VŨ VĂN
Gần hai mươi tám năm công tác trong
ngành dâu tằm tơ Việt Nam, ông là người thẳng thắn đấu tranh những sai trái do
chính thủ trưởng cao nhất trong ngành mình thực hiện. Ông tâm niệm nếu im lặng
trước sai trái là đồng nghĩa với sự thiếu trách nhiệm của người cán bộ đảng viên;
của người lính quân đội nhân dân.
Ông
là Lê Xuân Mậu, hiện giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư thuộc Tổng Công ty
Dâu tằm tơ Việt Nam ( Viseri).
Từ một thương binh chống Mỹ trên mặt trận Khe
Sanh trở về, ông Lê Xuân Mậu được nhà nước đào tạo trở thành kỹ sư nông nghiệp
và nhận công tác ở ngành dâu tằm tơ Việt Nam vào năm đầu thập kỷ tám mươi của
thế kỷ trước. Không chỉ thực hành nghiệp vụ chuyên môn có hiệu quả, ông Mậu
luôn tích cực đóng góp “chủ kiến” của
mình để xây dựng ngành; không tránh né phê phán những tiêu cực phát sinh.
Đáng
chú ý nhất vào cuối năm 2006, ông Mậu đã trực tiếp phản ánh “những vấn đề” của
ông Dương Xuân Túy, Tổng Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam lên các cơ quan
bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng từ địa phương
đến trung ương. “Tôi đã từng xuôi Nam về thành phố Hồ Chí Minh và ngược Bắc ra
Hà Nội để được gặp Trung tướng Nguyễn Việt Thành lúc đang là Phó Ban chỉ đạo
phòng chống tham nhũng trung ương. Tôi xuất trình những chứng cứ sai phạm của
Tổng Giám đốc Dâu tằm tơ Việt Nam. Trung tướng lắng nghe và tiếp nhận tất cả
những phản ánh của tôi để chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền trực tiếp giải
quyết…”- Ông Lê Xuân Mậu kể lại.
Theo
ông Mậu, những sai phạm của ông Dương Xuân Túy khi còn là Giám đốc Công ty Dệt
2/9 vào năm 2000 và 2001 đã bán 05 hợp đồng lụa tơ tằm cho Công ty Namsan Hàn
Quốc, làm thiệt hại nhà nước 24 ngàn USD. Tiếp theo giai đoạn 2003- 2005 khi
được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam ( Viseri), ông Dương
Xuân Túy đã tự ý mời ông Tăng Xuân Bình, giám đốc một công ty phá sản ở Trung
Quốc làm chuyên gia dự án nâng cấp chất lượng giống tằm, gây thua lỗ hơn 01 tỷ
đồng. Trong khí đó mọi phản ứng mạnh mẽ của nhiều phòng, ban chuyên môn trong tổng
công ty, ông Túy đều bất chấp; vả lại còn ra các quyết định “dịch chuyển” tài
sản từ các đơn vị trực thuộc như Công ty Dâu Tằm tơ Bắc Lâm Đồng, Xí nghiệp Dâu
Tằm tơ Tháng Tám, Xí nghiệp Dâu Tằm tơ Nam Lâm Đồng để giao cho “đối tác phá
sản” Tăng Xuân Bình sử dụng cho dự án “nghiên cứu chất lượng giống tằm” (?!)
Ngược
về năm 1999, Viseri ký hợp đồng gia công tơ xe cho Công ty Matsumura của Nhật
Bản với giá cả đảm bảo được đời sống của khoảng 800 người lao động tại 5 nhà
máy xe tơ trực thuộc, tổng sản lượng đạt khoảng 800 tấn – 1.000 tấn tơ/năm. Bất
ngờ đến đầu năm 2005 ông Dương Xuân Túy ký phụ lục hợp đồng mới giảm giá gia
công xuống từ 20 – 35%. Trước khi ký, ông Túy không thông qua hội đồng quản trị
và các phòng ban chuyên môn trong tổng công ty. Khi đại diện các phòng, ban
Viseri “chất vấn”, ông Túy nói lý là thực hiện quyền tổng giám đốc chịu trách
nhiệm trước hội đồng quản trị. Và mục đích giảm giá gia công tơ xe sẽ được đối
tác Matsumura đầu tư cho Viseri thêm một nhà máy xe tơ mới với công suất 100-
150 tấn/năm (?!)
Là Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư của Tổng Công
ty Viseri, ông Lê Xuân Mậu ước tính : Từ tháng 01/2005 đến tháng 6/2007, tổng
sản lượng tơ gia công của Viseri khoảng hơn 2.000 tấn. Với mức giảm 20 – 35%
giá gia công tơ xe, ông Dương Xuân Túy đã gây thiệt hại cho Viseri khoảng 30 tỷ
đồng. Chưa kể những thiệt hại khác như: Viseri tự mua phụ tùng máy móc thay thế
- thay vì được đối tác Matsumura cung
cấp như hợp đồng cũ. Hoặc từ việc Viseri đóng gói 01 lớp bao bì sản phẩm theo
quy cách xuất khẩu, phụ lục hợp đồng điều chỉnh là “bao bì đóng gói theo yêu
cầu của đối tác”, khiến đối tác tha hồ đặt mua bao bì 02 lớp nên Viseri phải
mất thêm một khoản tiền đầu tư không nhỏ…
Ngày
28/5/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa hình sự sơ thẩm tuyên
phạt bị cáo Dương Xuân Túy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (
Viseri) 10 năm tù giam về tội cố ý làm trái trong quản lý kinh tế, gây hậu quả
nghiêm trọng, làm thiệt hại nhà nước gần 4,3 tỷ đồng. Bản án thể hiện tính
khách quan và công minh của pháp luật. Tuy nhiên với ông Lê Xuân Mậu thì ”…thực
chất nguyên Tổng Giám đốc Dương Xuân Túy đã có nhiều hành vi cố ý làm trái gây
hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Như ký hợp đồng bán hàng lụa tơ tằm cho Namsan
Hàn Quốc lỗ 24 ngàn USD; triển khai dự án “chất lượng giống tằm” ( với một
chuyên gia Trung Quốc mới có trình độ hết tiểu học ) lỗ 01 tỷ đồng và không thu
hồi được 03 tỷ đồng đầu tư cũng cần phải giải quyết bằng biện pháp hình sự tiếp
theo…”
Tháng 6/2009