Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Để nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác

VĂN VIỆT
Kinh tế tập thể ở Lâm Đồng đang cần có những chiến lược vừa trước mắt, vừa lâu dài để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế trên cả 3 loại hình là Liên hiệp Hợp tác xã, Hợp tác xã và Tổ Hợp tác.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 6 năm qua, số lượng đơn vị kinh tế tập thể có nhiều biến động.
Liên hiệp Hợp tác xã từ 1 đơn vị tăng lên 2 đơn vị; Hợp tác xã từ 50 đơn vị vào năm 2007, giảm xuống còn 41 đơn vị vào năm 2009 và tăng lên đến 65 đơn vị vào cuối năm 2012; Tổ hợp tác thì liên tục tăng từ 140 đơn vị vào năm 2007, tăng lên 169 đơn vị vào năm 2010 và 202 đơn vị vào năm 2012. 
Với số đơn vị kinh tế tập thể thành lập mới từ nhu cầu của từng xã viên cùng hợp tác sản xuất kinh doanh với quy mô lớn hơn; số đơn vị phải giải thể do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, còn trông chờ, ỷ lại quá nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh từ các chương trình, dự án của địa phương, thiếu năng lực tài chính tại chỗ để “tự thân vận động”.
Nếu ở 2 Liên hiệp Hợp tác xã, bằng những hoạt động kích cầu sản xuất, đã tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ nông phẩm cho từng thành viên (bao gồm 13 hợp tác xã) thì 65 Hợp tác xã và 202 Tổ Hợp tác đã và đang thực hành đầy đủ chức năng tổ chức, điều hành sản xuất, kinh doanh (chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp) đến từng xã viên. Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng được phân thành 2 vùng sản xuất: Vùng cây công nghiệp ở 5 huyện phía Nam ( Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) và thành phố Bảo Lộc, các Hợp tác xã đã trực tiếp hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, tiến hành cung ứng từ 80- 85% khối lượng vật tư sản xuất nông nghiệp đến từng hộ xã viên. Vùng rau, hoa ở 5 huyện phía Bắc (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông) và thành phố Đà Lạt, các Hợp tác xã đã ký kết và triển khai nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác trong nước, tiêu thụ từ 80- 90% sản phẩm thu hoạch của xã viên.
Tổng hợp số liệu đến nay cho biết: Tổng số xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp trên toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 6.900 người với gần 5.656 hộ gia đình. Tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các Hợp tác xã nông nghiệp đạt hơn 71 tỷ đồng, trong đó vốn cố định gần 28,7 tỷ đồng, vốn lưu động gần 35,5 tỷ đồng, còn lại là số vốn vay gần 7,2 tỷ đồng. Trong 6 năm qua, tổng doanh thu của 25 Hợp tác xã đạt cao nhất là gần 131,6 tỷ đồng ( bình quân 1 Hợp tác xã đạt doanh thu gần 5,3 tỷ đồng), đã nộp tổng số thuế cho nhà nước gần 3,15 tỷ đồng.  
Nhìn ở biểu đồ chung với những con số vừa nêu thì kinh tế tập thể ở Lâm Đồng đang phát triển với chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phân tích những bất cập cần khắc phục trước mắt cũng như lâu dài. Trước hết đó là trình độ, điều kiện làm việc của cán bộ quản lý đơn vị kinh tế tập thể còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ trong Liên hiệp Hợp tác xã vẫn đang kiêm nhiệm các phần việc chức năng quản lý trong các hợp tác xã thành viên. Với đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã, chiếm 66,4% trình độ văn hóa cấp 3 và chiếm 33,6% còn lại là trình độ văn hóa cấp 2. Chỉ mới chiếm 37,32%  số cán bộ quản lý Hợp tác xã đã qua các cấp đào tạo chuyên ngành sản xuất nông nghiệp hoặc ngành kinh tế và các ngành khác. Trong đó số cán bộ được đào tạo ở cấp đại học, cao đẳng chiếm hơn 14%;  chiếm gần 86% số cán bộ còn lại được đào tạo ở cấp trung cấp. Riêng đội ngũ Tổ trưởng Tổ hợp tác trong tỉnh Lâm Đồng, trình độ chuyên môn cao nhất cũng chỉ mới ở mức sơ cấp nông nghiệp.      

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 41 xã (chiếm 36% tổng số xã toàn tỉnh) đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới (trong đó có tiêu chí Tổ Hợp tác hoặc Hợp Tác xã làm ăn hiệu quả), thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng trong tỉnh Lâm Đồng cần cấp thiết tìm ra các giải pháp giúp kinh tế hợp tác có cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm của xã viên. 
Trước mắt các cơ quan hữu quan cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế hợp tác. Cán bộ quản lý không chỉ được đi học các hệ đào tạo chuyên sâu mà cũng cần thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, các đợt tham quan, tìm hiểu những mô hình kinh tế hợp tác từ các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài để áp dụng thiết thực, hiệu quả trong hoạt động kinh tế hợp tác của mình ./.
Tháng 11/2012