Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Than Thở nở hoa

VĂN VIỆT
Chào mừng Festival hoa Đà Lạt năm 2012, danh thắng Hồ Than Thở, Đà Lạt đã đua chen khoe sắc hàng chục loài hoa, trải dài dưới chân những hàng thông từ khu đồi bên hồ sang khu đồi thông hai mộ, đón chào một năm du lịch mới. 
Ngày cuối năm 2011 lành lạnh, nhân viên hoa và cây xanh danh thắng Hồ Than Thở như tích cực hơn trong việc chỉnh trang mỹ quan mới để kịp đón chào năm mới 2012. 

Anh Lê Đình Thành, Phó Giám đốc phụ trách danh thắng Hồ Than Thở cho biết, đây là thời gian tập trung xây dựng các công trình hoa  mới cho khu du lịch đón chào năm mới và cho những năm tiếp theo nhằm tạo phối cảnh hài hòa giữa thảm hoa với đồi thông xanh. Trong vườn ươm rộng hàng trăm mét vuông bên góc đồi, hàng ngàn chậu hoa đặc hữu của Đà Lạt đã nở rộ, nhân viên đang phân loại và đưa ra trồng dưới những rặng thông chạy dọc ven hồ. Trước đó những thảm hoa bên đồi khu hồ đã chăm sóc nở hoa bung từng cánh to, đẹp với hơn 10 ngàn gốc hoa cẩm tú cầu. Ở khu thung lũng ngàn mét vuông đã trải thảm nhiều loài hoa thân thảo của Đà Lạt với mu6n sắc hồng, ngàn sắc tím.  
Bên cạnh đó đã trồng mới phủ xanh 300 cây thông non, cao từ hơn một mét trở lên; đồng thời trồng mới ở phía hồ lắng với 200 cây hoa mai đào cao từ một mét rưỡi trở lên.  Tại khu vực này đã có hàng trăm cây hoa mimosa trồng vài năm về trước, năm mới 2012 này đã tỏa cành lá xanh um, hoa nở vàng rực. Tính riêng việc trồng cây xanh, hoa và nạo vét ở khu hồ lắng 2 ha này, Khu Du lịch Hồ Than Thở đã đầu tư nguồn vốn khoảng 1,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng nạo vét hồ lắng khoảng 50 ngàn mét khối bùn đất, tạo độ nước sâu mới trung bình từ 2 mét đến 3 mét.
Ở khu đồi bên hồ lắng của hồ Than Thở phía Tây, một đồi hoa bất tử rộng khoảng mười ngàn mét vuông đã vào kỳ nở hoa hàng loạt. Anh Thành cho biết, để có đủ nguồn giống trồng trên 01 ha hoa bất tử, Khu Du lịch hồ Than Thở đã tỏa đi tìm mua giống trong  nhà dân ở  khu dân cư ven đô. Mua hạt giống đến đâu về khu du lịch ươm trên vỉ xốp đến đó. Sau 2 tháng chăm sóc, cây giống phát triển tốt trên vỉ xốp mới đưa ra ngoài đồi thông trồng theo từng hàng, từng luống, tưới nước và bón phân kỹ lưỡng đến 2 tháng sau thì cây bắt đầu ra hoa. “Hoa bất tử có thể xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt từ câu chuyện tình yêu thủy chung mà đượm buồn tang tóc bên hồ Than Thở. Vì hoa bất tử nở quanh năm, không bao giờ héo rũ trước khi lìa cành chết rơi xuống đất…Bởi vậy chúng tôi nghĩ rằng qua hình ảnh hoa bất tử, sẽ tạo thêm cảm xúc đầy tràn hơn đối với du khách về tình yêu đôi lứa khi đến ngoạn cảnh danh thắng hồ Than Thở…”
Cùng lúc với việc trồng phủ hoa bất tử trên đồi hoa bên hồ Than Thở thì bên đồi thông hai mộ đối diện bên này trồng phủ tím hoa forget me not và các loài hoa tím khác của Đà Lạt. Bên hai ngộ nằm chung nhau của chàng tên Vũ Minh Tâm và nàng tên Lê Thị Thảo trong câu chuyện tình hồ Than Thở nổi tiếng là những màu hoa tím buồn, bâng khuâng, da diết, nhuộm tím trên ngàn mét vuông dưới những cội thông già. Anh Thành cho biết thêm, giống hoa forget me not tim xanh và các loài hoa tím biếc khác của Đà Lạt, nhân viên Khu Du lịch hồ Than Thở đã mất nhiều tháng trởi thu gom hạt giống trong dân cư ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Rồi đem hạt về ươm trong vườn ươm khảng hơn 2 tháng; sau đó đưa ra trồng khoảng thêm 2 tháng nữa mới ra hoa. Cũng như hoa bất tử, các loài hoa tím Đà Lạt nở quanh năm, sẽ đem đến những kỷ niệm khó quên với du khách gần xa khi đặt chân đến.

Để tạo thành hai khu đồi hoa bất tử và hoa tím Đà Lạt nói trên, Khu Du lịch hồ Than Thở Đà Lạt đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Đây là nguồn vốn trích từ lợi nhuận kinh doanh của khu du lịch trong năm 2011. Chào năm mới 2012, trong khi tiếp tục triển khai các giai đoạn nạo vét 7 ha lòng hồ còn lại của hồ Than Thở, danh thắng hồ Than Thở tiếp tục ưu tiên mở rộng hai đồi hoa bất tử và hoa tím Đà Lạt, bên cạnh việc xây dựng những đường hoa mới với khoảng 20 loài hoa các loại của Đà Lạt. Đây có thể xem là một màu trang điểm mới cho gương mặt hồ Than Thơ -danh thắng quốc gia- bước vào một năm làm đón khách du lịch với những dự báo đầy sôi động./.   
Tháng 12/2011