Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Nghệ nhân hoa Xuân Thành

VĂN VIỆT
Đồng thời với việc chuyển đổi từ giống hoa lay ơn truyền thống sang giống hoa lay ơn nhập ngoại, làng hoa Xuân Thành, Đà Lạt đang tăng quy mô sản xuất hoa cao cấp trồng trong nhà kinh. Đây là hướng đi mới có phần đóng góp của ông Phạm Tiến, người sinh ra ở làng này và qua 2 kỳ Festival hoa Đà Lạt đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tôn vinh là nghệ nhân trồng hoa của phố hoa Đà Lạt. 

Gặp nghệ nhân hoa Phạm Tiến một ngày đầu tháng 11 năm nay khá bận rộn với công việc chăm hoa tết và đóng gói hoa xuất bán mỗi ngày. Hỏi về việc chào hàng hoa cho Festival hoa năm 2010, nghệ nhân Phạm Tiến nói: “Nhờ giá hoa có tăng lên trên dưới 10% qua 2 kỳ festival hoa, nghề trồng hoa ở làng hoa Xuân Thành chúng tôi thêm phần yên tâm. Ờ đây hoa lay ơn hàng ngày đều đua nở với những loài hoa chất lượng cao trong nhà kính khác…” Mới hay nghệ nhân hoa Phạm Tiến là dân gốc làng hoa lay ơn Xuân Thành, đến nay ông đã bước tới tuổi “năm lăm” của ông. Cha mẹ ông trồng hoa lay ơn màu vàng từ hơn nửa thế kỷ trước rồi truyền nghề lại cho ông thuở còn rất nhỏ. Tuổi trưởng thành lập gia đình định cư chính nơi mình sinh ra, ông biết kết hợp những kinh nghiệm truyền thống với những ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tạo lập riêng những thửa hoa có giá trị kinh tế cao. Mốc thời gian nhớ nhất của ông là bước vào cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước - khi hoa Đà Lạt thực sự là sản phẩm hàng hóa cạnh tranh trên thị trường thì nhu cầu về chuyển đổi giống hoa lay ơn luôn đặt ra bức thiết. Nghĩ vậy, ông tạo ra nhiều mối quan hệ với công ty nước ngoài sản xuất hoa trong tỉnh Lâm Đồng để tiếp cận công nghệ trồng hoa mới. Kết quả, ông đã chọn được gần mười giống hoa lay ơn mới nhập từ Hà Lan về trồng thử nghiệm trong vườn nhà ông rồi sau đó cùng phổ biến rộng rãi trong làng hoa Xuân Thành.
Nghệ nhân hoa Phạm Tiến nhớ lại: Thời điểm đó mỗi năm, làng hoa Xuân Thành trồng cả trăm ha hoa lay ơn giống truyền thống nên tỉ lệ thu lãi không cao. Chỉ một lứa đầu chuyển đổi, tỉ lệ lãi từ giống lay ơn mới đã vượt hơn đến hai mươi, ba mươi phần trăm so với giống lay ơn cũ. Đến nay, lay ơn giống mới được trồng ổn định ở làng hoa Xuân Thành mỗi năm 03 lứa. Tính riêng ở đồng hoa của nghệ nhân Phạm Tiến trong năm 2008 - 2009 thì: 01 sào hoa lay ơn trồng 3 tháng sau thu hoạch  trung bình 25 ngàn cành, bán được trên dưới 25 triệu đồng. Trừ mọi chi phí còn đạt lãi ròng trên dưới 15 triệu đồng. Nhân ra 3 lứa trong năm thành tổng thu 75 triệu đồng. Nếu tính cả thảy giá trị trên 01 sào đất hàng năm thì 9 tháng thu lay ơn; còn lại 3 tháng có thể trồng rau có thêm thu nhập đáng kể nữa. Tương tự hàng trăm hộ dân trong làng hoa Xuân Thành cũng tăng thu nhập lên từ trồng hoa lay ơn giống mới như gia đình nghệ nhân Phạm Tiến.
Rồi những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ trồng hoa nhà kính khá nhanh của những làng hoa ở Đà Lạt khiến cho làng hoa Xuân Thành cũng không thể đứng ngoài. Lại tiếp tục mở rộng quan hệ với những doanh nghiệp hoa trong và ngoài nước sản xuất thành công ở Đà Lạt; cũng như tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà nông tỉ phú hoa, nghệ nhân hoa Phạm Tiến đã dần dần cùng bà con Xuân Thành đem về làng hoa của mình những giống mới và những kỹ thuật trồng hoa mới trong nhà kính. Vượt qua những thất bại ban đầu, thậm chí có năm, gia đình ông bị mất trắng trị giá cả trăm triệu đồng mấy sào hoa đang kinh doanh cùng với dãy nhà vòm ni lông do gió cuốn tốc mái, ngã đổ. 
Không lâu sau khi dốc tâm sức vừa chăm sóc hoa vừa đúc kết những kinh nghiệm mới và kỹ thuật mới, nghệ nhân hoa Phạm Tiến với 01 ha đất đã đồng hành cùng với hàng trăm hộ dân Xuân Thành, xây dựng hệ thống nhà kính trồng hoa chất lượng cao đến nay tất cả lên trên 70 ha. Dưới những mái nhà kính đó, bà con Xuân Thành đã trồng và thu hoạch các hoa cúc, đồng tiền, bi bi, sa lem, cẩm chướng…đạt doanh thu 01 sào đất trên dưới 200triệu đồng mỗi năm.

 Mấy chục năm thăng trầm cùng hoa, nghệ nhân hoa Phạm Tiến cho rằng, vùng đất hoa Xuân Thành, Xuân Thọ của phố hoa Đà Lạt rất có nhiều tiềm năng về thổ nhưỡng, kinh nghiệm làng nghề để tiếp bước đi lên, mở rộng hơn nữa diện tích hoa công nghệ cao trong nhà kính. Nếu được nhà nước ưu tiên các nguồn vốn vay kích cầu trung và dài hạn; nếu kêu gọi được các doanh nghiệp có năng lực về vốn, giống, công nghệ, thị trường…về đầu tư, gắn kết các “nhà” với nhau thì việc làm giàu cho làng hoa Xuân Thành không phải là những mong muốn xa xôi nữa…/. 
Cuối năm 2009