mòn vẫn chưa thực hiện. Đây là tình trạng “văn bản “bỏ quên” đang phát sinh nhiều trên lĩnh vực nhà đất, cần phải phân cấp trách nhiệm cụ thể hơn để sớm được khắc phục.

 5 NĂM, MỘT VÒNG ĐƠN
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Anh Chinh ( 6B, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt ) nói rằng gia đình ông gặp quá nhiều khó khăn về chỗ ở do văn bản “bỏ quên” hơn 5 năm qua. Ông Chinh sinh năm 1947, là con trai còn lại duy nhất của Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ( chết năm 1994). Người cha và 2 người anh ruột của ông Chinh đều là liệt sĩ.  Bản thân ông Chinh là bộ đội xuất ngũ, sống bằng nghề chạy xe ôm hàng ngày kiếm sống cùng người vợ với việc làm thiếu ổn định và một người con nhỏ. Không có khả năng tạo lập chỗ ở hợp pháp, ông Chinh phải ở nhờ căn nhà chung với gia đình bên vợ dựng lên trái phép trong đất rừng cảnh quan tại số 6B, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt. Ngày 30/4/2003, ông Trần Anh Chinh làm đơn xin được cấp một lô đất ở thuộc khu quy hoạch cho đối tượng chính sách tại đường Phạm Ngũ Lão và đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Ngày 12/5/2003, Phòng Tổ chức - lao động - xã hội Đà Lạt xác nhận: “Gia đình ông Trần Anh Chinh đang thờ cúng 03 liệt sĩ và Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Kính chuyển các cấp có thẩm quyền xem xét giúp đỡ…” Ngày 19/5/2003, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, ông Nguyễn Tri Diện có “bút phê“: “…Chuyển phòng nhà đất- địa chính lập thủ tục giao đất ở theo quy hoạch cho gia đình ông Trần Anh Chinh ( con liệt sĩ)… ”
Chờ đợi mãi vẫn chưa giải quyết theo văn bản của Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, gia đình ông Chinh gửi đơn đề nghị lên các cơ quan nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Ngày 09/7/2007, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản số 4535 ghi : “…Giao UBND thành phố Đà Lạt kiểm tra điều kiện về nhà ở của ông Trần Anh Chinh; trường hợp chưa có nhà ở, đất ở thì giải quyết giao cho ông Chinh 01 lô đất ở trên địa bàn…. ”   
Ngày 23/8/2007, việc xác minh hiện trạng nhà ở của hộ ông Trần Anh Chinh được tiến hành gồm các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt là Phòng Tài nguyên- Môi trường; Phòng Nội vụ- Lao động thương binh xã hội; UBND phường 3. Kết quả xác minh đã ghi: “…Ông Trần Anh Chinh chưa được hưởng chế độ chính sách về nhà ở, đất ở tại thành phố Đà Lạt…Căn nhà 6B, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, ông Trần Anh Chinh đang ở là nằm trong khu quy hoạch đất rừng nội ô (sang nhượng nhà bằng giấy tờ tay chưa được cấp giấy chứng nhận…Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.”  
Như vậy một vòng đơn chuyển về lại UBND thành phố Đà Lạt đến nay đã hơn 5 năm nhưng gia đình hộ chính sách ông Trần Anh Chinh vẫn chưa được giải quyết chỗ ở hợp pháp. Phải chăng các văn bản ký ban hành của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt lại trở về tình trạng…“bỏ quên” ?!
10 NĂM THỎA THUẬN RỒI “QUÊN”
Gia đình hộ ông Nguyễn Văn Thanh đã cư trú ổn định tại địa chỉ số 226/1, Phan Đình Phùng, Đà Lạt hơn hai mươi năm, được cấp sổ hộ khẩu thường trú gồm 4 người. Năm 1997, gia đình ông Thanh đã nâng cấp từ căn nhà ván lên căn nhà xây 2 tầng gỗ, tường bê tông cốt thép, diện tích 32 mét vuông.
 Trước đó – vào năm 1993, tại khu quy hoạch 226, Phan Đình Phùng, Đà Lạt, hộ bà Nguyễn Thị Ngọ và bà Nguyễn Thị Sen được cấp lô đất 01 và số 02, trong đó bao gồm cả diện tích nhà ở của gia đình ông Thanh. Ngày 23/4/1997, UBND phường 2, Đà Lạt làm việc với hộ bà Ngọ, bà Sen và ông Thanh, đã thống nhất bằng văn bản : “…Điều chỉnh lại diện tích đất ở ổn định cho ba hộ: bà Ngọ và bà Sen – mỗi hộ sử dụng diện tích 4m x11m; hộ ông Thanh tiếp tục sử dụng diện tích 4 m x 8m…”    
Tuy nhiên từ đầu những năm “hai ngàn” đến nay, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thanh làm thủ tục cấp chủ quyền nhà ở, đất ở thì hộ bà Nguyễn Thị Ngọ và hộ bà Nguyễn Thị Sen không đồng ý ký xác định giới cận với lý do là chưa được hộ ông Thanh bồi thường thỏa đáng (?!) Vừa qua làm việc với Phòng Tài nguyên- Môi trường Đà Lạt, ý kiến của hộ bà Ngọ và bà Sen vẫn không chấp nhận văn bản thỏa thuận điều chỉnh lại diện tích đất với ông Thanh từ hơn mười năm trước. Hệ quả, hộ gia đình ông Thanh vẫn đang cư trú trên chỗ ở 32 mét vuông hơn hai mươi năm…không hợp pháp !
THAY LỜI KẾT
Thiết nghĩ với hai trường hợp nêu trên chưa được pháp luật xác lập chỗ ở hợp pháp vì việc thực thi các văn bản nhà nước không đầy đủ, kịp thời. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan tổ chức triển khai, cùng với ý thức chấp hành pháp luật của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa thực sự nghiêm túc. Đã đến lúc cần áp dụng những biện pháp chế tài cần thiết nhất để chấm dứt tình trạng gây phiền hà cho người dân. /.  
Năm 2008