Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Nông nghiệp công nghệ cao Đức Trọng

VĂN VIỆT
Liên tục chuyển đổi sản xuất từ những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất những cây trồng, vật nuôi công nghệ cao, huyện Đức Trọng đã tạo nên bước tiến mới nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp địa phương.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, qua 9 tháng đầu năm 2011, diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện tiếp tục mở rộng hơn 630,6 ha so với cùng năm 2010. Trước đó huyện Đức Trọng đã tổng kết giai đoạn 2004- 2010, tổng diện tích nông nghiệp công nghệ cao tăng hơn 6.770 ha, được chuyển đổi từ những diện tích kém năng suất như lúa 1 vụ, diện tích trồng cà phê, bắp…thay thế vào đó trồng rau, hoa giá trị kinh tế cao. Từ đây những vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao đã được hình thành trên các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa…
Thông qua nhiều nguồn vốn ngân sách của huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng, nhiều mô hình điểm về nông nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn. Như năm 2005, đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng các mô hình trồng rau, hoa nhà kính tại thị trấn Liên Nghĩa và xã Hiệp An. Năm 2006, đầu tư 70 triệu đồng sản xuất 0,5 ha ớt ngọt và hoa ly trồng trong nhà kính tại xã Hiệp An và thị trấn Liên Nghĩa. Năm 2007 đầu tư 20 triệu đồng sản xuất hoa cúc nhà kính và rau cải thảo tưới phun kỹ thuật mới. Năm 2008 đầu tư các mô hình gồm: 60 triệu đồng trồng 0,2 ha hoa nhà kính tại xã Hiệp An và thị trấn Liên Nghĩa; 20 triệu đồng hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng 0,2 ha rau nhà lưới và 04 ha rau trồng ngoài trời tại xã Hiệp Thạnh và xã Phú Hội; 100 triệu đồng trồng 20 ha rau an toàn tại các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa. Năm 2009 đầu tư 2 mô hình gồm: 50 triệu đồng trồng 0,4 ha rau, hoa và 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựg hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1,85 ha. Năm 2010 hỗ trợ 14 hộ nông thôn mới xã Tân Hội trồng 1,3 ha rau, hoa nhà kính. Năm 2011, đầu tư 150 triệu đồng xây dựng mô hình tưới phân tự động trên các vùng rau địa bàn…
Đến nay, mô hình nông nghiệp công nghệ cao với nhiều cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, đã xây dựng hầu hết trên các xã, thị trấn trong huyện Đức Trọng. Đó là những mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, N’Thol Hạ, thị trấn Liên Nghĩa. Mô hình cà phê ghép ở các xã Bình Thạnh, Ninh Loan, Đà Loan, Ninh Gia. Đặc biệt mô hình chăn nuôi heo, bò, gà..ở các xã Liên Hiệp, Phú Hội, Tà Năng, Đà Loan, Tân Hội, Tân Thành…đã và đang phát triển theo công nghệ cao, quy mô trang trại, nạc hóa đàn heo, tăng đàn bò sữa, “sin” hóa đàn bò. Tính đến thời điểm tháng 8/2011, số vật nuôi theo hướng công nghệ cao đã phát triển đáng kể so với cùng kỳ năm 2010 như : Tổng đàn bò hiện có gần 14.300 con, chiếm 50% tỷ lệ bò “lai sin”, tăng 595 con. Tổng đàn gia cầm 493.000 con, tăng 78.800 con. Đàn heo gần 47.700 con, nạc hóa chiếm tỷ lệ 80%.  Toàn địa bàn huyện hiện có 134 trang trại nuôi bò, heo gà dê, thủy sản...Có 05 doanh nghiệp thuê trên 1.500 ha đất để trồng rừng kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã công nhận gần 100 ha diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 8 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở huyện Đức Trọng là: Công ty TNHH Bồ Công Anh, Công ty Cổ phần Quốc tế, HTX nông sản an toàn thị trấn Liên Nghĩa, HTX An Phú, Công ty TNHH nông sản xuất khẩu Nhật Việt Đài, 3 cơ sở sản xuất rau là Phong Thúy, Tiến Huy và Hà Trang.
Huyện Đức Trọng đã có kết quả so sánh giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp phương pháp cũ, dựa theo giá rau tiêu thụ ở mức trung bình trong năm.Với rau sản xuất theo phương pháp cũ chỉ đạt giá trị sản xuất từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/ha; trong khi đó, sản xuất ứng dụng tưới phun tự động, phủ màng nhựa đạt từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha; sản xuất nhà lưới đạt 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha; sản xuất nhà kính đạt 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha. Với hoa sản xuất theo phương pháp cũ chỉ đạt từ 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha; trong khi sản xuất theo công nghệ cao, mỗi ha đạt thấp nhất là 100 triệu đồng, đạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng.

Mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Đức Trọng đến năm 2015 sẽ chuyển đổi thêm 1.200 ha đất lúa 1 vụ sang trồng rau, hoa công nghệ cao. Đồng thời chuyển đổi thêm 3.500 ha diện tích cà phê già cỗi sang trồng diện tícch cà phê ghép, cà phê catimo chất lượng cao. Trước mắt huyệ đang hoàn thành phương án quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 500 ha trên các cánh đồng: Nà Sa- Phú Hội 320 ha; nam sông Đa Nhim- thị trấn Liên Nghĩa 70 ha; Nghĩa Hiệp, Cần Reo- xã Liên Hiệp 90 ha, Hiệp An 20 ha./.
Tháng 9/2011