Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Nuôi dê ở phố

VĂN VIỆT
Sau 8 năm lập chuồng trại nuôi dê ở vườn nhà số 72, đường Yersin, Đà Lạt, anh Hoàng Nghĩa Thịnh đã từng bước nâng cao cuộc sống kinh tế hộ gia đình. Hiệu quả này đã chứng tỏ xứ lạnh Đà Lạt vẫn có thể nhân đàn dê nhanh chóng nếu biết áp dụng những biện pháp kỹ thuật chăn nuôi thích hợp nhất.   
Năm 2003, hưởng ứng chương trình phát triển đàn dê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, anh Hoàng Nghĩa Thịnh, sinh năm 1957, đã liên hệ mua 05 con dê cái và 01 con dê đực từ một nông trại ở vùng núi Ba Vì, Hà Nội về nuôi ở vườn nhà tại số 72, đường Yersin, Đà Lạt. 

Bằng những vật liệu cây gỗ tạp nhỏ cùng với lưới thép thưng lên thành vách; những tấm tôn cũ lợp lên thành mái che nắng che mưa -  hợp thành một căn chuồng mới nuôi 6 con dê giữa khí hậu lạnh Đà Lạt. “ Dê  giống Ba Vì, Hà Nội phát triển với khi hậu các mùa nóng, lạnh, nắng, mưa rõ rệt trong năm. Chuyển về vùng khí hậu Đà Lạt quanh năm nhiệt độ xuống thấp, lạnh mát, mưa nhiều, việc chăm sóc đàn dê thích nghi nhanh là điều không dễ…”- Anh Thịnh kể lại. Nhưng rồi “điều không dễ” này cũng dần được vượt qua bởi các liều thuốc phòng bệnh hiệu quả cho dê do anh Thịnh tự pha chế bằng công thức của riêng mình. Ban đầu cho đàn dê làm quen với nắng gió Đà Lạt nên thời gian chăn thả từ một, hai tiếng đồng hồ, về sau mới kéo dài dần dần thời gian đến hết những buổi sáng trong ngày.
Thức ăn tự nhiên cho dê cũng từ từ “hợp  khẩu vị” là những vạt cỏ trong vườn nhà anh Thịnh ( rộng khoảng 1.000 mét vuông); những bờ cỏ dại khuất lấp trong những hẻm phố nhỏ ở khu vực đường Yersin, Đà Lạt; và những luống cỏ giữa đồng rau ở thượng nguồn hồ Xuân Hương. Cứ trời nắng trong buổi sáng ngày mới là anh Thịnh lùa đàn dê đi ăn cỏ dại. Những ngày mưa, anh Thịnh lái xe máy ra đồng rau, bờ rào ở quanh quanh phố thị Đà Lạt cắt cỏ chở về cho dê nuôi nhốt trong chuồng ăn. Sau 3 tháng chăn nuôi đàn dê ở phố Đà Lạt, anh Thịnh định lượng mỗi con dê ở  Đà Lạt mỗi ngày ăn trên dưới 2 kg cỏ dại là đủ dinh dưỡng. Cỏ dại Đà Lạt với hàng chục loài rồi cũng đã trở thành thức ăn ngon miệng cho dê. Kết thúc năm nuôi dê đầu tiên- năm 2003, đàn dê 5 con cái của anh Thịnh đã lần lượt sinh sản ra 10 con dê con khỏe mạnh, tăng trọng nhanh.
Sau lứa dê sinh sản đầu tiên vào thời điểm cuối năm 2003, anh Thịnh lập phép tính với 10 con dê con chào đời, nuôi chừng 3 tháng sau, bán đi sẽ hoàn lại tất cả nguồn vốn đầu tư 6 con dê mẹ ban đầu. Vậy là đến năm thứ hai trở đi, đàn dê mẹ và dê con cùng nhau nhân đàn, người nuôi có thể bán được cả dê thịt và dê giống. Phần anh Thịnh sau 8 năm nuôi dê – ngoài số dê đã bán thịt và bán giống để lấy tiền chi phí cho cuộc sống gia đình (gồm hai vợ chồng và hai người con đang học tiểu học), đã nhân đàn dê trong vườn nhà của mình hiện có gần 80 con. Tính riêng số lợi nhuận của anh Thịnh trong năm 2009 là 56 triệu đồng ( bán 13 con dê cái và 01 con dê đực), trong năm 2010 là 90 triệu đồng ( bán 25 con dê thịt). Đặc biệt trong đàn dê 80 con hiện tại của anh Thịnh có 35 con dê cái thay phiên nhau cho sữa. Trung bình mỗi tuần, anh Thịnh vắt được trên dưới 30 lít sữa dê bán ra nước ngoài thông qua một công ty sữa tại Sài Gòn.
“Ở Đà Lạt, một hộ gia đình nuôi dê với nguồn vốn đầu tiên khoảng 20 triệu đồng, nuôi 6 con dê giống ( 5 cái, 1 đực), nuôi đúng kỹ thuật thì chỉ cần bước sang năm thứ hai là bắt đầu giảm được nghèo.. ”- Người chăn dê Hoàng Nghĩa Thịnh nói, Kinh nghiệm có được sau 8 năm nuôi dê của anh Thịnh là cho dê uống thuốc và tiêm phòng đúng thời điểm chuyển mùa của Đà Lạt, tránh các bệnh nguy hiểm nhất của dê có nguy cơ mắc phải như chướng hơi, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng…Đã có nhiều nông dân Đà Lạt tìm đến anh Thịnh mua dê giống về nuôi và đồng thời được anh Thịnh nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật về triển khai nuôi dê khá đạt hiệu quả kinh tế. Hiện anh Thịnh đang lập dự án trồng cỏ sữa tập trung trên 10 ha ở vùng ngoại ô Đà Lạt và ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, phát triển quy mô trang trại nuôi dê cả ngàn con. Nếu dự án thành công thì đây là một địa điểm chăn nuôi dê mới để nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận đến trao đổi kinh nghiệm nuôi dê khá giảm nghèo của anh Hoàng Nghĩa Thịnh, một nông dân ở phố núi này./.

Tháng 5/2011