Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Đà Lạt mất dần diện tích atisô

VĂN VIỆT
Lần lượt trên 10 ha trồng cây atisô ở phường 12, Đà Lạt thu hoạch vừa xong, nông dân đã dựng lên nhà kính mới, cải tạo đất trồng hoa cúc để mong có hiệu quả kinh tế hơn. Nhiều giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ của nhà nước, của nhà doanh nghiệp đã, đang triển khai nhằm giữ lại cây atisô đặc hữu của Đà Lạt nhưng hiện tại vẫn chỉ là…những gỉai pháp tình thế.  

Tháng 4/2012 là tháng cuối cùng thu hoạch atisô niên vụ 2011- 2012, nhiều hộ nông dân phường 12, Đà Lạt thay vì làm sạch cỏ, bón lót phân để tiếp tục trồng mới atisô niên vụ 2012- 2013 thì lại dựng lên khung sắt, trùm che kín ni lông từ tường vách đến mái lợp để trồng hoa cúc. Đang xây dựng nhà kính trên thửa đất 3,5 sào atisô vừa thu hoạch xong, những người trong hộ anh Hoàng Thới cho rằng gia đình mình là trường hợp chuyển đổi chậm hơn nhiều so với những hộ gia đình ở vùng Thái Phiên, phường 12, Đà Lạt. Hộ gia đình anh Hoàng Thới sau hơn 20 năm trồng cây atisô, quá gắn bó với bao thăng trầm lãi- lỗ- hòa vốn, nhưng từ đầu tháng 4/2012 đến nay buộc phải chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mới hoa cúc theo phong trào chung của nông dân địa phương trong vài năm gần đây.
Anh Đặng Bảo Vinh, cán bộ khuyến nông ở phường 12, Đà Lạt, nói thêm: “Không chỉ có đất trồng rau xanh nói chung, đất trồng atisô nói riêng ở đồng ruộng bậc thang phường 12, Đà Lạt bây giờ đã phủ dày nhà kính trồng hoa cúc. Hộ gia đình anh Hoàng Thới là một trong những hộ gia đình đến giờ mới huy động đủ nguồn vốn nên mới xây dựng được nhà kính chuyển đổi trồng từ atisô sang hoa cúc …” Giáp ranh với diện tích đất chuyển đổi của hộ gia đình anh Hoàng Thới là diện tích 4 sào đất trồng hoa cúc trên đất atisô của gia đình anh Trần Văn Quý đã chuyển đổi cách đây hơn 2 năm. Anh Quý là đời thứ 3 trồng atisô ở phường 12, Đà Lạt, đã từng được chính quyền thành phố Đà Lạt khen tặng về nông dân sản xuất giỏi cây atisô, nhưng rốt cuộc đành phải theo cây hoa cúc vì hiệu quả kinh tế cao hơn khá nhiều.  
Ước tính của Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết: Tính riêng từ tháng 02/2012 đến tháng 4/2012, nông dân phường 12, Đà Lạt đã thu hoạch atisô rồi chuyển đổi sang trồng hoa cúc nhà kính khoảng 10 ha; giảm tổng diện tích atisô xuống còn khoảng 50ha. Niên vụ 2011- 2012 này, sản lượng atisô ở phường 12, Đà Lạt giảm khoảng trên dưới 20% so với niên vụ năm trước. Nguyên nhân gặp những cơn mưa thất thường và cơn bão đến quá sớm vào đầu tháng 02/2012, dẫn đến phần lớn diện tích atisô bị đọng quá nhiều nước trên lá, thân, rễ, khi thu hoạch đã giảm đáng kể lượng tinh bột của sản phẩm, giá thành bán ra thấp hơn năm trước từ 30- 40%. Cân đối vốn đầu tư, công chăm sóc, niên vụ atisô 2011- 2012 ở phường 12, Đà Lạt chỉ đạt lãi mỗi sào từ 25- 30 triệu đồng.  Số lãi này mới chỉ bằng 80% số lãi một lứa trồng hoa cúc trong nhà kính với thời gian hơn 3 tháng.
Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết: Hiện phường 12, Đà Lạt có 170 hộ gia đình đang sản xuất khoảng 50 ha atisô, trong đó có 28 hộ đã được chính quyền thành phố Đà Lạt hỗ trợ 40% nguồn vốn đầu tư, gia đình tự đầu tư 60% nguồn vốn còn lại để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất atisô, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng. Đó là gồm những hạng mục đã hoàn thành như: xây mới 3 nhà kho tại khu đất sản xuất để bảo quản sản phẩm atisô sau thu hoạch, mỗi nhà kho rộng từ 30 mét vuông đến 40 mét vuông; trang bị gần 30 hệ thống máy bơm thuốc trừ sâu, máy bơm tưới nước; cung cấp 35 tấn phân bón…Hiện có 17 hộ gia đình trồng atisô ở phường 12, Đà Lạt đang tiếp tục được chính quyền thành phố Đà Lạt xét hỗ trợ 40% nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục tương tự như vừa nêu, nhằm chung tay cùng nhà nông để giữ lại diện tích trồng cây atisô với chất lượng sản phẩm đạt cao hơn.
Được biết trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong thành phố Đà Lạt đã hợp tác với nông dân phường 12, Đà Lạt, đầu tư sản xuất và trợ giá bao tiêu sản phẩm atisô, nhưng thực tế giá thành chỉ dừng lại ở mức ổn định bình quân, không bị lỗ nếu giá thị trường kéo xuống ở mức thấp nhất. Tuy nhiên nếu tính toán với cùng một đơn vị diện tích ở phường 12, Đà Lạt thì mức lãi mỗi năm trồng atisô ở thời điểm cao nhất chỉ bằng 20- 25% so với mức lãi trồng cây hoa cúc. Bởi vậy một khi cây atisô chưa phát huy được lợi thế so sánh trong thị trường cạnh tranh với cây hoa cúc thì những nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất từ phía nhà nước, cũng như những nguồn vốn hợp tác ổn định giá trần thu mua từ phía nhà doanh nghiệp, cũng chỉ mang tính tình thế trong một giai đoạn nhất định, chứ chưa thực sự mang tính bền vững lâu dài. /.
Tháng 4/2012