Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Khi nước máy về Măng Lin

VĂN VIỆT
Sau một tháng đầu tiên có nước máy đưa về, nhiều thói quen sinh hoạt thường ngày của đồng bào Măng Lin, phường 7, Đà Lạt đã đổi khác. Không còn những cảnh tự lắng lọng nước để nấu ăn; không còn cảnh tắm giặt phải tranh thủ trong lúc làm vườn bên suối xa; đặc biệt đã chấm dứt hẳn các biểu hiện mẩn ngứa ngoài da, biểu hiện các triệu chứng tiêu hóa không bình thường…

Hôm nay ngày thứ bảy, thay vì lên vườn chăm sóc cây cà phê, thôn trưởng Cil K’Ba ở nhà để dự đám cưới của người đồng bào thiểu số trong thôn Măng Lin. Những tập tục lạc hậu về thách cưới, giết trâu, giết bò ăn uống linh đình đã thay vào đó là các món ăn theo thực đơn mới của nhà hàng sang trọng, ngon miệng, hợp vệ sinh. “Trước đây thực phẩm tươi sống các loại như thịt, cá, rau, xanh…mua từ chợ về nhà phải rửa nhiều lần nước lọc được tích trữ từ nước trời mưa, sau đó mới bắc lên bếp nấu nướng. 
Nước máy về đã khử trừ hết vi trùng, loại bỏ hết những cáu bẩn, bà con quá yên tâm sử dụng cho cả những việc sinh hoạt, tiệc tùng cho nhiều người…”- Cil K’ Ba nói. Vậy sử dụng nước máy, bà con phải trả thêm một khoản chi hàng tháng nữa ? Trả lời: Phải chi thêm nhưng là khoản chi mà bà con trong buôn có thể cân đối được với thu nhập của mình. Như gia đình K’Ba với 5 nhân khẩu, dùng nước máy thoải mái trong ăn uống, sinh hoạt trong một tháng đầu tiên, chỉ trả tiền chưa tới 45 ngàn đồng.
Cil K’Ba thống kê toàn thôn Măng Lin có gần 90 hộ đồng bào thiểu số gốc bản địa Đà Lạt- Lâm Đồng với khoảng 300 nhân khẩu. Số hộ gia đình và số nhân khẩu này tăng gấp đôi so với 20 năm về trước. Do số hộ gia đình bấy giờ chưa nhiều nên nhà nước xây cho Măng Lin một chiếc bể nước công cộng, dung tích chứa gần 10 mét khối. Nước hàng ngày được bơm lên từ một cây giếng khoan sâu trong lòng đất, chứa vào trong chiếc bể nước đặt bên cạnh Phân trường tiểu học Măng Lin. Hàng ngày bà con đến đây lấy nước về ăn uống sinh hoạt, coi như tạm đủ. Nhưng thời gian 5 năm, 10 năm và đến nay là gần 20 năm, số nhân khẩu tăng lên tự nhiên, số hộ gia đình tách khẩu theo đó nhiều thêm, nhu cầu nước ăn uống sinh hoạt tăng nhanh, một giếng bơm với một chiếc bể gần 10 mét khối nước hàng ngày không thể đáp ứng. Những chiếc thùng phuy lần lượt đặt vào dưới mái hiên của từng hộ gia đình để giữ đủ nước trời mưa sử dụng hàng ngày. Cách đây mấy năm, nhà nước cấp thêm cho mỗi hộ gia đình đồng bào thiểu số Măng Lin một chiếc bồn nhựa chưa 1.000 lít nước. Tuy nhiên tính tổng cộng với chiếc giếng bơm, một bể nước công cộng và mỗi hộ gia đình 2 thùng phuy cùng chiếc bồn nhựa…cũng chỉ sử dụng nước vừa đủ trong 6 tháng mùa mưa mỗi năm. Còn 6 tháng mùa khô còn lại phải sử dụng nước tiết kiệm tối đa, hầu hết lượng nước đủ dành cho ăn uống, còn tắm giặt phải ra suối cách nhà gần nhất cũng hơn 800 mét; xa nhất lên đến hơn 2 cây số.          
        Cũng theo thôn trưởng Cil K’ Ba, nước máy Đà Lạt chính thức đưa về thôn Măng Lin hơn một tháng qua, tổng kinh phí của nhà nước đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Bên cạnh đường ông chính chạy khắp khu dân cư Măng Lin, mỗi hộ đồng bào thiểu số được nhà nước hỗ trợ bắc đường nước nhánh rẽ vào nhà với giá trị 1,5 triệu đồng, gồm 4 m đường ống, 01 chiếc đồng hồ đo nước có đóng hộp bảo vệ, 01 chiếc van đóng mở nước. Số tiền hỗ trợ này được đưa nước vào trước cửa nhà của từng hộ gia đình. Phân lớn đồng bào đã nộp thêm trên dưới 01 triệu đồng để bắc nhiều van nước sử dụng cho những công trình sử dụng chính và sử dụng phụ của riêng gia đình. Được biết hiện 100% số hộ gia đình đồng bào thiểu số đã được các tổ chức tài trợ xây dựng các bể hầm vệ sinh tự hoại. Trong đó có 20% số hộ gia đình đã xây thêm thành một căn phòng vệ sinh kiên cố, sạch sẽ phía sau căn nhà chính của mình. Và nước máy về đang thuận lợi hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong chính cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi này.
“Măng Lin đã có điện, đường, trường, trạm từ nhiều năm rồi. Nay có thêm nước máy về nữa. Đồng bào chúng tôi cám ơn nhà nước nhiều lắm...”- Cil K’ Ba bày tỏ. Cuộc sống bây giờ của đồng bào thiểu số Măng Lin, hộ gia đình cũng có nhà ở xây dựng kiên cố, hộ có diện tích đất trồng cà phê thu hoạch nhiều nhất lên đến hơn 01 ha; hộ có diện tích ít nhất cũng đang canh tác từ 02 sào đến 05 sào. Cuộc sống định canh, định cư đang phát triển và sau một tháng đầu tiên có nước máy sinh hoạt về, chất lượng cuộc sống của bà con tiếp tục nâng cao lên một bước mới khá rõ./.
Tháng 5/2011