Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

“Kích cầu” sản xuất giỏi ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Tiếp tục xây dựng “chiếc cầu nối thông suốt” trong 5 năm liền, Hội Nông dân thành phố Đà Lạt đã góp phần “kích cầu” sản xuất giỏi xuất hiện ngày càng phổ biến trên khắp các địa bàn sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt.
Theo ông Ngô Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt, có 4 “việc làm” chính của Hội này trong 5 năm qua đã “kích cầu” nông dân tạo ra những bứt phá mới để vươn lên làm giàu. 

Trước hết đó là đã mở hơn 500 cuộc hội thảo, tập huấn, trình diễn đầu bờ….để chuyển giao cho nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất rau, hoa, chăn nuôi; sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai là “việc làm”  tín chấp cho hơn 3.300 hộ nông dân vay từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh đố, Hội đã tín chấp cho hơn 900 hộ nông dân vay hơn 6,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau như vốn 120, quỹ hỗ trợ tín dụng…Thứ ba là hội đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau cùng vượt nghèo, từng bước đi lên làm giàu trong nội bộ nông dân. Qua phong trào nông dân sản xuất giỏi hàng năm, hội nông dân các cấp đã vận động các “tỷ phú”, “triệu phú”…giúp nhiều khoản vốn vay không tính lãi suất cho 220 hộ gia đình thoát nghèo, gồm các nguồn vốn như : cả trăm ngàn giống cây trồng các loại; gần 980 triệu đồng tiền mặt; hỗ trợ 170 ngàn ngày công; hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm khác. Thứ tư là “việc làm” đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp từ đồng ruộng ra chợ và ngược lại. Thống kê đã có gần 12 tỷ đồng do nông dân đóng góp cùng nhà nước xây dựng hạ tầng nông thôn Đà Lạt trong 5 năm qua. Bên cạnh đó là cả tỷ đồng đóng góp khác của nông dân đẻ xây dựng hàng chục cây cầu bắc thông thương qua vùng nông nghiệp; xây dựng mới hội trường thôn hội họp, trong đó có tăng cường phổ biến kinh nghiệm làm giàu tại chỗ của nông dân .
 Qua phong  trào “kích cầu” sản xuất giỏi nêu trên, nhiều nhân tố mới đã cùng nhau xuất hiện. Như trang trại nuôi heo của bà Ngô Thị Thu Thủy ở phường 3, nuôi trung bình hơn 150 con, đạt thu nhập hàng năm trên dưới 200 triệu đồng. Mô hình trồng rau sạch trong 4.000 mét vuông nhà kính hàng năm của hộ ông Lê Đức Quang ở phường 9, thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Mô hình hộ ông Nguyễn Văn Lũy ở xã Trạm Hành, canh tác gần 3 ha cà phê, chè chất lượng cao, kết hợp với trồng rau, hoa, đạt lãi trên dưới 150 triệu đồng mỗi năm. Mô hình sản xuất rau, hoa kết hợp từ hộ nghèo trở thành hộ giàu nổi lên ngày càng nhiều trên khắp các vùng nông nghiệp Đà Lạt. Như mô hình trồng rau, hoa hồng của hộ gia đình Đinh Văn Tùng ở phường 5, trồng trên 5 ngàn mét vuông, đạt thu nhập sau khi trừ chi phí từ 80 triệu đồng đến 120triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Vũ Đình Phúc ở phường 7, trồng rau, hoa trên 1,3 ha, đạt lãi từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng mỗi năm. 
Hộ gia đình ông Nguyễn Duy Dũng ở phường 6, sản xuất và sơ chế rau, hoa xuất khẩu đạt lãi 370 triệu đồng mỗi năm. Hộ gia đình Ngô Phi Trọng ở Xuân Thọ, trồng 4 ngàn mét vuông hoa cẩm chướng, đạt thu nhập trung bình mỗi năm là 200 triệu đồng…
Tổng hợp số liệu từ năm 2004 đến nay cho biết, toàn thành phố Đà Lạt có gần 27.300 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi từ cấp cơ sở, thành phố, tỉnh đến cấp trung ương. Con số này đã phản ánh rõ nét phong trào nông dân sản xuất giỏi Đà Lạt đã và đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; sản xuất giỏi trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, tạo ra những hướng “kích cầu”  mới trong cơ cấu phát triển nông nghiệp Đà Lạt trong thời gian tới./.
Đầu năm 2009