Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Cá hồi Lâm Đồng đẻ trứng

VĂN VIỆT
Ông Phạm Văn Đa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, nếu các điều kiện đều diễn tiến thuận lợi thì trong mùa đông năm 2009 này, khoảng 6.000 con cá hồi thuần loại sinh sản ở Lâm Đồng sẽ đẻ những mẻ trứng đầu tiên để thay thế nguồn trứng nhập từ nước ngoài về; chính thức hoàn tất một quy trình sản xuất, phát triển nguồn giống cá hồi đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên.

TỪ ƯƠM GIỐNG
Trước khi đảm trách Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, ông Phạm Văn Đa là nông dân được ngành thủy sản Việt Nam chọn thử nghiệm ươm cá hồi giống tại khu vực rừng lá rộng Quảng Thừa, Đà Lạt. Sự giúp đỡ tích cực của các kỹ sư thủy sản ở Lâm Đồng, ông Phạm Văn Đa đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật công nghệ ươm cá giống, và một năm sau tự mình thực hành có kết quả. Chỉ hơn 100 triệu đồng chi phí ban đầu, ông Đa đã xây dựng một nhà ươm giống cá hồi với diện tích hơn 300 mét vuông, lắp đặt bên trong gồm một dây chuyền thiết bị, máy móc hoàn chỉnh thiết bị máy lạnh, máy ấp nở, bể nước nuôi cá bột…phù hợp với vùng khí hậu, thổ nhưỡng Lâm Đồng. Là một nơi ươm giống cá hồi duy nhất ở Lâm Đồng, từ cuối năm 2008 đến nay, ông Phạm Văn Đa đã ươm thành công 4 mẻ giống cá hồi bán ra thị trường, mỗi mẻ khoảng 100 ngàn trứng với tỉ lệ nở đạt gần 97%. Trứng sau khi nở thành cá bột, nuôi thêm 02 tháng thì xuất bán, tỉ lệ cá sống đạt trên dưới 70%, mỗi con cân nặng từ 30 gam đến 40gam.. Tính ra cứ 3 tháng ấp nở và bán cá hồi giống thương phẩm một lần ( giá bán mỗi con cá giống hơn 10 ngàn đồng), ông Đa thu lãi trên dưới 250 triệu đồng. “Cái khó nhất của ươm giống cá hồi là phải giữ đúng nhiệt độ lạnh tối thiểu từ buồng lạnh ấp nở đến các bể nước nuôi cá bột trong nhà ươm”- ông Đa nói.
Ban đầu ông Phạm Văn Đa mua trứng giống cá hồi về từ Phần Lan. Ap nở và đưa ra nuôi ở trang trại 8 tháng sau cá chỉ cân nặng mỗi con từ 1,7 kg đến 02kg. Nuôi thêm một vài tháng nữa thì tỉ lệ cá bất ngờ vỡ bọng trứng chết khá nhiều. Ông Đa lại liên hệ qua các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trong nước, đã tìm mua nguồn trứng giống mới từ Mỹ. Kết quả sau 4 mẻ ươm với tỉ lệ ấp nở thành công như nhau, nhưng giống cá hồi Mỹ nuôi một năm sau vẫn tăng trọng bình thường; nếu nuôi thương phẩm đến 2 năm sau xuất bán, mỗi con cân nặng lên đến trên dưới 04kg. 
ĐẾN NUÔI CÁ SINH SẢN
Theo ông Phạm Văn Đa, có thể trong mùa đông năm 2009 này, nhà ươm cá giống của ông ở Quảng Thừa, Đà Lạt không phải mua trứng giống nhập từ Mỹ nữa; mà là được cung cấp từ trại cá giống K’Long K’Lanh, Lạc Dương, Lâm Đồng. Trại cá giống nằm trên diện tích khoảng 15 ha, thuộc Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên. Gần một năm qua, sự hợp tác giữa những chuyên gia  thủy sản nước Nga và chuyên gia  thủy sản ở Lâm Đồng, đã  lai tạo và phát triển 6.000 con cá hồi sinh sản, mỗi con cân nặng từ 1 kg -1,5kg. Có thể trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2009, những mẻ trứng đầu tiên được sinh sản từ đàn cá hồi nuôi ở vùng khí hậu Lâm Đồng này. Tính toán từ Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, nhu cầu ươm cá hồi giống để cung cấp tất cả trang trại nuôi cá nước lạnh cả tỉnh Lâm Đồng trong năm 2010 tiếp tục đạt mức khoảng 20kg trứng ( mỗi kg khoảng 20 ngàn trứng).

Khi sản xuất được trứng giống để ấp nở tại chỗ ở Lâm Đồng, giá  thành cá hồi giống sẽ giảm hơn giá thời điểm hiện tại khoảng 40% ( giá trứng cá hồi mua từ Mỹ về hiện là 1.200USD/kg). Và kéo theo tỉ lệ này sẽ giảm giá bán cá hồi thương phẩm của Lâm Đồng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. 
Được biết, giá bán tại chỗ trong năm 2009 trung bình mỗi kg cá hồi thương phẩm của Lâm Đồng là 150 ngàn đồng. Có tất cả 9 doanh nghiệp, cá nhân nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng ( chủ yếu là cá hồi) trên diện tích hơn 10 ha mặt nước, ước đạt tổng sản lượng cá thương phẩm trong năm 2009 khoảng 300tấn; và sản lượng còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới vì lượng cung vẫn còn không đáng kể so với lượng cầu trong thực tế. Bởi vậy, sau mùa đẻ trứng năm đầu tiên này, trại cá hồi giống K’Long K’Lanh, Lạc Dương, Lâm Đồng triển vọng sẽ nhân lên nhanh đàn cá sinh sản, cung ứng kịp thời nguồn trứng giống ấp nở cho nhu cầu phát triển nghề nuôi cá hồi thương phẩm đầy tiềm năng trên các vùng rừng núi Lâm Đồng nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.  /.
Tháng 11/2008