Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Những đường hoa lên xứ hoa đào

 VŨ VĂN
Năm mới 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt vinh dự đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Lạt là thành phố Festival hoa của Việt Nam. Vinh dự này đã cho Đà Lạt cơ hội mới để rộng mở những đường hoa mới đi lên.
TỪ LÀNG HOA ĐẾN PHỐ HOA
Lịch sử nghề trồng hoa Đà Lạt đi qua hai đoạn đầu của hai thế kỷ. Để bây giờ trên sân khấu lộng lẫy những đêm lễ hội hoa luôn hiện lại những gánh hàng hoa khởi nguyên của người gốc Hà Đông trồng được trên đất cao nguyên Đà Lạt từ những năm ba mươi của thế kỷ trước. 

Những ngày sơ khai đó mới chỉ hơn 10 ha trồng các loài hoa huệ, bất tử, cúc, vạn thọ….Những cư dân hoa “xông đất” Đà Lạt đã chắt chiu tạo ra những hạt giống cho mùa sau kế tiếp mùa sau, rồi cùng truyền nghề trồng hoa cho nhau trên những vùng nông nghiệp phố núi này. Đến Festival hoa 2010, Hà Đông được công nhận là làng hoa truyền thống đầu tiên của Đà Lạt với trên 50ha hoa các loại, đạt thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng đến 550 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời trong dịp này, làng trồng hoa Thái Phiên, Đà Lạt cũng được công nhận là làng nghề trồng hoa truyền thống cùng với làng hoa Hà Đông. Làng hoa Thái Phiên được hình thành từ khoảng năm 1954 với khoảng 40 hộ gia đình người Việt từ Xiêng Khoảng (Lào) hồi hương. Năm 1956 nghề trồng hoa bắt đầu xuất hiện. Những giống hoa đầu tiên được trồng ở làng hoa Thái Phiên được nhập về từ nước Pháp là hoa hồng, hoàng anh, lay ơn, cẩm tú cầu, cúc đỏ…Đến nay, làng hoa Thái Phiên đã có 255 hộ sản xuất trên diện tích 78ha  hoa cao cấp các loại (có nguồn gốc nhập về từ các nước Hà Lan, Pháp, Nhật, Chi Lê, indonesia…) như sa lem, pi pi, cát tường, cẩm chướng, ly ly…đạt tổng sản lượng trên 300 triệu cành/năm. Doanh thu trung bình  đạt từ 500 triệu đồng đến 550 triệu đồng/ha...
Từ 2 làng nghề hoa Hà Đông, Thái Phiên ban đầu ngày ấy – hôm nay là vùng nông nghiệp đặc thù trồng hoa Đà Lạt gồm những tên làng hoa mới lần lượt ra đời như An Sơn, Vạn Thành, Đa Thiện, Xuân Thành…với hơn 2.000 ha hoa các loại như cúc, hồng, cẩm chướng, đồng tiền, lily, ngàn sao….mỗi năm đạt sản lượng trên dưới 1 tỷ cành, tổng doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Thương hiệu hoa Đà Lạt đã ngày càng nổi tiếng trong và ngoài nước.
NHỮNG ĐƯỜNG HOA MỜI GỌI
Tại Lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu: “Đà Lạt được mệnh danh là xứ sở của ngàn hoa. Hoa Đà Lạt nở bốn mùa, lúc nào cũng xinh đẹp. Đà Lạt là nơi mà khách du lịch trong nước và nước ngoài đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp…” Lời khẳng định lại của Chủ tịch nước về thế mạnh, tiềm năng của hoa Đà Lạt cũng là lời gợi mở cho Đà Lạt hãy tiếp tục phát huy lợi thế về ngành công nghiệp sản xuất hoa gắn với ngành công nghiệp du lịch của mình.
Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ với Đà Lạt là một trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng của cả nước; là một cực quan trọng trong vùng tam giác du lịch phía Nam nối với thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Ninh Chữ, Phan Thiết…Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, sự phát triển từ những tour du lịch hoa đã hấp dẫn du khách đến Đà Lạt ngày một đông hơn. Đó là những điểm đến của những đường hoa quen thuộc như Công viên hoa Đà Lạt, Vườn hoa Minh Tâm, Đồi Mộng Mơ, Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Thung Lũng Vàng, Vườn sinh thái Thiên Thanh, Thiền Viện Trúc Lâm…Trong đó riêng Công viên hoa Đà Lạt mỗi năm đón trên 500 ngàn lượt khách (cả thành phố Đà Lạt năm 2009 thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách đến tham quan). Ngoài ra những hãng lữ hành trong nước còn khai thác quanh năm các tour tham quan các làng hoa, thung lũng hoa, vườn hoa gia đình ở Đà Lạt. 
Ở góc độ khác, ông Trương Trổ ( Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng) chia ra 5 nhóm hoa trong hơn 400 loài hoa hiện trồng ở Đà Lạt gồm: nhóm hoa cắt cành ngắn ngày, nhóm hoa lan, nhóm hoa cây xanh đô thị đường phố, nhóm hoa dại, nhóm hoa trong vườn. Mỗi nhóm hoa đều đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh, phim ảnh ở trong và ngoài nước; đều phô diễn quanh năm những nét quyến rũ đặc trưng để thu hút khách du lịch lên Đà lạt tham quan, nghiên cứu hoa và mua sắm sản phẩm hoa...
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã biểu dương mỗi kỳ Festival hoa Đà Lạt là mỗi sắc thái riêng. Qua 3 kỳ Festival hoa Đà Lạt càng cho thấy sự cuốn hút mạnh mẽ của nét đẹp ngàn hoa Đà Lạt. Những đường hoa Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Khu Hòa Bình, thảm cỏ ven hồ Xuân Hương, khu biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo….suốt những ngày lễ hội làm lưu luyến bước chân du khách gần xa. Con số thống kê gần 45 ngàn du khách đã lưu trú hết số phòng của hệ thống hơn 700 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ của Đà Lạt- đã vượt xa số khách đến ở hai kỳ Festival trước là một minh chứng sinh động nhất. Thực tế đáng vui này đã đặt ra nhiều ý kiến rằng phố Đà Lạt vẫn có thể hình thành những đường hoa mới mời gọi khách du lịch trong khi chờ đến dịp festival hoa như: lễ hội hoa mai anh đào mùa đông, những gian hàng hoa quy hoạch mới ở chợ hoa Đà Lạt ven đường phố Nguyễn Thị Minh Khai, định kỳ tổ chức sinh hoạt chuyên đề hoa ở khách sạn và nhà nghỉ, xây dựng một bảo tàng hoa rộng lớn ở Công viên hoa Đà Lạt…Để từ đó đưa ngàn hoa Đà Lạt thân thiện hơn với du khách; mang lại những tình cảm đặc biệt của du khách với hoa mỗi khi tạm biệt phố núi Đà Lạt, về lại đồng bằng chợt ngân lên câu hát: “…Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng, chiều chiều nhìn mây trôi xa xa…”./.
Đầu năm 2010