VĂN VIỆT
Với môi trường thuận lợi
về cơ chế, thủ tục pháp lý, HTX Anh Đào Đà Lạt đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỷ đồng,
xây dựng hàng chục héc ta chuyên canh rau xanh theo tiêu chuẩn VietGap ở khu Ấp
Lát, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, góp phần chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX
Anh Đào, Đà Lạt cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu về nhu cầu phát triển nông
nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Lạc Dương, HTX Anh Đào, Đà Lạt quyết định
chọn khu vực Ấp Lát, xã Đạ Sar để đầu tư mở rộng diện tích trồng
rau xanh lâu dài. Khu vực đất này nằm dưới thung lũng ven suối, từ trước đến
nay, nông dân (phần lớn là người đồng bào thiểu số gốc Tây Nguyên) chủ yếu trồng
cây lúa, cây bắp…luân canh không ổn định, năng suất và hiệu quả kinh tế vô cùng
bấp bênh. “Việc “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” đối với cây rau xanh các
loại ngay trên mảnh đất định canh, định cư của đồng bào thiểu số Lạc Dương là một
nhu cầu rất lớn, nên HTX Anh Đào chúng tôi đã nhanh chóng ký kết hợp tác để
chuyển đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển đổi đời sống mới
của từng hộ gia đình…” -Chủ nhiệm Thừa nói.
Thỏa thuận hợp tác giữa HTX Anh Đào,
Đà Lạt với nông dân Ấp Lát, Lạc Dương được chính thức thông qua vào tháng
4.2011. Tất cả 37 hộ nông dân lần lượt ký hợp đồng với HTX trong thời hạn 20
năm, tổng diện tích đưa vào sản xuất gồm 22 ha. Đi vào triển khai hợp đồng, thực
hiện trách nhiệm ràng buộc của mình, HTX đưa cơ giới vào san lấp mặt bằng, cải
tạo trên từng thửa đất, mở đường lưu thông đến nơi. Tiếp đến HTX lắp đặt hệ thống
tưới nước tự động trong nhà kính và tưới tự động ngoài trời. Đến tháng 8/2011,
việc “nâng cấp hạ tầng cơ sở đồng rau” mới hoàn thành, HTX tổ chức đồng loạt xuống
giống trồng gần 15 giống rau xanh chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap. Tính
ra để hợp tác sản xuất trên 01 ha rau VietGap vói nông dân ở đây, HTX Anh Đào đã
đầu tư tổng cộng khoảng 400 triệu đồng. Riêng 2,5 ha nhà kính trong tổng số diện
tích hợp đồng, HTX ước tính đã đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng trên mỗi ha. Phần
“ràng buộc” của nông dân theo hợp đồng trong 3 năm đầu, được trực tiếp lao động
và hưởng ngày công trên 20% số lãi trồng rau và 12 triệu đồng tiền thuê đất
trên mỗi ha. Cứ 3 năm một lần, số tiền thuê đất sẽ tiếp tục tính toán mới để
thông qua theo tỷ lệ có lợi nhất cho nông dân.
Đến nay đã hơn một năm “vận hành” trồng
rau VietGap, nông dân Ấp Lát, Đạ Sar, Lạc Dương vừa thực hành sản xuất vừa trải
qua 6 lớp tập huấn kỹ thuật công nghệ cao từ các cơ quan chuyên trách nông nghiệp
của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng và của các chương trình dự án nông nghiệp
trong nước, quốc tế. Gần 15 loại rau đưa vào trồng VietGap, rau ngắn ngày nhất,
từ khi trồng đến khithu hoạch là 01 tháng; rau dài ngày nhất, từ khi trồng đến
khi thu hoạch nhất là 3 tháng. HTX Anh Đào với nhiều cán bộ kỹ thuật nông nghiệp
chuyên trách, đã hàng ngày hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch theo từng
luống rau xanh, tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy trình của VietGap. Trồng cùng
lúc nhiều chủng loại rau, ước thu hoạch mỗi ngày của HTX Anh Đào với 22 ha ở Ấp
Lát, Đạ Sar trên dưới 10 tấn rau, thu xong vận chuyển về sơ chế ở “khu tập kết”
trên đường Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt trước khi đưa lên xe lạnh đi tiêu thụ đến
các hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Trừ hết mọi chi phí quản lý, công lao động,
vật tư phân bón, tiền thuê đất, khấu hao, thuế….còn lại đạt lãi năm đầu trên mỗi
ha là 80 triệu đồng. Trong đó nông dân được hưởng khoản tiền công lao động trên
20%, thành tiền là 20 triệu đồng. Dự kiến tỷ lệ này được tăng lên 35% vào đầu
năm 2013 và 40-45% vào năm 2015.
Cùng thời gian trên cũng ở khu vực Ấp
Lát, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, HTX Anh Đào thuê 15,7 ha đất của nhà nước với
thời hạn 20 năm, giá thuê 01 ha trong năm 2012 là 8,6 triệu đồng. Bên cạnh bồi
thường 2,5 tỷ đồng hoa màu cho người dân, HTX Anh Đào cũng đầu tư nguồn vốn
trung 400 triệu đồng trên mỗi ha, hình thành mới một vùng chuyên canh sản xuất
rau VietGap. Đến nay, HTX Anh Đào đã đạt lãi sản xuất năm đầu mỗi ha từ 80- 100
triệu đồng. Gần 50 lao động ở trong và ngoài địa phương được tiếp nhận vào học
và làm nghề sản xuất rau VietGap, đạt thu nhập mỗi người mỗi tháng từ 3 triệu đồng
trở lên. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Công Thừa, thị trường tiêu thụ rau xanh của Đà Lạt
và các vùng phụ cận sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGap luôn luôn rộng mở,
nhiều tiềm năng ở phía trước./.Tháng 11/2012