Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Phát triển cơ sở hạ tầng với sản xuất vùng xa

VĂN VIỆT
Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường gắn với sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, Lâm Đồng đã và đang tạo ra những điều kiện mới để giảm nghèo nhanh và bền vững, tích cực đổi thay cuộc sống mọi mặt của người dân địa phương, trong đó chiếm phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay mạng lưới đường giao thông nông thôn ở Lâm Đồng với chiều dài 2.900km, chiếm hơn 54% trên tổng chiều dài đường giao thông từ Quốc lộ, Tỉnh lộ, Huyện lộ đến đường liên xã…trên địa bàn, đảm bảo các phương tiện cơ giới lưu thông đều đến được trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa – trừ 2 xã là Đưng K’Nớ ( Lạc Dương) và Đồng Nai Thượng ( Cát Tiên ) chưa được nâng cấp hoàn thiện nên còn trắc trở trong mùa mưa. Tính chung Lâm Đồng đã nhựa hóa và bê tông hóa đường liên xã ở vùng sâu, vùng xa đạt 86%.
Với hệ thống thủy lợi so sánh hơn mười năm trước, đến nay đã tăng gầp 3 lần năng lực tưới tiêu. Cụ thể, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang khai thác 602 công trình thủy lợi, trong đó chiếm 85% chiều dài kênh mương dẫn nước được kiên cố hóa, đảm bảo đủ nước tưới quanh năm cho 32.000 ha đất sản xuất cây trồng các loại. Đến thời điểm cuối tháng 9/2013, trên 148 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều phủ kín điện lưới quốc gia. Tất cả 8 trạm biến áp 110KVA với tổng dung lượng 275MVA, đang hoạt động phân phối  điện năng đến gần 97% hộ dân nông thôn vùng sâu, vùng xa sử dụng.   
Đánh giá chung của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện, đường, thủy lợi… trong những năm qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thống kê tỷ lệ người đồng bào thiểu số Lâm Đồng chiếm hơn 24% dân số, trong đó hơn 17% là người bản địa gốc Tây Nguyên, tất cả đã thực hiện định canh, định cư, từng bước ổn định và nâng cao cuộc sống mỗi ngày. Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào thiểu số Lâm Đồng đạt gần 50.000ha, chia ra trung bình 1,08ha/hộ. Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ từ trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra các cơ chế thuận lợi để thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, triển khai các dự án phát triển sản xuất nông – lâm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đã tuyển chọn, bố trí hơn 540 khuyến nông viên “túc trực” trên tất cả các địa bàn dân cư, kịp thời trợ giúp bà con tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao giá trị các loài cây trồng chủ lực như cà phê, chè, điều, bắp, lúa…
Và thống kê hiện nay có gần 16.400 hộ đồng bào thiểu số Lâm Đồng đang nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng gần 320.000 ha ( đơn giá từ 300- 400.000 đồng/ha). Đồng thời tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao hơn 7.628ha rừng cho tổ chức, cá nhân và hộ dân sống gần rừng ( chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng gắn với sản xuất nông- lâm kết hợp. 
Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 1.055 hộ gia đình đồng bào thiểu số có thêm thu nhập quanh năm từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt thổ cẩm, mộc gia dụng, xay xát…Đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận 7 nghề truyền thống ( hiện đạt thu nhập từ 1,5 – 2,1 triệu đồng/người/tháng) và 8 làng nghề truyền thống ( hiện đạt thu nhập từ  2,8 – 3 triệu đồng/người/tháng).
Kết quả phát triển hạ tầng điện, đường, thủy lợi… gắn với phát triển sản xuất, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào thiểu số Lâm Đồng chỉ còn chiếm tỷ lệ 16,34%, giảm 7,54% so với cùng kỳ đầu năm 2012 và giảm 34% so với giai đoạn 2001- 2005. Mục tiêu đến năm 2015, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án “đưa về” từ trung ương, kết hợp với việc huy động các nguồn lực ở địa phương, Lâm Đồng phấn đấu nhựa hóa, bê tông hóa tất cả tuyến đường trục xã, liên xã; thông suốt mọi tuyến đường liên thôn ( buôn) và đường nội đồng, từ đó tạo thuận lợi nhiều hơn nữa để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về ứng dụng, phát triển sản xuất cho vùng sâu, vùng xa./. 
Tháng 10/2013