VĂN VIỆT
Giữa tình hình suy giảm kinh tế chung
của thế giới năm 2009, Công ty Cổ phần chè Minh Rồng với thương hiệu chè đen
Bảo Lâm, Lâm Đồng đã nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống tại các nước vùng
Trung Đông, Châu Á đồng thời mở rộng thị trường mới sang các nước như Mỹ, Nga,
góp phần giữ vững vùng nguyên liệu chè Bảo Lâm, Lâm Đồng có truyền thống gần
trăm năm qua.
Nông dân với nhà
máy: 2 trong 1
Nhà
máy Chè Minh Rồng từ một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp nhà nước đã trở thành
Công ty cổ phần chè Minh Rồng thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân từ cuối năm
2005. Với tổng nguồn vốn cố định ( gồm máy móc, nhà xưởng, cây trồng…qua định
giá) và nguồn vốn lưu động cả thảy chưa đến 50 tỷ đồng, công ty phải đứng trước
nhiều thách thức về ổn định và phát triển cả 2 vùng: vùng nguyên liệu chè đầu
vào ở địa phương; và vùng thị trường tiêu thụ chè đen xuất khẩu ở nước ngoài. Với
thị trường nội địa Việt Nam thì chè đen không bán được vì người tiêu dùng chỉ
quen dùng các loại chè xanh.
Tiếp
nhận 450 ha đất trồng chè của doanh nghiệp trước đây theo hình thức thuê dài
hạn nhà nước trên địa bàn thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm, Công ty Cổ phần chè Minh
Rồng nghĩ
đến đầu tiên là người nông dân.
Hình thức
hợp tác mới được công ty mạnh dạn triển khai
là hợp tác “2 trong 1”. Theo đó, công ty đầu tư vốn, kỹ thuật trong giai đoạn
kiến thiết cơ bản - tức là giai đoạn từ khi xuống giống đến thời điểm bắt đầu
thu hái lứa chè đầu tiên. Phía người nông dân đầu tư vốn, công chăm sóc trên
diện tích bắt đầu thu hoạch; mức nhận khoán hiện nay trên 01 ha là 10 tấn chè
tươi mỗi năm. Phần chia sản lượng theo tỉ lệ 80% thuộc về người nhận khoán và
20% thuộc về công ty. Tất cả 80% sản lượng chè tươi của người nhận khoán đều
được công ty bao tiêu toàn bộ theo giá thị trường ở từng thời điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, nếu người nhận khoán đầu tư thâm canh chiều sâu, đạt sản lượng cao
hơn 10 tấn chè tươi mỗi năm thì được hưởng hoàn toàn phần sản lượng vượt.
Đến
nay, Công ty Cổ phần chè Minh Rồng đã giao khoán ổn định cho hơn 600 hộ nông
dân địa phương trên diện tích 400ha chè đang thời kỳ kinh doanh. Hình thức giao
khoán như trên đã gắn kết lợi ích của người nông dân đối với công ty và ngược
lại. Kết quả trong thực tế, công ty luôn chủ động được một nguồn nguyên liệu
chè của người nhận khoán để chế biến sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chất lượng. Và
người nhận khoán đã phấn khởi khi năng suất chè tươi bình quân mỗi năm đều vượt
từ 5 tấn đến 10 tấn/ha so với sản lượng giao khoán của công ty.
Giảm giá “đô”,
giữ giá Việt
Trong
năm 2009, tác động lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, Công ty Cổ phần
chè Minh Rồng quyết định khá táo bạo: giảm giá bán sản phẩm bằng tiền USD nhưng
vẫn giữ giá thu mua chè tươi bằng tiền Việt Nam ở mức cao nhất của giá thị
trường. “Đầu tiên công ty chúng tôi giảm giá bán xuất khẩu bằng USD xuống dưới
7% rồi giảm tiếp đến 10% so với cùng kỳ năm 2008. Dù lời rất ít và thậm chí có
khi chỉ huề vốn nhưng về lâu dài sẽ từng bước khôi phục và mở rộng thị trường
xuất khẩu, bảo đảm đời sống cho cả ngàn nông dân sản xuất nguyên liệu chè cho
công ty chúng tôi…”- ông Nguyễn Đức Thu,
Trưởng phòng kinh doanh , Công ty Cổ phần chè Minh Rồng nói.
Giảm
giá USD trên sản phẩm bán ra, Công ty Cổ phần chè Minh Rồng tìm lại dần dần
những thị trường tiêu thụ chè đen truyền thống ở các nước vùng Trung Đông rồi
đến các nước An Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Công ty tiếp tục “nâng cấp” dây
chuyền sản xuất hiện đại nhất từ An Độ; sản xuất 4 dòng sản phẩm chè đen chính
có nhiều lợi thế cạnh tranh của thổ nhưỡng, khí hậu ở Bảo Lâm, Lâm Đồng. Bởi
vậy từng chuyến hàng đạt chất lượng cao đã tạo tin tưởng của đối tác đặt bút ký
tiếp những hợp đồng tiêu thụ ổn định với công ty theo từng quý trong năm; khối lượng tiêu thụ càng về sau càng tăng lên
gấp nhiều lần. Tính riêng từ đầu năm 2009 đến nay, Công ty Cổ phần chè Minh
Rồng đã xuất khẩu hơn 500 tấn chè đen thành phẩm đạt chất lượng cao, tăng
khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2008. Theo tỉ lệ gần 5 kg chè tươi sản xuất thành
01 kg chè đen thì công ty đã thu mua nông dân gần 2.500 tấn chè tươi trong thời
gian này. Và như vậy, nguồn nguyên liệu chè tươi giao khoán của công ty chỉ mới
đáp ứng khoảng 800 tấn. Còn lại khoảng
1.700 tấn nguyên liệu chè tươi, công ty xây dựng thêm 10 đại lý thu mua của
nông dân các vùng Lộc Ngãi, Lộc Thắng, B’Lá, Lộc Quảng…thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm
Đồng.
Đáng
nói ở thời điểm trên, giá thu mua chè tươi công ty đối với người nhận khoán
trong công ty và với người nông dân bên ngoài vẫn cùng giá cạnh tranh mỗi ký
chè tươi từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng. Ngoài ra còn có diện tích hơn 40 ha chè
chất lượng cao do công ty trực tiếp đầu tư sản xuất, đã thu hút thường xuyên cả
trăm lao động là người đồng bào thiểu số địa phương vào chăm sóc, thu hái chè
tươi theo hình thức khoán sản phẩm lao động, thanh toán tiền hàng ngày. Còn
trong nhà máy của công ty đã duy trì việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân
cũng là người địa phương Bảo Lâm, mức thu nhập trung bình mỗi người mỗi tháng
từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Mở rộng thị
trường xuất khẩu mới
Ông
Nguyễn Đức Thu, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Cổ phần chè Minh Rồng cho biết
thêm: Công ty vừa ký thêm những hợp đồng tiêu thụ chè đen mới đến nhiều đối tác
ở nước Mỹ và Nga.
Dự kiến đến hết năm 2009, công ty sẽ đạt tổng mức xuất khẩu
chè đen cả năm là 1.200 tấn. Trong đó
chiếm 70% lượng hàng xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài; 30% xuất khẩu qua một
doanh nghiệp lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là con số không chỉ vượt khá xa
chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2009 của Công ty Cổ phần chè Minh Rồng mà là những
tín hiệu khả quan góp phần ổn định đầu ra của vùng nguyên liệu chè cành, chè
hạt của người nông dân Bảo Lâm, Lâm Đồng. /.
Tháng
6/2009