Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

4 mô hình và 120 nông dân với hoa lily

VĂN VIỆT
Lần đầu tiên thành phố Đà Lạt đã “bế giảng” 4 lớp tập huấn (tổng kết từ 4 mô hình điểm) chuyển giao kỹ thuật canh tác hoa lily công nghệ cao cho 120 nhà nông, góp phần cùng mỗi nhà nông giúp nhau tạo hướng chuyển đổi cây trồng, đột phá làm giàu.
Với nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng gần 930,5 triệu đồng, Công ty cổ phần Hoa Đại Việt (đứng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng) đã trực tiếp xây dựng 4 hộ gia đình tham gia mô hình điểm trồng hoa lily công nghệ cao tại phường 8 và phường 12, Đà Lạt từ tháng 8/2012, mỗi mô hình có diện tích nhà kính trình diễn là 300m2. Đây là những nông hộ hội đủ về năng lực vốn đối ứng (60% tiền đầu tư mua củ giống hoa lily; 40% tiền còn lại do Dự án hỗ trợ), đang sản xuất trong diện tích nhà kính tối thiểu 500m2, tọa lạc gần đường giao thông chính để tổ chức thuận lợi các cuộc hội thảo đầu bờ. Đồng thời là những nông hộ điển hình được bình xét từ cơ sở, có tinh thần ham học hỏi, tiếp thu nhanh các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, sẵn sàng hợp tác với đơn vị tư vấn để truyền đạt lại kinh nghiệm hiệu quả, thiết thực cho những gia đình sản xuất khác ở quanh vùng. 
Qua điều tra 60 hộ nông dân sản xuất hoa lily chủ lực ở phường 5, phường 7, phường 8, phường 12, Đà Lạt, Công ty cổ phần Hoa Đại Việt cho biết, phần lớn các diện tích sản xuất hoa lily theo hình thức luân canh, thu hoạch vào các mùa vụ cao điểm lễ, tết, du lịch. Trung bình mỗi hộ đang trồng từ 3.000-4.000m2 với kinh nghiệm trên dưới 3 năm. Công đoạn đầu tiên của 4 mô hình điểm trồng hoa lily theo công nghệ cao đã chọn các giống đã trồng hiệu quả ở Đà Lạt từ 5 - 7 năm, tuổi thọ của hoa đạt từ 5 - 10 ngày. Đến quá trình chăm sóc hoa lily, từng mô hình đã áp dụng các kỹ thuật tưới phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt, việc bón phân hữu cơ, vô cơ và các chế phẩm vi sinh với những khối lượng phối trộn đạt “chuẩn” theo các thông số khoa học. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục, được kiểm nghiệm với hệ số an toàn cao, chủ động kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các loại bệnh gây hại…
Kết quả theo từng giai đoạn so với vườn đối chứng, 4 vườn mô hình trình diễn đều đạt khá hơn về tỷ lệ cây nảy mầm, phát triển đồng đều; về độ dày và màu sắc tươi của lá; rút ngắn thời gian sinh trưởng 5 ngày; đặc biệt năng suất hoa thu hoạch tăng hơn 10%. Qua phân loại ở 4 vườn mô hình thu hoạch, hoa lily loại A đạt và vượt 80%; còn lại gần 20% là hoa loại B; không có hoa loại C. Các tiêu chuẩn khác của vườn mô hình như chiều dài, đường kính độ cứng của cây, độ bóng của lá, cây không bị cháy lá sinh lý, độ phân nhánh của nụ, độ dày, độ to, màu sắc, độ bền của hoa… đều đạt hơn so với vườn đối chứng. 

Lợi nhuận của mỗi mô hình trình diễn 300m2 đạt cao hơn so với vườn đối chứng sau một lứa hoa lily thu hoạch là hơn 21,3 triệu đồng…
Quy trình trồng hoa lily công nghệ cao trong nhà kính ở Đà Lạt chính thức hoàn chỉnh vào cuối tháng 3/2013, bên cạnh đã chuyển giao trực tiếp cho 120 hộ nông dân đang sản xuất hoa lily theo quy trình cũ, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Hoa Đại Việt còn tổ chức cho 100 hộ nông dân quanh vùng đến tham quan, tiếp cận từng mô hình, và đáng kể đã đào tạo tập trung chuyên sâu cho 30 khuyến nông viên cơ sở để nắm bắt đầy đủ từng biện pháp kỹ thuật, từ đó làm nhiệm vụ “ứng trực” thường xuyên hướng dẫn nông dân trên địa bàn chuyển đổi theo yêu cầu.
 Chủ Nhật, 07/04/2013 (GMT+7)