VĂN VIỆT
Trong nỗ lực vượt nghèo, mỗi hộ dân thôn
Đạ Sar, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà đã chắt chiu đóng góp hàng năm trên dưới một
triệu đồng, cùng với ngân sách nhà nước xây dựng mới nhiều những công trình dân
sinh ở địa phương. Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị địa phương trong
việc vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.
Một
ngày đầu tháng 10 năm 2010, chúng tôi đến thôn Đạ Sar của xã Liên Hà, Lâm Hà
đang lúc công trình nhà văn hóa thôn sắp sửa khánh thành và đưa vào sử dụng. Bí
thư Chi bộ thôn, Lê Minh Vương cho biết: Hội trường trường thôn xây dựng khoảng
50 mét vuông, nằm trên diện tích đất hơn trăm mét vuông với tổng kinh phí nhà
và đất khoảng 200 triệu đồng. Trong đó gồm 170 triệu đồng là vốn hỗ trợ từ
chương trình giảm nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững của nhà nước; còn lại 30
triệu đồng do nhân dân trong thôn đóng góp. Trong thời gian thi công đến khi
nghiệm thu công trình đều chịu sự giám sát chặt chẽ của ban thanh tra nhân dân
thôn. Không xảy ra một hiện tượng thất thoát nào về vật tư xây dựng - dù không
đáng kể.
Thôn
Đạ Sar có 170 hộ dân sinh sống trên 3 xóm và 1 bản nhỏ. Chiếm hơn 30% trong đó
là đồng bào thiểu số gốc Tây Nguyên và 30% là đồng bào thiểu số ở các tỉnh phía
Bắc di cư vào. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, Nguyễn Văn Tám, nếu tính 5
năm qua thì mỗi năm trung bình người dân thôn Đạ Sar đóng góp tổng cộng từ 40
triệu đồng trở lên, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, đã xây dựng lần
lượt những hạng mục hạ tầng cơ sở và xây những căn nhà đại đoàn kết trong thôn.
Có đến hơn 80 căn nhà kiên cố đã bàn giao cho người nghèo trong thôn; giá trị
xây dựng trên dưới 50 triệu đồng mỗi căn, theo phương thức nhà nước và nhân dân
cùng làm. Tương tự những con đường đá cấp phối liên xóm trong thôn cũng đã
khánh thành và đưa vào sử dụng với mặt đường rộng từ 8m đến 9m; thuận tiện cho
các phương tiện vận chuyển vật tư, phân bón, nông phẩm của người dân. Và hệ
thống công trình điện về thôn cũng được nhân dân đóng tiền bắc đường nhánh rẽ
về nhà. Công trình nước sạch, khoan gie61ng sâu dưới lòng đất để bơm lên bể
chứa 5 ngàn lít, cung cấp cho hơn 100 hộ dân trong thôn sử dụng ổn định từ 3
năm trở lại đây.
Tính
trung bình hiện nay trong thôn Đạ Sar cứ 1 hộ dân đang canh tác trên 1 ha đất
sản xuất nông nghiệp. Cây chủ lực là cây cà phê, đã chuyển 20 ha cà phê già cỗi
sang trồng cà phê Katimor và đã bắt đầu thu hoạch với năng suất từ 1,5 tấn đến
2 tấn nhân trên mỗi ha. Bên cạnh đó là diện tích cây dâu tằm, cây chè. Đặc biệt
cây mát mát đã phát triển khoảng 4 ha trên các địa hình đất đồi cao, đạt sản
lượng mỗi ha năm đầu tiên từ 30 tấn đến 40 tấn. Việc chăn nuôi giống heo cũ của
đồng bào bản địa Tây Nguyên cũng đang từng bước nhân rộng trong mỗi hộ gia
đình.
Đạ
Sar bây giờ không còn hộ đói. Và số hộ nghèo đang giảm khá nhanh nhờ các giải
pháp chủ động của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị địa
phương. Đáng kể như từng đoàn thể trong thôn nhận giúp đỡ từng hộ nghèo bằng
cách lập quỹ giúp nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi; phối hợp với khuyến nông
chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Hoặc như phân công các đoàn thể luân
phiên nhau giám sát, hướng dẫn người dân sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi của
nhà nước đúng mục đích, đạt hiệu quả ngày một cao hơn. Hàng tháng qua giao ban
với Chi bộ thôn Đạ Sar, Đảng ủy xã Liên Hà ra nghị quyết chỉ đạo từng chuyên đề
cụ thể. Sau đó, chi bộ thôn Đạ Sar về triển khai các chuơng trình hành động sát
thực cho các đoàn thể, ban cán sự thôn phối hợp, vận động nhân dân đồng thuận
hưởng ứng. Quy trình chỉ đạo, điều hành và phối hợp này đã từng bước đưa nghị quyết của Đảng ủy
xã Liên Hà nói chung; của Chi bộ thôn Đạ Sar nói riêng, đi vào cuộc sống nhân
dân một cách thiết thực nhất./.
Tháng 11/2008