Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Đất phố chờ nước sạch

VĂN VIỆT
Hình thành cùng thời với đô thị Đà Lạt, nhưng thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng hiện vẫn là vùng đất phố sinh hoạt nước giếng nhiễm phèn. Nguy cơ xuất hiện nhiều căn bệnh hiểm nghèo không thể lường trước được.

Cho đến nay thị trấn D’Ran chỉ có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch tự chảy là thôn Hamasing và thôn Kangking. Còn lại 5 thôn và 6 khu phố của thị trấn đều sử dụng nước giếng tự đào. Tính ra chỉ có 180 hộ/3.249 hộ có hệ thống nước sinh hoạt tương đối an toàn, mới chiếm tỉ lệ hơn 5,5%. hộ dân trên toàn thị trấn. Những hộ dân sinh sống ven các thung lũng và các sườn đồi thường đào giếng sâu xuống lòng đất từ 4m đến 10 m. Những bi ống bằng bê tông cốt thép kết dính với nhau trên thân giếng; đáy giếng đổ dày các lớp cát đá nhưng nước giếng múc lên hàng ngày vẫn thường có màu vàng đục. Gặp lúc trời mưa dài ngày, nước tràn đầy miệng giếng lẫn trong bùn đất đậm đặc. Trong điều kiện khó khăn, người dân chỉ đủ tiền xây các bể lọc nước sơ sài rồi “nhắm mắt” sử dụng. Với đa số người dân ở 6 khu phố trung tâm thị trấn D’Ran đều sử dụng nước giếng khoan. Nước ngầm ở đây phải khoan sâu từ 40 m đến 50 m mới đủ nước bơm lên sử dụng sinh hoạt cho một gia đình. Chi phí lắp đặt một giếng khoan hiện tại từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đây là khoản tiền khá lớn nên nhiều hộ gia đình cùng góp vốn xây dựng một giếng khoan, bơm nước lên một chiếc bể trữ nước lớn để sử dụng chung. Nhưng chất lượng nước giếng khoan cũng không cải thiện hơn mấy so với giếng đào. Nước vẫn có màu vàng lờ lợ và đôi khi còn bốc mùi hăng hắc nữa.
Ông Vương Long Quốc, Phó ban địa chính thị trấn D’Ran đặt nghi vấn về bãi rác ô nhiễm trên ngọn đồi cách khu trung tâm thị trấn chưa tới 2 cây số – đã thẩm thấu vào mạch nước ngầm. Đó là bãi rác nằm ven đường đèo từ D’Ran đi về Đà Lạt trên diện tích 1.600 mét vuông. Không có phương tiện thu gom rác chuyên dùng, người dân góp tiền nhau thuê một chiếc xe trung tải của tư nhân để hàng tuần vận chuyển rác từ khu trung tâm thị trấn đến bãi rác. Tính ra đã hơn 15 năm xử lý bằng hình thức chôn lấp và nhen lửa đốt, bãi rác đang trong tình trạng quá tải. Các hố đào đã bị lấp cạn nên rác lại buộc phải đổ lộ thiên dưới những gốc thông rừng. Ngoài ra không ít hộ dân hàng ngày vẫn tự gom rác trên chiếc xe máy rồi đổ vương vãi xuống đường lộ bên dưới bãi rác. 
Khách du lịch lên xuống Đà Lạt đều đi ngang qua bãi rác ven đồi, buộc phải “nín thở” bởi mùi hôi phát tán của rác phơi mưa phơi nắng lâu ngày. Riêng cư dân ở thị trấn D’Ran năm nào cũng có người ( từ tuổi thanh niên đến tuổi trung niên) đang khỏe mạnh bỗng mắc các chứng bệnh ung thư rồi chết. Họ cho rằng những bệnh tật hiểm nghèo này không loại trừ khả năng do nguồn nước sinh hoạt nhiễm phèn gây nên. 
Năm 2008, Công ty cấp thoát nước Lâm Đồng đã lên phương án xây dựng toàn bộ hệ thống cấp nước thị trấn D’Ran nhưng rồi vì thiếu vốn nên không triển khai được. Năm 2009, trong dự án cấp nước đô thị Việt Nam được ngân hàng thế giới chấp thuận cho vay vốn ưu đãi, phương án cấp nước sạch cho đất phố D’Ran tiếp tực được xây dựng. Theo đó, nguồn nước sạch được dẫn về từ dòng suối Xã Đại, cách khu trung tâm D’Ran trên dưới 5 cây số. Trước khi đấu nối về hộ dân sử dụng, hệ thống nước dẫn qua các bể lắng lọc, khử trùng tự động. Dự toán tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Đến năm 2011 bắt đầu cấp nước trên 75% hộ dân giai đoạn I. Số hộ còn lại sẽ được sử dụng nước sạch vào giai đoạn II- bắt đầu từ năm 2016.
Được biết phương án cấp nước mới vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua, đồng thời đồng ý bố trí nguồn vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ công trình. Vấn đề còn lại là việc triển khai thẩm định phương án của các sở, ngành liên quan trong tỉnh. Tiếp theo là thời gian thi công, giám sát và nghiệm thu công trình. Hy vọng rằng phương án cấp nước mới sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch, đúng thời gian trong vòng 02 năm nữa. Đất phố D’Ran chờ nước sạch đã quá lâu rồi. Đừng để phương án cấp nước mới lại phát sinh kéo dài mà buộc người dân lại phải chờ thêm nữa !/.
Tháng 9/2008