Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

“Chiếc cầu nối” giảm nghèo ở Đạ Ròn

VĂN VIỆT
Hội Nông dân xã Đạ Ròn, Đơn Dương với “chiếc cầu nối” tín chấp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề…đã giúp một phần đáng kể cho người nông dân địa phương giảm nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững.

Đầu tháng 5/2011 đến nay, Hội Nông dân xã Đạ Ròn, Đơn Dương đều phân công các thành viên trong Ban Chấp hành Hội làm nhiệm vụ tổ chức, điều hành lớp học nghề chăn nuôi bò sữa và bò lai sind cho bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. Lớp học do cán bộ của Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề huyện Đơn Dương trực tiếp truyền giảng lý thuyết kết hợp với hướng dẫn thực hành. Lớp học đang thu hút hơn 30 nông dân, đa phần là đàn ông người đồng bào thiểu số, người cao tuổi nhất đã ở tuổi hơn 50; người thấp tuổi nhất là 18 tuổi. Lớp học tổ chức mỗi tuần học ba buổi sáng ( thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu), học từ 7 giờ đến 11 giờ. Thời gian học kéo dài trong 3 tháng, trong đó 1 tháng học lý thuyết và 2 tháng học thực hành chăn nuôi bò sữa, bò lai sind trực tiếp ở chuồng trại. “Đây là lớp học nghề chăn nuôi bò sữa lần thứ 3 cho bà con nông dân xã Đạ Ròn trong vòng 2 năm qua. Trước đó là 2  lớp dạy nghề 3 tháng cho bà con nông dân các địa bàn Suối Thông A, Suối Thông B, thôn 2…của xã. Mỗi lớp thu hút từ 30 người đến 40 người nông dân đến học… ”- Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn, Đơn Dương cho biết. Riêng trong năm 2011, Hội Nông dân xã Đạ Ròn cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và kỹ thuật trồng rau thương phẩm cho nông dân…   
Địa bàn thôn 2, Đạ Ròn, Đơn Dương, được đánh giá là địa bàn với đa số hộ nông dân học và thực hành hiệu quả nghề chăn nuôi bò sữa. Đồng cỏ xanh tốt, ken dày từ làng trên đến xóm dưới; nhà nào cũng xây dựng chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, rộng rãi. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2 này cho biết: Chi hội có gần 110 gia đình hội viên nông dân thì có đến gần 100 gia đình nuôi khoảng 650 con bò sữa. Tổng diện tích đồng cỏ sữa đang thu hoạch hàng ngày là 34 ha. Trong đó chiếm hơn 30% là số hộ gia đình đồng bào thiểu số trồng cỏ, nuôi bò sữa. Hộ gia đình nuôi nhiều nhất lên đến 16 con bò sữa. Tất cả số bò sữa ở đây đều trong thời kỳ cho sữa. Tính giá thời điểm đầu tháng 5/2011 với hơn 10 ngàn đồng mỗi lít sữa thì mỗi ngày một con bò sữa cho lợi nhuận cho người nuôi từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Chi hội trưởng Nguyễn Hữu Tiến nói : “Nuôi một con bò sữa theo đúng kỹ thuật được học thì việc giảm nghèo đối với người nông dân Đạ Ròn sẽ đạt hiệu quả trong vòng 3 năm sau. Bởi nuôi một con bê cái vừa đẻ ra đến 26 tháng sau sẽ sinh được con bê con mới và cho sữa. Thời gian cho sữa đến 10 tháng sau là tiếp tục phối giống đề sinh sản và cho lứa sữa thứ hai. Chỉ cần sau hơn hai năm bán được bê con ( nếu là bê cái) thì đã đủ thu hồi nguồn vốn mua con bê giống ban đầu… ”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn, Đơn Dương thống kê: Đến nay tổng đàn gia súc toàn xã Đạ Ròn có hơn 2.700 con, trong đó có gần 780 con bò sữa, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã làm tốt chức năng “chiếc cầu nối” triển khai về nông dân các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi để giảm nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững như: Triển khai vốn đầu tư 300 triệu đồng cho 32 hộ nuôi bò lai sind theo hình thức xoay vòng. Tổ chức 16 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rau thương phẩm, phát triển gia cầm cho gần 1.100 lượt nông dân tham gia ( nông dân đã trồng 912 ha rau thương phẩm các loại đạt hiệu quả kinh tế như bắp sú, cà chua; phát triển chăn nuôi 17 ngàn con gia cầm, trong đó có 14 ngàn con nuôi trang trại tập trung…). Tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội để cho 903 hộ nông dân vay  8 tỷ đồng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động, xóa nhà tạm bợ. Xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 12 hộ gia đình ở khu vực Suối Thông.  Hình thành một tổ hợp tác chăn nuôi của xã với 50 hộ. Thí điểm mua 14 tấn phân bón trả chậm cho nông dân…  
Tính từ năm 2005 đến nay, xã Đạ Ròn, Đơn Dương đã liên tục xuất hiện hàng trăm hộ nông dân sản xuất giỏi từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh. Đã có 100 hộ gia đình giảm được nghèo, xóa được 34 căn nhà tạm. 
Những điển hình đáng kể như hộ gia đình anh Nguyễn Bắc Hồng ở thôn 1, sản xuất và kinh doanh rau đạt lãi 150 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định từ 5- 7 lao động địa phương. Hộ anh Nguyễn Văn Xưởng cải tiến máy băm cỏ cho thức ăn của bò sữa. Hộ anh Phan Đình Dần ở thôn Suối Thông B với 700 mét vuông nhà kính trồng hoa hồ điệp cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm… Kết quả này thể hiện tinh thần cần cù lao động, tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả của nông dân Đạ Ròn, Đơn Dương; làm điểm xuất phát mới để đạt tỉ lệ 30- 40% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi 3 cấp xã, huyện, tỉnh vào năm 2015./.
Tháng 5/2011