Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Chè dây cần mở rộng

VŨ VĂN
Những ngày Doanh nhân Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Đà Lạt vừa qua, khách địa phương và khách du lịch tham quan thường chú ý đến sản phẩm chè dây lần đầu tiên được sản xuất tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông.
   Chủ nhân của sản phẩm chè dây Đam Rông là anh Hoàng Duy Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam hẹn tiếp chuyện với phóng viên vào một giờ cuối buổi sáng sau ngày Doanh nhân Việt Nam tại Đà Lạt. 

Qua giới thiệu vắn tắt, anh Thành cho biết, công ty của anh sản xuất, chế biến chè dây từ 2 năm qua tại xã Liêng Srônh, Đam Rông. Với 2 dòng sản phẩm chính gồm chè túi lọc và chè đóng hộp, vùng nguyên liệu ước hàng chục ngàn mét vuông sản xuất chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên, tán rừng trồng dó bầu ở huyện nghèo Đam Rông. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè dây có mặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trong nước, nhưng với số lượng so với nhu cầu vẫn còn “khiêm tốn” do năng lực thu hoạch nguyên liệu để sản xuất hàng năm mới đạt trên dưới 10 tấn.
Trước khi đưa ra thị trường, chè dây Đam Rông được Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo các tài liệu y dược Việt Nam, chè dây có tên khoa học Ampelopsis Cantoniensis Planch, người đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc gọi là Thau rả hay Khau rả. Là loại cây dây leo có vị ngọt đắng, chứa nhiều hoạt chất làm mát gan, an thần, chữa mất ngủ, chữa các bệnh liên quan tới dạ dày…Anh Thành cho biết, công ty của anh phát hiện giống chè dây sinh trưởng hoang dại tại vùng rừng núi Đam Rông từ đầu năm 2011, sau đó được chính quyền huyện này hỗ trợ kinh phí thực hiện thành công việc nhân giống đại trà dưới tán rừng.
Hiện giá thành chè dây túi lọc và chè dây đóng hộp của công ty anh Thành tương đương với giá thành các loại chè xanh thông thường ở Lâm Đồng. Đây là “căn cứ” khá khả thi trong việc đầu tư cho nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cả trăm héc ta, xây dựng mới khu vực nhà máy khép kín dậy chuyền tại chỗ với diện tích hàng ngàn mét vuông, từ đó mở rộng thị trường tiêuthụ trong nước và hướng đến xuất khẩu chè dây mang thương hiệu huyện nghèo Đam Rông, Lâm Đồng. Tuy nhiên để đạt điều này phải cần thêm nhiều tỷ đồng đầu tư mà công ty của anh Thành vẫn đang loay hoay, chưa tìm ra nguồn vốn vay từ phía ngân hàng và kể cả những nguồn vốn huy động từ bên ngoài.
Tháng 10/2013