VŨ VĂN
Bây giờ với xứ lạnh Đà Lạt bên cạnh “sản
vật” rau xanh đã có thêm “sản vật” cá hồi từ xứ trời Âu “di cư” về. Sự hòa trộn
giữa rau xanh với cá hồi Đà Lạt cho ra dòng thực đơn khá hấp dẫn với thực khách
gần xa : Lẩu cá hồi Đà Lạt.
Người
nhà tôi ở bên Mỹ về thăm chơi những ngày lễ tháng tư ở Đà Lạt đã không quên đi
tìm món cá hồi Đà Lạt. Hỏi cánh tài xế taxi mới biết địa chỉ nhà hàng lớn nhỏ
bán món cá hồi khá nhiều ở Đà Lạt. Theo chọn lựa ngẫu nhiên, nhóm khách bên Mỹ
và khách nội địa Đà Lạt quây quần một bàn dài ở Nhà hàng Minh nằm ở khoảng giữa
đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt.
Gọi hai món cá hồi Đà Lạt là món nướng và những cái
lẩu. Chỉ đôi chục phút sau, người phục vụ đã đưa ra những đĩa cá hồi nướng vàng
ươm như mật. Từng lát cá hình bầu dục dậy hương thơm phức. Cá được bày biện
giữa những sợi xà lách xanh um và những khoanh cà chua mọng nước. Từng thớ thịt
cá săn chắc mà vừa bùi, vừa beo béo nơi đầu lưỡi. Khách Mỹ đã phải tấm tắc rằng cá hồi Đà Lạt có trọng lượng không lớn bằng cá hồi ở Au Châu nhưng thịt của nó càng ăn
càng không biết cảm giác ngấy ngán là gì. Đặc biệt có các món rau xanh quá tươi
xanh của xứ lạnh Đà Lạt đã “phụ trợ” cho món cà hồi thêm phần ngon miệng hơn.
Nhưng đến món cuối cùng của cá hồi trong bữa ăn hôm ấy- tất nhiên là món lẩu
mới gọi là “nói về rau Đà Lạt” với cá hồi.
Từng con cá hồi còn tươi sống cắt khúc
ra đĩa, đường vân cá xanh thẫm chạy dài rõ từng nét một trên thân cá. Vây quanh
là những đĩa tràn đầy nhiều loại rau đặc sản của Đà Lạt. Nào cải thảo, cải
xanh, tầng ô, bó xôi, bạc hà, cà chua, dứa…non xanh mơn mởn. Cá hồi bỏ vào nồi
lẩu đang sôi bốc khói, chừng đôi phút sau thịt cá chuyển sang màu hồng tươi là
ăn được rồi. Đừng để cá chín lắm sẽ phai lạt đi vị ngọt bùi. Nước cá hồi với
nước rau xanh Đà Lạt là một món nước lẩu ăn với bún cho ra những mùi vị khác
lạ. Vị thơm của cá hồi hòa với vị ngọt lành của rau Đà Lạt trở thành hương vị
lẩu cá hồi riêng biệt của vùng đất lạnh Nam Tây Nguyên.
Có
lẽ món ăn đặc trưng riêng của cá hồi Đà Lạt không giống bất kỳ món ăn cá hồi ở
vùng miền nào trong và ngoài nước nên ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đà Lạt đã ra
đời nhà hàng quy mô khá lớn mang tên “Lẩu Cá Hồi Đà Lạt”. Cá hồi chế biến ở đây
khá phong phú. Bên cạnh món lẩu; còn có món gỏi ăn với mù tạt; món hấp cuốn
bánh tráng; món nướng ăn kèm với rau xanh. Khuôn viên của nhà hàng Lẩu Cá Hồi
khá rộng thoáng ngay trung tâm thành phố, giá cả khá phù hợp chung cho khách
địa phương và khách du lịch. Hoặc như
nhà hàng Ớt Đỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đà Lạt, một gia đình bốn người với mức
sống trung bình vẫn có thể ăn một lẩu cá hồi hàng tuần thay cho một bữa ăn
chính. Và vẫn có những quán lẩu cá hồi giá bình dân ở khu vực các phường ven đô
Đà Lạt để phục vụ cho người lao động địa phương.
Mới
đây khi tham quan trại cá hồi của Công ty Giang Ly ở xã Đạ Chais, Lạc Dương
được hiểu thêm khả năng tiêu thụ cá hồi ở thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm
Đồng là vô cùng lớn. Có tháng trại cá hồi này cứ 02 ngày xuất bán một lần từ
120 con đến 150 con. Trọng lượng mỗi con nặng từ 01 kg trở lên. Tất cả gần 20
hồ cá lớn ở đây xuất bán ra không kịp với đơn đặt hàng quá nhiều. Bởi vậy phải ưu
tiên bán cho những khách hàng đặt hàng sớm nhất, trong đó có những nhà hàng ở
Đà Lạt. Và bởi lượng cung không đáp ứng với lượng cầu nên mấy hồ cá của ông
Phạm Văn Đa ở Quảng Thừa, Đà Lạt đang bước vào ngưỡng nông gia tỉ phú. Dẫu sao
lợi thế nguồn nước lạnh nuôi thành công cá hồi ở Đà Lạt và các vùng phụ cận Lạc
Dương trước hết giành riêng cho nhu cầu thực phẩm tươi sống của Đà Lạt. Nên
điều dễ hiểu bây giờ khi du khách gần xa mỗi lần lên Đà Lạt là không quên
thưởng thức món lẩu cá hồi vừa vớt lên từ những ao nuôi cá quanh vùng./.
Tháng 4/2009