Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Hội Nông dân với phong trào nuôi bò sữa

VĂN VIỆT
Các tháng cuối cùng của năm 2013, Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng)  đang hoàn thành một vài chỉ tiêu còn lại để đạt danh hiệu “vững mạnh, toàn diện” năm thứ 8 liên tục, trong đó có thành tích đáng kể ở việc vận động nông dân phát triển quy mô chăn nuôi bò sữa, mang lại thu nhập ngày càng tăng cao cho từng hộ gia đình.

Từ chương trình phát triển kinh tế tập thể những năm sau giải phóng, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng là địa bàn trọng điểm của Lâm Đồng được “đón nhận” nghề chăn nuôi bò sữa từ khi Nông trường bò sữa Phi Vàng về đứng chân hoạt  động trên 2 thôn Bắc Hội, Bồng lai ngày nay. 
Bấy giờ nông dân địa phương Hiệp Thạnh là những nông trường viên hàng ngày tiếp cận và thực hành quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa đạt kết quả tốt nhất. Đến những năm kinh tế thị trường hội nhập,  Nông trường bò sữa Phi Vàng giải thể, phần lớn nông trường viên về lại “bản quê” Hiệp Thạnh làm nông dân trồng trọt, nhưng vẫn luôn mong ước có cơ hội “hành nghề” nuôi bò sữa trong phạm vi hộ gia đình của mình.
Đến đầu những năm 2000, những gia đình nông dân có người “nguyên nông trường viên” Nông trường bò sữa Phi Vàng một thời đã “lặng lẽ” lần tìm mua con giống bò sữa từ các tỉnh miền Đông Nam bộ về gây nuôi. Sau đó gần 10 năm ổn định và từng bước phát triển đàn bò sữa trong cơ chế cạnh tranh, nông dân xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đã tạo ra lợi thế mới từ điều kiện xây dựng đồng cỏ, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi đạt giá trị kinh tế. Từ đây, Đảng ủy xã HiệpThạnh đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển chăn nuôi bò sữa, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể chính trị cùng phối hợp vận động nông dân thực hiện.
Phát huy vai trò chính trị nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển phong trào nông dân nuôi bò sữa, Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh đã nhanh chóng triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã đến toàn thể hội viên trong 5 chi hội trực thuộc, đồng thời rà soát nhu cầu chăn nuôi bò sữa của từng hộ gia đình để làm cơ sở giải quyết vốn vay ưu đãi. Các bước tiếp theo được Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh tiến hành theo từng phần việc khá thiết thực và hiệu quả như: phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân; giới thiệu các nguồn giống bò cho sữa đạt chất lượng; tích cực làm “cầu nối” cho các doanh nghiệp thu mua sữa được tiếp cận “giao thương” trực tiếp với hộ chăn nuôi…Kết quả chỉ trong 6 tháng cuối năm 2009, đàn bò sữa của xã Hiệp Thạnh từ 170 con đã tăng lên đến 276 con.
Ông Phạm Đình Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh cung cấp thêm: Từ năm 2010 đến nay ( cuối năm 2013), đàn bò sữa toàn xã với tốc độ phát triển khá nhanh – hiện đã vượt hơn 1.000 con, trong khi đàn bò sữa cả huyện Đức Trọng chỉ mới đạt hơn 1.200 con. Có được con số đáng kể này, trước hết ghi nhận ở hoạt động hiệu quả của Tổ Hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh mà Hội Nông dân xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động thành lập với hơn 50 hội viên ban đầu. Và từ Tổ hợp tác này, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng thành công Liên minh chăn nuôi bò sữa giữa người nông dân với Công ty Dalatmilk. 

Theo đó, người chăn nuôi bò sữa của xã Hiệp Thạnh được nguồn vốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để xây mới chuồng trại, mua máy vắt sữa, tăng đàn bò sữa giống, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi mới…Ngoài ra từ nguồn vốn từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong năm 2013 đã phân bổ về Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh cho 20 hộ nông dân vay mua giống bò sữa, thời gian vay 24 tháng với lãi suất ưu đãi.
Trong hơn 100 hộ gia đình nuôi 1.000 con bò sữa hiện có nói trên, có hộ gia đình nuôi lên đến từ 50 - 60 con. Tổng diện tích đồng cỏ trồng làm thức ăn cho bò sữa trên toàn xã Hiệp Thạnh đến nay là 72 ha.  Hạch toán riêng trong năm 2013, mỗi con bò sữa ở xã Hiệp Thạnh đã thu lãi về cho người nông dân từ 40 triệu đồng trở lên. Hầu hết những hộ gia đình chăn nuôi bò sữa ở xã đều đạt các danh hiệu sản xuất giỏi từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và trung ương. Cũng trong năm 2013, Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh đã kết nạp mới thêm 30 hội viên là nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn./.
THÁNG 10/2013