VĂN VIỆT
Trong chuyến
trải nghiệm cùng 19 đoàn nhà báo miền Trung và Tây Nguyên về xã Ia Vê, một xã
vùng xa với phần lớn dân số là người đồng bào thiểu số địa phương của tỉnh Gia
Lai, chúng tôi khá ấn tượng với con số thu nhập trung bình 13 triệu đồng mỗi
người trong năm 2011. Để đạt được chỉ tiêu đáng mừng này, chính quyền xã không
chỉ tập trung với những giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nói là vùng xa theo ước tính từ trung tâm thành phố
Pleiku, tỉnh lỵ tỉnh Gia Lai đến trung tâm xã Ia Vê, thuộc huyện Chư Prông của
tỉnh này khoảng gần 40 cây số. Nhưng thực ra đây chỉ là khoảng cách địa lý
không đáng kể, bởi bây giờ từ thành phố Pleiku có thể đến xã Ia Vê về hướng Đông-
Nam với ít nhất 2 cung đường nhựa khác nhau, xe ô tô chạy êm ru giữa bạt ngàn
cao su, cà phê, hồ tiêu. bắp, mì…Bên dòng âm thanh rộn rã của cồng chiêng đón
đoàn nhà báo miền Trung- Tây Nguyên tại làng văn hóa cấp tỉnh O Ngol, ông
Nguyễn Trúc, Chủ tịch UBND xã Ia Vê, vui mừng cho biết, các loài cây trồng chủ
lực của xã này đã và đang phát huy lợi thế so sánh, bên cạnh các loài cây hoa
màu ngắn ngày khác, đã đem lại thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng
năm 2010 tăng lên 13 triệu đồng năm 2011.
Đó là những loài cây công nghiệp quen thuộc như cà
phê, cao su, tiêu…đạt hiệu quả cao là nhờ những quy hoạch tổng thể và chi tiết
phù hợp, đồng thời triển khai những hình thức tổ chức sản xuất chủ động đối với
người nông dân. Như cây cao su được chuyển đổi trồng mới liên tục từ những khu
đồi rừng nghèo kiệt và từ những khu đồi cà phê già cỗi…đến nay đã mở rộng hơn
230 ha. Rồi cây cà phê thâm canh, tăng năng suất với diện tích ổn định lên đến
1.200 ha. Và cây hoa màu các loại với gần 520 ha và hơn 60 ha lúa nước, phân bổ
ở những địa hình thuận lợi cho tưới tiêu, đã cung cấp nhu cầu lương thực tại
chỗ cho người dân. “Tính riêng có hơn 10 hộ gia đình đồng bào thiểu số xã chúng
tôi, đạt thu nhập cao nhất mỗi hộ từ
200 triệu đồng/năm trở lên. Hiện
trên địa bàn xã còn có 3 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, sản xuất trên
các khu vực trồng cây công nghiệp, quanh năm thu hút số lượng lao động đáng kể
của địa phương, tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình….”- Chủ tịch xã Nguyễn Trúc
nói thêm.
Xã Ia Vê có 11 thôn, làng, 1.452 hộ gia đình, trong
đó vinh dự nhất có 1 thôn ( buôn) văn hóa
cấp tỉnh và 3 thôn văn hóa cấp huyện được công nhận từ năm 2005 đến nay.
Thôn văn hóa cấp tỉnh là thôn O Ngol của xã, khi đoàn nhà báo chúng tôi về
được chứng kiến công trình nước sạch của nhà nước đầu tư hơn 01 tỷ đồng đã
chính thức dẫn nước về cho đồng bào sử dụng. Những số liệu từ thôn văn hóa O
Ngol càng thêm những ghi nhận : Thôn Ongol với 94 hộ gia đình, trong đó đại bộ
phận là người đồng bào Ja Rai, diện tích đất tự nhiên khoảng 300 ha. Diện tích đất sản xuất gồm 67 ha cà phê; 10,3
ha điều và hơn 50 ha hoa màu và lúa nước. Trình độ canh tác ngày càng phát
triển, giá trị sản xuất tăng cao, người nông dân của thôn đã tự huy động hàng
ngàn ngày công để cải tạo mới 30 ha lúa nước; huy động hơn 100 triệu đồng xây
dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu về từng thửa ruộng. Bình quân thu nhập đầu
người mỗi năm (năm 2010 và năm 2011) của thôn văn hóa O Ngol, xã Ia Vê này cũng
đạt từ 12 triệu đồng đến 13 triệu đồng. Đã có hộ gia đình trong xã Ia Vê đã sắm
được ô tô riêng từ nguồn thu trồng các
loài cây công nghiệp này.
Không chỉ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích
cực giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu, xã Ia Vê đã duy trì và không ngừng nâng
cao tính thiết thực của các hoạt động văn hóa tinh thần như tuyên truyền kịp
thời những chủ trương chính sách pháp luật của đảng và nước của Trạm Truyền
thanh xã; chú trọng xây dựng và tạo môi trường thuận lợi để phát triển các hoạt
động văn nghệ, thể thao, phát huy bản sắc đa dạng, phong phú của cộng đồng các
dân tộc Việt Nam như biểu diễn văn nghệ cồng chiêng, tổ chức các giải thi đấu
bóng đá, bóng chuyền, các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Ông Bùi Viết Hội, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Gia
Lai, khẳng định lại rằng, thôn văn hóa O Ngol, xã Ia Vê của huyện này đã luôn
giữ vững sự bình yên tuyệt đối về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,
bình yên ngay trong những thời điểm
nhiều vùng Tây Nguyên diễn ra phức tạp về các hiện tượng bạo loạn từ các thế
lực kích động bên ngoài. Điều này thể hiện sinh động của sự chung sức, chung
lòng từ cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị và mọi tầng lớp nhân
dân địa phương, làm điều kiện, làm động lực bền vững để không ngừng tăng trưởng
kinh tế xã nhà trong hành trình trước mắt cũng như lâu dài./.
Tháng 12/2011