Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Cây thuốc Lâm Đồng với các nhà khoa học

VĂN VIỆT
Kết quả thực hiện Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao", Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đã ghi nhận 2.170 loài cây thuốc, trong đó có 40 loài đặc hữu quý hiếm ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM cho biết: Từ thập niên 80 trở về trước, Sở Y tế Lâm Đồng đã phối hợp với Phân viện Dược liệu TPHCM ( Viện Dược liệu Trung ương) điều tra, ghi nhận 715 loài thực vật làm thuốc trên nhiều vùng rừng núi của Lâm Đồng. Trong đó phát hiện những loài cây thuốc có giá trị như Thổ phục linh, Sa nhân, Thiên niên kiện… với trữ lượng phân bố khá nhiều ở các địa bàn Đạ Huoai, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng; Đẳng sâm ở Đơn Dương, Đà Lạt, Lạc Dương.

 Bên cạnh đó cũng trên những địa bàn rừng núi này còn xác định rất nhiều loài cây thuốc quý hiếm khác gồm Mã hổ, Thiên niện kiện lá to, Sơn trà, Một lá tím, Thiên môn ráng, Kim tuyến tơ… Các loài cây thuốc đặc hữu như Gò đồng Bi đúp, Hà biện lá thài lài, Bóng nước Langbian, Hải đường Langbian, Cuồng Hiệp…hoặc các loài cây thuốc khác đã được các cơ quan dược liệu trong nước nghiên cứu, đưa vào sản xuất như Chè dây, Bình vôi, Ba gạc lá to, Nữ lang…Những năm sau thập niên 80, Sở Y tế Lâm Đồng, Phân viện Sinh học Đà Lạt, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Trung ương tiếp tục điều tra, tập hợp số thực vật làm thuốc ở Lâm Đồng lên đến hơn 880 loài.
Đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, được sự cho phép của UBND tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP HCM đã tiếp tục điều tra, ghi nhận, phân loại nhiều loài cây thuốc rất cần cho nhu cầu sản xuất dược liệu trong nước với thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Đó là những loài cây thuốc phổ biến là Xuyên tâm liên, Màng tang, Hương nhu trắng, Húng chanh, Long não, Hậu phúc nam, Quế bạc, Chùa dù, Kinh giới đất, Dương cam cúc, Thanh hao hoa vàng…Đáng chú ý, Trung tâm cũng đã liệt kê những loài cây thuốc ở Lâm Đồng đang thuộc diện nguy cấp và sẽ nguy cấp cần được bảo vệ, đó là Thông đỏ lá dài, Đình tùng, Bách xanh, Pơ mu, Lệ dương, Nữ lang, Hoàng liên ô rô…Ngoài ra còn có nhiều loài cây thuốc ở Lâm Đồng có giá trị cao để bào chế thuốc y học cổ truyền với các tên gọi: Thạch xương bồ, Rau bánh lái, Ban Nhật, Ngũ bội tử, Đơn châu chấu, Mũi mác, Ba chẽ, Ráng đuôi phụng cứng…
Hiện nay, Công ty Bristol Myers Squibb ( Mỹ) và Công ty Sanofi – Aventis ( Pháp) đã chiết xuất hoạt chất taxol và 10-DAB từ cây Thông đỏ lá dài ở vùng rừng núi Himalaya của châu Á để chế biến các dược phẩm điều trị khá hiệu quả các bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thu phổi…Với cây Thông đỏ lá dài ở Lâm Đồng, các nhà khoa học Vương Chí Hùng, Nguyễn Tiến Hùng (Công ty cổ phần Y dược phẩm VIMEDIMEX), Trần Công Luận ( Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM), Nguyễn Ngọc Vinh ( Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM) đã thống kê có 250 “cá thể trưởng thành” ở vùng rừng Lâm Đồng, từ đó chọn ra 50 cá thể để phân tích, tuyển chọn nhân giống.
Phân tích hoạt chất taxol và 10- DAB của Thông đỏ lá dài ở Lâm Đồng có hàm lượng cao xấp xỉ 3 lần so với Thông đỏ lá dài ở nước ngoài. Kết quả đã chọn ra những “cá thể” có hàm lượng hoạt chất 10- DAB và taxol cao nhất để nhân giống bằng kỹ thuật giâm hom, đạt tỷ lệ ra rễ hơn 90%.  Sau đó đưa giống cây con đạt chuẩn khỏe mạnh từ vườn ươm ra trồng đại trà, đến nay đã hoàn chỉnh quy trình gồm: trên 1ha trồng với mật độ 10.000 cây; bón 30 tấn phân hữu cơ và 636kg NPK, thu hoạch lá lần đầu từ 20-24 tháng sau khi trồng, các lần sau từ 2-2,5 tháng/lần, đạt năng suất lá khô từ 2,5 tấn đến 6 tấn/ha. So sánh hàm lượng taxol và hàm lượng 10- DAB của Thông đỏ lá dài sản xuất cao hơn Thông đỏ lá dài tự nhiên tại Lâm Đồng từ 1,86 đến 27,27 lần.     
Các nhà khoa học ở Việt Nam vừa nêu cũng đã khẳng định có thể sản xuất hoạt chất 10-DAB và taxol từ thông đỏ lá dài trồng ở Lâm Đồng đạt tương đương tiêu chuẩn chất lượng thế giới, có giá thành bán ra thấp hơn giá thành nhập về từ châu Âu từ 2,5- 3 lần, đặt ra nhiều hy vọng về việc nghiên cứu, bào chế thuốc chữa trị các bệnh ung thư tại Việt Nam./. 
THÁNG 10/2013