Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

“Kỹ sư băm cỏ” Đơn Dương

VŨ VĂN
Nông dân nuôi bò trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã và đang biết nhiều đến chiếc máy băm cỏ tự sáng chế của anh Nguyễn Văn Xưởng ở xã Đạ Ròn, Đơn Dương. Mới đây người “kỹ sư băm cỏ” này được nguồn vốn khuyến công chấp thuận giải ngân cho vay để mở rộng xưởng cơ khí mới, quy mô đầu tư khoảng nửa tỷ đồng.  
Chủ cơ sở Nguyễn Văn Xưởng cho biết vào cuối năm 2010, dự án xây dựng xưởng cơ khí mới tại thôn 1, xã Đạ Ròn đã được lập dự án theo sự hướng dẫn của Phòng Công thương huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. 

Theo dự án, trên nền đất của tiệm sản xuất máy băm cỏ hiện thời chỉ vài chục mét vuông, Xưởng sẽ mở rộng thành diện tích cơ xưởng rộng khoảng trăm mét vuông. Trong tổng nguồn vốn đầu tư gần 500 triệu đồng thì nguồn vồn khuyến công Lâm Đồng cho vay không tính lãi suất trong vòng 5 năm là 250 triệu đồng. Gần 250 triệu đồng còn lại là số vốn tự có của Xưởng. Khi cơ xưởng đi vào hoạt động, dự toàn hàng năm sẽ sản xuất 350 chiếc máy băm cỏ bán cho bà con nuôi bò trong tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó cơ sở còn sản xuất 120 chiếc xe rùa, 180 máy ép ủ cỏ sữa và các thiết bị cơ khí phục vụ khác cho việc dự trữ thức ăn chăn nuôi bò…Tổng doanh thu một năm ước tính đạt hơn 1,8 tỷ đồng. Trừ tổng chi phí gồm lương nhân công, tiền điện, nguyên vật liệu, khấu hao tài sản cố định; đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn lại lãi ròng gần 170 triệu đồng. Nói thêm về lương nhân công với 5 lao động kỹ thuật của cơ sở, hàng tháng sẽ đạt thu nhập bình quân là 5 triệu đồng. Như vậy nếu anh Xưởng phải trả nợ vay nguồn vốn khuyến công mỗi tháng 50 triệu đồng thì 5 năm sau là trả đủ.
Dự án được duyệt với hoạt động khả thi nêu trên, xưởng cơ khí mới của Nguyễn Văn Xưởng sẽ tạo ra một điểm xuất phát mới để phát triển sản xuất máy móc nông nghiệp, góp phần trực tiếp giúp nông dân địa phương Đạ Ròn, Đơn Dương giải phóng sức lao động, tăng năng suất vật nuôi, cây trồng. Đây là kết quả của quá trình tự máy mò nghiên cứu, sáng chế và hoàn thiện chiếc máy băm cỏ gọn nhẹ, năng suất, giá thành phù hợp với thu nhập của người nông dân. Xưởng kể lại: Năm 2003, Xưởng mới vừa 26 tuổi là bắt đầu phác thảo trong đầu mô hình chiếc máy băm cỏ cho bò sữa ăn được dễ dàng hơn. Bởi địa bàn xã Đạ Ròn ( nơi định cư của Xưởng) là địa bàn tập trung nuôi bò sữa nhiều nhất huyện Đơn Dương (khoảng gần 800 con) và diện tích trồng cỏ sữa chăn nuôi bò hàng năm trên dưới 40 ha. Nếu cộng cả bò vàng thì xã Đạ Ròn hàng năm nuôi lên đến nhiều ngàn con. Gia đình của Nguyễn Văn Xưởng cũng nuôi nhiều bò sữa làm nguồn thu nhập chính cho gia đình. Hàng ngày cho bò ăn, Xưởng và nông dân trong xã phải cắt từng bụi cỏ cao hai, ba mét về để trước máng chuồng cho bò ăn. Nhưng do cỏ sửa phát triển xanh tốt, phần gốc cỏ đã dài và to cứng, có khi to bằng ngón chân cái, bò ăn nhai rất khó khăn.  Ý tưởng chế tạo một chiếc máy băm  cỏ của Nguyễn Văn Xưởng đã “phát lộ” từ đây. Làm thử nghiệm và thay thế, điều chỉnh dần dần, đến năm 2004, những chiếc máy băm cỏ đầu tên của Xưởng sản xuất bắt đầu bán và được người nông dân ưa chuộng từ những ngày đầu đưa về sử dụng.
Đến nay, đã qua 7 năm, chiếc máy đã hoàn chỉnh với 2 con dao quay tốc độ cực nhanh, cùng với 4 cánh quạt đạp, quạt cỏ, đạt công suất băm cỏ mỗi giờ từ 1,6 tấn đến 1,8 tấn cỏ; kích thước gọn nhẹ với chiều cao hơn 1,2 mét, chiều dài hơn 1m, trọng lượng chưa nặng tới 90 ký. Bên dưới máy có lắp ráp 2 bánh xe cao su, có thể di chuyển đến tận máng chuồng bò để đưa cỏ vào băm trực tiếp cho bò ăn. Giá thành bán một chiếc máy băm cỏ tại tiệm của Nguyễn Văn Xưởng là 4,3 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân chưa đủ tiền giao một lần, Xưởng đã sẵn lòng bán nợ bằng thỏa thuận miệng, vài tháng sau họ đều thanh toán đủ. Trong vòng 6 tháng sử dụng, máy có trục trặc bất cứ bộ phận nào đều được  “kỹ sư Xưởng” trực tiếp bảo hành. Người mua máy băm cỏ của Xưởng, bên cạnh nông dân nuôi bò sữa ở Đơn Dương còn có nông dân ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và các huyện khác ở các tỉnh Tây Nguyên mua về băm cỏ cho bò vàng ăn, băm chuối nuôi heo rừng ăn…khá tiện lợi.

“Kỹ sư băm cỏ” Nguyễn Văn Xưởng đã được Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tặng Giấy khen về “thành tích nông dân sáng kiến máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”; được UBND huyện Đơn Dương tặng Giấy khen về “thành tích nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2005 - 2010”. Hy vọng đây là những động lực mới giúp cho Xưởng xây dựng thành công xưởng cơ khí mới ngay từ năm đầu khai trương, từ đó sản xuất nhiều hơn nữa chiếc máy băm cỏ và các thiết bị nông cụ khác với nhiều tính năng hữu ích, góp phần đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới về nông thôn Đơn Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung./.   
Tháng 5/2011