Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Đà Lạt có gần 383 ha đất ở mới

VĂN VIỆT
Trong phạm vi quy hoạch 39.329 ha đến năm 2020, thành phố Đà Lạt vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh gần 383 ha đất ở mới chuyển từ các loại đất lâm nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp, dự án du lịch…

Theo đó, nhiều khu hành chính, văn hóa, thương mại, dân cư mới ở  Đà Lạt sẽ hình thành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao với một đô thị trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của vùng, cả nước và quốc tế.

CAO ỐC TỪ 12 TẦNG ĐẾN 18 TẦNG
Theo quyết định phê duyệt của tỉnh Lâm Đồng nói trên, quy mô khoảng 6,1ha đất thuộc cơ sở đào tạo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ( nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng) phải di dời để xây dựng Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên Lâm Đồng. Ở diện tích 3,5 ha thuộc khu vực Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng và Xí nghiệp may Apex, Đà Lạt ( đường Trần Phú và đường Đoàn Thị Điểm, Đà Lạt), được điều chỉnh để xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. Hai khu vực này quy định mật độ xây dựng không quá 40%, công trình xây dựng cao không quá 9 tầng. Với khu vực 1,69 ha xây dựng khu trung tâm thương mại và khu dân cư Ánh Sáng, Đà Lạt ( nằm trên các đường phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ), được xây dựng cao ốc từ 12 tầng đến 18 tầng, bố trí kiến trúc thấp dần về phía hồ Xuân Hương. Với khu vực 19,7 ha nằm trên các đường phố Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Nghĩa, Bà Huyện Thanh Quan, Đinh Tiên Hoàng, chuyển một phần đất công viên văn hóa đô thị thành đất hỗn hợp, phần diện tích còn lại bố trí thành công viên, hệ thống cây xanh, mặt nước. Mật độ xây dựng ở đây không quá 35%, chiều cao xây dựng tối đa không vượt điểm cao của công trình Nhà Bảo tàng Lâm Đồng cũ ( trên đình đồi đường Lý Tự Trọng, Đà Lạt). Riêng nhà biệt thự cao không quá 2 tầng và nhà ở liền kề cao không quá 4 tầng.     
CHUYỂN ĐẤT RỪNG, ĐẤT CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP, ĐẤT DỰ ÁN DU LỊCH THÀNH ĐẤT Ở
Quy mô 4 ha đất khu đồi C5, đường Nguyễn Trung Trực, Đà Lạt, được chuyển 01 ha từ đất rừng sang đất ở. Công trình xây dựng ở đây không quá mật độ 30%, tối đa 3 tầng cao, mái lợp hình dốc. Trong 100 ha quy hoạch khu dân cư và nhà ở sinh viên đường Nguyễn Hoàng, phường 7, Đà Lạt, có 20 ha chuyển từ đất rừng ( đất trống có thông rải rác) và 10 ha đất nông nghiệp sang đất ở. Xây dựng ở khu vực này phải tuân thủ địa hình cảnh quan, không xây dựng nhà phố trên cao, hạn chế san gạt, khuyến khích các công trình kiến trúc xanh. Cụ thể: Khu chung cư, nhà ở sinh viên xây dựng không quá mật độ 35%, cao nhất là 15 tầng. Khu nhà biệt thự, nhà vườn xây dựng không quá mật độ 40%, cao tối đa 3 tầng. Khu nhà liên kế mật độ xây dựng không quá 80%, cao không quá 4 tầng.
Ở diện tích 32 ha khu dân cư thôn Măng Lin, phường 7, Đà Lạt, điều chỉnh 23 ha từ đất nông nghiệp sang đất ở, được xây dựng tối đa 3 tầng, khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế vườn gắn với nhà ở, mật độ xây dựng không quá 30%. Khu đất dự trữ khoảng 5 ha chuyển sang đất khu dân cư ở đường Nguyễn Đình Quân, phường 5, Đà Lạt với các vị trí: Bắc giáp Khu du lịch Cam Ly. Nam giáp Khu dân cư số 4. Đông giáp đường Trần Văn Côi. Tây giáp khu dân cư hiện hữu và cây xanh. Mật độ xây dựng ở đây là: Không vượt 80% diện tích và không vượt chiều cao 4 tầng đối với nhà liên kế. Và không vượt quá 30% mật độ xây dựng với chiếu cao tối đa 2 tầng đối với nhà ở biệt thự. Quy mô điều chỉnh 12 ha đất nông nghiệp thành đất ở thuộc khu vực An Sơn, phường 4, Đà Lạt được khuyến khích xây dựng loại hình nhà ở sinh thái vườn. Ở khu dân cư tái định cư 5B thuộc phường 3 và phường 4, Đà Lạt, được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở với quy mô 100ha. Chỉ tiêu quy hoạch đô thị nơi này sẽ tạo nên một khu dân cư mới gắn với phát triển môi trường cảnh quan, đặc biệt là cảnh quan hồ nước An Bình với quần thể công viên cây xanh.
Với diện tích đất chuyển đổi từ đất phát triển dự án du lịch thành đất ở là : Quy hoạch mới 23 ha đất ở tại khu vực hồ Tâm Sự, phường 3, Đà Lạt với việc xây dựng các công trình dịch vụ theo quy chế quản lý rừng. Quy hoạch 7 ha thuộc phần dự án du lịch hồ Than Thở được xây dựng nhà ở mới với mật độ không quá 30%, chiều cao không quá 2 tầng. Khuyến khích hình thức kiến trúc sinh thái, kết hợp dịch vụ du lịch làng nghề gắn với Khu du lịch hồ Than thở để thúc đẩy phát triển kinh tế. Khu dân cư, tái định cư Prenn được hình thành mới từ đất phát triển dự án du lịch, khuyến khích xây dựng nhà ở biệt lập, mật độ cây xanh, mặt nước phải đạt 30%. Ngoài ra các khu dân cư mới được điều chỉnh đến năm 2020 gồm: Khu dân cư Lê Thị Riêng ( phường 7, Đà Lạt) với 24 ha điều chỉnh từ đất công nghiệp ( Trại gà cũ) và đất nông nghiệp. Khu dân cư và tái định cư đường Huỳnh Tấn Phát, phường 11, Đà Lạt với đất ở mới được chuyển từ phần đất công nghiệp trên 2,6 ha. Khu dân cư thuộc khu vực Trại nấm cũ, phường 3, Đà Lạt, được chuyển 6,4 ha đất công nghiệp sang đất ở. Khu dân cư, tái định cư mới ở đường Ngô Thì Sỹ và Ngô Thì Nhậm, Đà Lạt với 01 ha được chuyển từ đất dự án phát triển giáo dục…
  Toàn bộ gần 383 ha đất các loại chuyển đổi thành đất ở mới nói trên đều giành từ 15% đến 20% diện tích xây dựng đất giao thông chính trong khu vực để kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông phát triển lâu dài trên thành phố Đà Lạt./.
Tháng 4/2011