Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Nghề nông- lâm

VĂN VIỆT
Năm 2009, đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng tiếp tục được tăng thu nhập từ dịch vụ chi trả môi trường rừng bên cạnh “mức lương” ổn định về giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Chưa kể hàng loạt chương trình dự án phát triển nông nghiệp cũng đồng thời triển khai, đã không ngừng nâng cao mức sống của đồng bào.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch ( Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) thống kê tổng diện tích rừng giao khoán cho người dân Lâm Đồng quản lý, bảo vệ đến nay khoảng 330 ngàn ha. Trong tổng số hơn 12 ngàn hộ nhận khoán thì chiếm hơn 92% là đồng bào dân tộc thiểu số.  Bình quân mỗi hộ dân nhận khoán từ 25 ha đến 30 ha rừng. Hàng quý, người giữ rừng được ứng trước tiền để chi tiêu trong gia đình. Đến cuối năm, nghiệm thu thanh toán một lần với mức trả công là 100 ngàn đồng/ha/năm. Với việc trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, phòng cháy chữa cháy rừng…hàng năm tăng thêm thu nhập mỗi “hộ nghề rừng”  từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đặc biệt, có khoảng 4.000 hộ - mỗi hộ đang quản lý, bảo vệ từ 25 ha đến 30 ha rừng được chi trả thêm dịch vụ môi trường. Đây là những diện tích rừng đầu nguồn, mức chi trả hàng năm gần 300 ngàn đồng/ha. Ở các địa phương thuộc huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, đồng bào dân tộc thiều số  đã biết “tăng năng suất” trồng rừng với các loại cây đạt giá trị kinh tế cao như keo lá tràm; cải tạo vườn rừng trồng cây ca cao…
Cùng với “nghề rừng”, đồng bào thiểu số đã xây dựng mới nhiều mô hình nghề nông khá hiêu quả. Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết : Trong vòng hai năm trở lại đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng mở 200 tập huấn chuyển giao cho nông dân đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau, hoa, đậu; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Tổ chức 400 lớp hội thảo đầu bờ về trồng cỏ chăn nuôi bò lai sind; trồng lúa nước năng suất cao; trồng cà phê ghép giống mới…Các chương trình hỗ trợ 42 xã nghèo trong vùng đồng bào thiểu số tỉnh Lâm Đồng hàng năm triển khai kinh phí hàng chục tỉ đồng với nhiều dự án khuyến nông, hỗ trợ máy móc, vật tư phân bón, giống cây trồng…Đặc biệt với nguồn vốn nhà nước hàng trăm tỷ đồng, đã xây dựng hoàn thành 52 công trình thủy lợi quy mô lớn, vừa và nhỏ; đủ khả năng tưới tiêu mới cho 4.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu tưới tiêu để tăng diện tích lúa sản xuất một vụ lên sản xuất hai vụ và ba vụ mỗi năm. 
Hiện nay trên tất cả cấp xã có đa số đồng bào dân tộc thiểu số đều xây dựng và kiện toàn đội ngũ khuyến nông cơ sở. Mỗi xã “định biên” 01 nhân viên khuyến nông; mỗi thôn có 01 cộng tác viên khuyến nông. Họ là những nông dân sinh ra và trưởng thành rồi được vố trí làm công việc khuyến nông chính tại buôn làng mình. Hàng năm họ được cử đi đào tạo các lớp khuyến nông ngắn hạn và dài hạn; về triển khai các mô hình sản xuất mới ngay chính hộ gia đình mình; sau đó vận động các hộ gia đình trong làng buôn làm theo. Điển hình như các mô hình trồng lúa 01 vụ luân canh với trồng rau thương phẩm đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan ở các xã vùng đồng bào thiểu số ở Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà…”Về lâu dài, đội ngũ khuyến nông là người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao để thực sự là những chuyên gia đồng ruộng, là người đi trước trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho hộ gia đình mình và nhân rộng cho tất cả hộ gia đình trong cộng đồng làng buôn… ”- Ông Nguyễn Trức Bồng Sơn nói. 

Nếu tính từ năm 2005 đến nay thì tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng giảm từ 52% xuống còn 34,5%. Những chương trình, dự án và những công trình xây dựng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đã góp phần đáng kể để tăng số hộ làm ăn khá; giảm số hộ nghèo. Và điều quan trọng hơn nữa là từ việc tăng thu nhập “nghề nông- lâm” kết hợp, nông dân người đồng bào thiều số đã tiếp cận và áp dụng ngày càng có hiệu quả những kỹ thuật mới, những mô hình mới về sản xuất hàng hóa cạnh tranh trên thị trường./.