Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Cà phê “tăng bất ổn”

VĂN VIỆT
Thống kê mới đây của ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho biết: Diện tích cà phê trên địa bàn Lâm Đồng hiện có hơn 145.734ha, trong đó chiếm nhiều nhất là diện tích cà phê vối với tỷ lệ 87,3%; các tỷ lệ còn lại là diện tích cà phê chè chiếm 10,82% và diện tích cà phê mít chiếm 1,88%. Nếu tính từ năm 2007 đến nay với số diện tích mỗi năm tăng gần 3.580 ha, cây cà phê ở Lâm Đồng đã ngày càng bộc lộ nhiều bất ổn trên đường phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Phòng Trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, khi diện tích cà phê hàng năm trồng mới tăng lên khá nhiều thì diện tích cà phê già cỗi gần như cũng tăng theo với tỷ lệ thuận đáng kể, đến nay đã chiếm gần 35% trong cơ cấu vườn cây. Trong khi đó, phần lớn diện tích cà phê của nông hộ trong tỉnh Lâm Đồng vẫn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, mức độ đầu tư gần như phụ thuộc vào giá cả vật tư, phân bón “đầu vào” biến động thất thường và giá tiêu thụ “đầu ra” bấp bênh của thị trường. Giai đoạn thu hoạch vụ mùa, nông dân ở nhiều huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng vẫn còn tình trạng hái cà phê xanh non; thậm chí vẫn còn sơ chế thủ công như xát đập quả cà phê tươi khi phơi để rút ngắn thời gian lấy nhân cà phê khô, sau đó bảo quản trong những bao tải sơ sài hoặc đổ thành từng lớp vương vãi trên nền nhà ở, không có nhà kho bảo quản tập trung, dẫn đến chất lượng cà phê nguyên liệu không cao….
Để khắc phục hiện tượng tăng diện tích cà phê tiềm ẩn nhiều bất ổn như trên, hướng đến việc hoàn chỉnh quy trình sản xuất bền vững, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã đề ra các biện pháp về quy hoạch sản xuất, tổ chức lại mạng lưới chế biến, tiêu thụ gắn với vùng nguyên liệu, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…Trong đó biện pháp trọng tâm nhất là đến năm 2015 phải chuyển đổi hơn 50,6 ngàn ha cà phê già cỗi ( 93,3% cà phê vối và 16,7% cà phê chè) sang trồng tái canh hoặc cải tạo ghép mới các giống cà phê chọn lọc vô tính, đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Đặc biệt ở các vùng có các điều kiện sinh thái phù hợp như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… nên tập trung đầu tư “trẻ hóa” giống cà phê chè sạch bệnh, chất lượng cao, đạt tỷ lệ diện tích từ 20- 25% trên tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã đề ra các giải pháp nghiên cứu khoa học về thâm canh tổng hợp cho từng giống cà phê trên từng vùng sinh thái như: hoàn chỉnh quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, quy trình quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp…Ngoài ra trong quá trình canh tác phải tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho từng giống, từng vùng sinh thái, chuyển dần tập quán bón phân tỷ trọng vô cơ cao sang bón phân hữu cơ bền vững; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như tạo hình, tỉa cành, trồng cây che bóng chắn gió, chống xói mòn, rửa trôi đất…
Từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất cà phê an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; xây dựng các vườn khảo nghiệm nhân giống chè năng suất và chất lượng cao, đến năm 2015 sẽ chủ động được nguồn giống để cải tạo, thay thế những diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng như đã nêu trên.  

Kế hoạch đến năm 2015, Lâm Đồng sẽ ổn định lại vùng nguyên liệu cà phê với diện tích 135 ngàn ha, năng suất trung bình 30 tạ nhân/ha. Diện tích này vẫn tiếp tục ổn định đến năm 2020, nhưng năng suất trung bình tăng lên 35,5 tạ nhân/ha. Để đạt những chỉ tiêu này, bên cạnh những giải pháp về cơ cấu giống, ứng dụng kỹ thuật mới, thiết nghĩ cần phải tiến hành đồng thời với các giải pháp đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung thành các nhóm hộ gia đình, các câu lạc bộ, hợp tác xã, liên kết cùng những thành phần kinh tế khác….để chủ động được nguồn nguyên liệu cà phê đồng đều, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh đứng vững và phát triển trên thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Tháng 12/2012