Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Gốc dâu “thiên cổ”

VĂN VIỆT
Từ gốc dâu “thiên cổ” nặng hàng tấn mua về ở vùng Loan, Đức Trọng, người thợ điêu khắc trẻ, Lê Trọng Nghĩa ngụ tại thôn Tân Lập, xã Tân Văn ( Lâm Hà) đang chạm trổ hoàn thành tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” để kịp tham gia triển lãm Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5 - năm 2014.
Tính “tròn số” đến giữa tháng 10/2013 là 150 ngày, nam điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cùng 5 người thợ “cộng sự” đã gác lại mọi mẫu mã đặt hàng của “khách lẻ” để tập trung công sức, trí tuệ và sự khéo léo cho tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” từ gốc dâu “thiên cổ” hiếm có ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. 

Nghĩa kể: Đón chào năm 2014 với Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5, Nghĩa bước sang 30 năm tuổi đời với hơn 15 năm tuổi nghề điêu khắc nghệ thuật trên gỗ lũa, nhưng đây là lần đầu tiên được thể hiện niềm đam mê mỹ thuật điêu khắc của mình trên 1 gốc dâu “thiên cổ” đồ sộ đã may mắn “chuyển nhượng” về từ một người bạn hàng khai thác hợp pháp ở rừng sâu.
Chưa kể tiền công điêu khắc, chạm trổ, Nghĩa đã bỏ ra tổng chi phí gần 200 triệu đồng mua gốc dâu “thiên cổ”  từ vùng Loan, Đức Trọng rồi vận chuyển về Tân Văn, Lâm Hà trực tiếp sáng tác tạo hình. Nhìn những “dấu vết thời gian” nâu trầm, loang lổ những đường vân trên thớ gỗ to kềnh, Nghĩa bỗng lóe lên ý tưởng “thổi hồn” thành tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” triển lãm tại Festival Hoa Đà Lạt. Theo tìm hiểu của Nghĩa, biểu tượng “Phật Di Lặc” trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói riêng, người dân phương Đông nói chung là “Phật cười”, là biểu tượng vận may, hạnh phúc của con người được dễ dàng hóa giải từ những buồn phiền, giận dữ, căng thẳng, loa toan… trong cuộc sống mỗi ngày.  Và “Thập bát La Hán” là 18 vị La Hán với từng hình dáng, phong thái kỳ bí khác nhau, nhưng đã hợp thành một khối trí tuệ và đức độ “phụng hiến”, rất dễ gần gũi và đáng để mọi người tôn kính, hướng đến. Bởi vậy, thông điệp từ bức tượng này, Nghĩa muốn góp thêm lời chúc may mắn, hạnh phúc đối với du lhách khi đến Đà Lạt.
Công việc đầu tiên sau ngày sở hữu gốc dâu “thiên cổ”, Nghĩa đi vào đẽo, gọt, đục, cắt, mài…cách điệu thành một vách đá tổ ong to lớn, chiều cao gần 4m, cạnh dài nhất là 3,5m. Trong đó sau phần phác thảo “tọa độ” rồi chạm trổ, điêu khắc từng chân dung tọa lạc trên từng vị trí phù hợp, từ chân dung  Phật Di Lặc được phối cảnh trọng tâm, ngồi tựa lưng vào vách đá với chiều cao khoảng 1,5m,  đến từng chân dung quây quần xung quanh của 18 vị La Hán với các “danh xưng” như: Khai Tâm, Tĩnh Tọa, Trầm Tư, Kỵ Tượng, Phục Hổ…
Cũng trong thời gian 150 ngày vừa qua, Nghĩa đã tìm mua thêm 1 gốc gỗ lũa xá xị từ Phú Sơn, Lâm Hà để làm bệ đỡ cho bức tranh “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” trên chất liệu gốc dâu “thiên cổ”. Với chiều dài, chiều rộng, chiều cao của gốc xá xị lần lượt là 3,5m; 2,5m và 0,6m, Nghĩa và 5 người thợ “cộng sự” đang tích cực tạo hình 12 con vật tương ứng với 12 con giáp tính tuổi của người phương Đông. Dự kiến, Nghĩa sẽ triển lãm tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán”  (trên nền chất liệu gỗ dâu và gỗ xá xị) tại Vườn hoa Đà Lạt trong vòng 10 ngày trước và sau khi diễn ra khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5- năm 2014.
Vậy là sau 5 lần diễn ra Festival Hoa Đà Lạt đều có tác phẩm tạo hình trên gỗ lũa của người thợ trẻ Lê Trọng Nghĩa tham gia. Trước đó những tác phẩm tham gia 4 kỳ Festival Hoa Đà Lạt của Nghĩa như tượng người đồng bào thiểu số Tây Nguyên cùng các vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ; tượng sư tử ngồi, tượng rồng bay, phượng múa…Đáng kể thêm, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, những tác phẩm điêu khắc trên gỗ lũa của Nghĩa đưa ra trưng bày đã thu hút đông đảo người thưởng lãm như hình chim hạt ngủ đông, hình ngựa phi, hình con nai ngơ ngác giữa rừng…Hoặc tham gia triển lãm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người thợ Lê Trọng Nghĩa đã bán được bộ tượng gỗ lũa “Phúc Lộc Thọ” cao 2,2m với giá 230 triệu đồng.
Hy vọng tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” trên gỗ dâu “thiên cổ” của Lê Trọng Nghĩa lần này sẽ góp phần tạo thêm những ấn tượng mới đối với du khách gần xa khi lên vui hội cùng Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5 này./
Tháng 10/2013