Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

“Nặng ký” khoai tây nhà kính

VĂN VIỆT
Nhà nông Nguyễn Đăng Hiến ở phường 12, TP. Đà Lạt đưa phóng viên xem các bụi cây khoai tây nhiều củ trồng thử nghiệm trong nhà kính, khẳng định có thể sản xuất đại trà những “vụ nghịch” khoai tây nhà kính “nặng ký” hơn nữa trong mùa mưa tới.

Vào ngày 7/3/2012, trong vài mét vuông của vườn ươm nhà kính rộng lớn ở phường 12, TP. Đà Lạt, ông Nguyễn Đăng Hiến vẫn còn để lại mấy bụi cây khoai tây có ngọn cao nhất đến 2 mét, tủa ra từng chùm chiếc lá to bè che kín gốc cây.  Ông Hiến nói rằng đây là “các bụi còn lại” trong 10 bụi khoai tây đã trồng trong nhà kính hơn 5 tháng qua. Rồi dùng tay san gạt một lớp đất mỏng dưới gốc, khoai tây lộ ra dần dần năm, sáu củ to bằng nắm tay cùng nhiều củ nhỏ đang phát triển to bằng ngón chân cái, ông Hiến bảo đó mới chỉ một lớp củ bên phần trên cùng của gốc, cần chờ thêm một thời gian ngắn nữa sẽ đào củ lên hết để cân tính trọng lượng một lần, ước đoán số củ mỗi bụi cây cũng phải nặng năm, bảy ký trở lên. Trước đó một tuần, cũng trong ô vuông đất thử nghiệm này, ông Hiến nói đã thu mấy bụi khoai tây, cân nặng số củ lần lượt mỗi bụi là 5 ký, 6 ký và 7, 9 ký.

Việc trồng thử nghiệm khoai tây trong nhà kính được ông Hiến cho biết đã bắt đầu triển khai từ năm 2005 đến nay, năm này trồng một lứa mùa mưa và năm kia trồng một lứa vào mùa khô Đà Lạt để so sánh. Đây là nguồn giống khoai tây của nông dân Đà Lạt hiện trồng phổ biến ngoài trời, ông Hiến đưa về nhà nhân giống bằng kỹ thuật cấy mô. Trồng và chăm sóc 5 tháng trong nhà kính, năm đầu đầu tiên, ông Hiến thu toàn bộ 10 bụi khoai tây cân nặng hơn 40 ký. Những lứa khoai tây của các năm về sau, ông Hiến thu với số củ nặng ký dần lên, từ 4 ký lên 5 ký và bây giờ là gần 8 ký mỗi bụi cây như đã nêu. Việc chế biến khoai tây thực phẩm trồng trong nhà kính theo các món luộc, chiên, hầm… đều được gia đình ông Hiến cảm nhận một vị đặc trưng là chất bột trong khoai khá mềm ngọt và tỏa mùi thơm dễ chịu.

Nói về quy trình chăm sóc khoai tây nhà kính, ông Hiến cho biết thêm: Giống khoai tây cấy mô đưa ra từ vỉ xốp, trồng xuống giá thể xơ dừa trộn với đất tơi xốp và phân chuồng với tỷ lệ đảm bảo đủ dinh dưỡng trong thời gian 5 tháng chăm sóc và thu hoạch. Trong 3 tháng đầu chăm sóc, cứ 2 ngày tưới nước một lần, tưới rây hạt từ trên lá tưới xuống gốc cây. 2 tháng còn lại trước khi thu hoạch, số lần tưới sẽ thưa dần, nhằm giữ cho đất với độ ẩm không thừa và không thiếu. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu (chủ yếu thuốc trừ sâu sinh học) đúng định kỳ 7 ngày bơm một lần, bơm với liều lượng cho phép để phòng tránh các loại bệnh thường gặp của cây khoai tây như mốc sương, các bệnh nấm ăn lá, nấm ăn thân cây… Đặc biệt, vào ban đêm (trước thời gian thu hoạch từ 20 - 25 ngày) phải thắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng, mục đích kích thích sinh trưởng cho cây quang hợp liên tục, tạo số lượng củ sẽ được “nặng ký” hơn.
Từ những kết quả thử nghiệm nói trên, nhà nông Nguyễn Đăng Hiến ở phường 12, TP. Đà Lạt kết luận: Trồng khoai tây nhà kính ở Đà Lạt vào mùa mưa và mùa khô ở Đà Lạt đều đạt năng suất “nặng ký” như nhau. Thực tế, khoai tây Đà Lạt hiện chỉ trồng ngoài trời, vụ mùa chính là mùa khô hàng năm. Vậy việc trồng khoai tây trong nhà kính nên trồng vào mùa mưa, khi thu hoạch bán với giá thị trường thường cao hơn giá khoai vụ mùa.
Với giá cả vào tuần thứ hai của tháng 3/2012, phép tính đầu vào - đầu ra sau 5 tháng trồng 1 sào khoai tây nhà kính của nhà nông Nguyễn Đăng Hiến gồm: gần 15 triệu đồng vốn đầu tư giống, phân, giá thể, thuốc trừ sâu… Năng suất thu hoạch đạt bình quân 5 tấn, giá mua lúc trái vụ mỗi ký khoảng 18 ngàn đồng, nhân thành tổng doanh thu 90 triệu đồng. Trừ chi phí các khoản, lợi nhuận đạt được 75 triệu đồng. 
Nếu tính thêm khoản lợi nhuận của 7 tháng còn lại trong năm trồng và thu hoạch luân canh các giống hoa cắt cành, trên đơn vị 1 sào đất sẽ đạt tổng lợi nhuận đáng kể nhiều hơn nữa. Đây được xem là những dự báo khả quan đối với người nông dân khi đến tham khảo kỹ thuật trồng khoai tây “nặng ký” trong nhà kính của nhà nông Nguyễn Đăng Hiến ở phường 12, TP. Đà Lạt đã công bố thành công.
 Thứ Tư, 14/03/2012 (GMT+7)