Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Mong gì ở Festival hoa 2010 ?

VŨ VĂN
Là Festival hoa lần thứ 3 tại Đà Lạt sau khi “diễn tập” các lễ hội sắc hoa, Festival hoa Đà Lạt năm 2010 tiếp tục mang tầm quốc gia và màu sắc quốc tế. Với người dân Đà Lạt thì luôn mong chờ cái “tầm quốc gia” và cái “màu sắc quốc tế” ấy làm khởi sắc mới nghề trồng hoa của họ.

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cứ sau mỗi kỳ Festival hoa diễn ra ( 2 năm một lần) thì sản lượng hoa cắt cành Đà Lạt tăng từ 100 triệu cành đến 200 triệu cành. Cả năm 2009, ước tính tổng sản lượng hoa cắt cành toàn thành phố Đà Lạt là 1,2 tỷ cành. Sản phẩm hoa chủ lực vẫn là những loài hoa trồng trong nhà kính, chiếm hơn 60% là hoa cúc; khoảng 10% là hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền; 30% còn lại là các loài hoa lan, lily và các loài hoa cao cấp khác. Dĩ nhiên sản lượng hoa tăng theo diện tích chuyển đổi tăng từ cây rau sang. Đến nay Đà Lạt đã tạo thành vùng nguyên liệu trồng hoa khoảng 1.000 ha ( hệ số vòng quay đất trồng hàng năm trên dưới 2,5 lần). Nếu so sánh trong năm 2009 vừa qua trên đơn vị ha thì trồng rau đạt thu nhập trên dưới 200 triệu đồng; trong khi trồng hoa đạt thu nhập từ 400 triệu đồng lên đến 500 triệu đồng.
Dù có thu nhập khả quan, đạt hiệu quả cao trên những diện tích “đất mới”,  nhưng trong những năm qua, hoa Đà Lạt vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa với trên dưới 90% sản lượng. Nếu tăng được sản lượng hoa xuất khẩu thì thu nhập về nghề hoa sẽ tạo ra những bước đột phá quan trọng. Thực tế sản lượng hoa xuất khẩu chiếm phần lớn ở Công ty Da Lat Hasfarm; bởi hoa được trồng ở quy mô lớn, đạt chất lượng công nghệ cao. Và quan trọng hơn nữa là công ty đã ký được những hợp đồng “dài hơi’ với những đối tác tiềm năng trên thế giới. Hoặc như Công ty Rừng hoa Đà Lạt đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống hoa từ các nước châu Âu. Từ đó công ty đã hợp đồng tiêu thụ giống hoa lâu dài sang chính các nước châu Âu này. Bởi giá thành và các chi phí đầu vào ở Đà Lạt- Việt Nam rẻ gấp nhiều lần so với châu Âu, đã cấu thành giá sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Trong khi đó, sản xuất  hoa ở quy mô hộ gia đình có phát triển, nhưng cũng chỉ là tự phát ( thực chất là sự chủ động chuyển cơ cấu cây trồng của người nông dân trên phạm vi quyền sử dụng đất manh mún của mình); việc ứng dụng công nghệ sản xuất không đồng đều; chủng loại và chất lượng và chất lượng hoa mỗi hộ gia đình mỗi khác…Khâu quyết định cuối cùng là khâu tiêu thụ thì hộ gia đình sản xuất gần như không nhận được sự bảo hộ, liên kết bền vững nào từ phía nhà nước, nhà doanh nghiệp và các tổ chức “cầu nối” khác. Vẫn quanh đi quẩn lại tiêu thụ hoa chủ yếu qua trung gian là hệ thống thương lái vừa và nhỏ trên từng khu vực sản xuất ở địa phương. Mong ước có một mô hình liên kết “2 nhà ”- nhà doanh nghiệp và nhà nông trồng hoa theo phương thức “dồn điền” chuyên canh, từ đó tạo lợi thế so sánh, nâng giá trị kinh tế của hoa Đà Lạt đúng tầm vốn có- cũng chỉ đang trong vùng mong ước mà thôi ! Rốt cuộc hiện nay, hộ gia đình sản xuất hoa trên năm, bảy ngàn mét vuông đất, vẫn chưa thể ký kết những hợp đồng sản xuất, tiêu thụ ổn định như một vài doanh nghiệp sản xuất hoa tập trung một vùng diện tích tính bằng đơn vị ha ở Đà Lạt .
Ông Ngô Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt nói rằng, mỗi kỳ  Festival hoa là mỗi kỳ được tôn vinh nghề trồng hoa xứng đáng với vị trí của nghề. Nhưng thường sau festival đó, những hợp đồng mới, những dự án mới về đầu tư công nghệ, bao tiêu sản phẩm, tăng việc làm và thu nhập cho nghề hoa vẫn ở mức độ không thể như mong muốn đối với nghề hoa. Rồi người nông dân trồng hoa phần lớn vẫn phải tự thân vận động để mày mò tiếp thụ công nghệ; kinh nghiệm lẫn nhau; rồi bán giá sản phẩm hoa làm ra lại trông chờ theo chuyển động rủi- may của thị trường lên xuống hàng ngày. Hơn nữa, bởi chưa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các vùng chuyên canh hoa một cách chiến lược nên những đối tác nước ngoài rất khó khăn và rất dè dặt khi tìm kiếm và quyết định lập dự án hợp tác đầu tư phát triển nghề hoa Đà Lạt. Đây là hệ quả của công tác xúc tiến đầu tư nghề hoa qua các lần Festival hoa vẫn còn hạn chế. “Chỉ cần một doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu quốc tế, mang hoa về Đà Lạt trình diễn trong dịp Festival hoa cho nghề hoa Đà Lạt mở rộng tầm nhìn- cũng đã khó có lắm rồi ! ”- Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt thẳng thắn nói.  
Cứ hai năm diễn ra chừng 10 ngày các hoạt động Festival hoa; còn lại 720 ngày nghề hoa Đà Lạt vẫn chưa có được một khu chợ hoa chuyên biệt để giao thương sản phẩm hoa; để tìm kiếm cơ hội gặp gỡ đối tác đầu tư trong và ngoài nước. Và đáng nói hơn, Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa, thành phố của Festival hoa mà vẫn chưa được hoàn tất thủ tục công nhận bản quyền về nhãn hiệu hàng hóa hoa Đà Lạt. Đây là mong chờ của những mong chờ của nghề hoa Đà Lạt để nghề hoa sớm được bảo hộ thương hiệu pháp lý của hoa trên phố hoa xinh đẹp này./.