Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Rau xanh mới ở vùng Loan

VĂN VIỆT
Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã và đang hoàn chỉnh quy trình trồng rau xanh mới trên nhiều diện tích trồng bắp, trồng đậu thu nhập thấp ở các xã vùng Loan, giúp nông dân từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại từ sản xuất ngoài trời đến sản xuất trong nhà kính.

Kỹ sư Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, anh Nguyễn Anh Ngọc ước tính trong 3 tháng vừa qua, vườn ớt ngọt mô hình 1.000m2 tại thôn Hải Ninh, xã Ninh Loan thu hoạch tổng sản lượng khoảng 3.000kg, giá bán trung bình trên dưới 10 ngàn đồng/kg ( thời điểm trước và sau tết Quý Tỵ, giá tăng lên 18 ngàn đồng/kg). Đây là vườn ớt ngọt trồng đầu tiên trong nhà kính ở khu vực vùng Loan, Đức Trọng, do nguồn vốn của nhà nước đầu tư với tỷ lệ 30%, nguồn vốn của hộ nông dân đối ứng với tỷ lệ 70%. Riêng phần kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch…theo công nghệ mới đều do đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của huyện Đức Trọng tư vấn, hướng dẫn và cầm tay chỉ việc cho từng hộ nông dân. Phần kinh phí mua 4.000 cây giống ớt ngọt trồng trên 1.000m2 xây dựng vườn mô hình này là do ngân sách huyện Đức Trọng hỗ trợ, mua về cho nông dân chính thức xuống giống từ tháng 10/2012, thu hái từ tháng 01/2013 đến nay; bình quân từ 10- 15 ngày thu hái một lần…
Cùng thời gian nói trên, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã triển khaii thêm một mô hình trồng lơ xanh tại thôn Ninh Thuận, xã Ninh Loan. Theo đó trên 1.000m2 nhà kính xây dựng mới với gần 100 triệu đồng, bên trong lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa đều khắp trên 4.000 cây giống lơ chất lượng cao. Kết quả sau gần 3 tháng trồng, chăm sóc theo quy trình mới, mô hình sản xuất lơ xanh nhà kính đã đến kỳ thu hoạch và bán sỉ cả vườn là 70 triệu đồng ( gặp thời điểm được giá). Trừ vốn đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, khấu hao nhà kính, còn lại chủ vườn đạt lãi gần 50 triệu đồng.  
“Trên cùng địa bàn huyện Đức Trọng thì rau xanh nhà kính trồng mới ở xã Ninh Loan đạt năng suất và chất lượng chỉ bằng trên dưới 90% so với vùng rau công nghệ cao đã trồng nhiều năm ở các vùng Liên Nghĩa, Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp…”-kỹ sư Ngọc nói. Nguyên nhân chưa đạt 10% năng suất còn lại là do chủ vườn lâu nay chỉ quen với việc trồng tỉa bắp, đậu… với các phương pháp đơn giản ( tận dụng nước trời mưa, kéo dây bơm tưới nước chảy tự nhiên dưới mặt đất, thấy cây phát triển chậm là bón phân…), nay mới biết lần đầu tạo cành, tỉa tán đối với cây ớt ngọt, bón phân với liều lượng cân đối và thời điểm thích hợp đối với cây lơ xanh, hoặc các quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp theo từng ngày sinh trưởng của cây…Với 2 mô hình sản xuất củ cải và cà rốt ngoài trời tại thôn Đà Phước, xã Đà Loan, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng cũng vừa hoàn chỉnh quy trình chăm sóc, bón phân,  tưới nước theo hệ thống tự động công nghệ cao trên diện tích 2ha, đã giảm mỗi ngày từ 2-3 công lao động phải kéo dây tưới nước trước đó, năng suất thu hoạch cũng tăng hơn từ 10% trở lên.
Những kinh nghiệm quý báu từ thực tế sinh trưởng lần đầu của các loại rau xanh trên đất cằn cỗi, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã đúc kết và phổ biến kịp thời qua 6 lần tập huấn, hội thảo, đã thu hút hàng trăm nông dân ở vùng Loan đến tham dự. Đến nay từ thành công ở các mô hình điểm trên vùng Loan này, nông dân đã phát triển lên hơn 10 mô hình trồng rau và hoa công nghệ cao, đạt những kết quả đáng kể, trong đó chủ yếu là sản xuất trong nhà kính. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013, Trung tâm Nông nghiệp Đức Trọng tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh quy trình sản xuất củ cải, cà rốt, đậu cô ve ngoài trời theo công nghệ cao, trong đó có việc lắp đặt, đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống tưới nước phun tự động cho từng mô hình điểm của nông dân các xã Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn./.
Tháng 4/2013