Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Làng hoa Vạn Thành – Làng nghề mới

VĂN VIỆT
 Dự kiến vào dịp đón chào Festival hoa Đà Lạt năm 2012, phố hoa Đà Lạt sẽ công nhận thêm một làng nghề mới - làng hoa Vạn Thành. Đây là làng nghề trồng hoa cắt cành khá nổi tiếng của thành phố Đà Lạt với hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển.
Kết quả khảo sát của UBND phường 5, Đà Lạt cho biết: Khởi nguồn vào những năm 55, 56 của thế kỷ trước, có hơn 10 hộ dân từ các vùng đồng bằng bắc Bộ vào Đà Lạt chọn vùng đất màu mỡ phía tây với địa hình bậc thang để trồng rau xanh, rồi sau đó đặt tên làng là Vạn Thành. Bước qua thập niên 60, 70, những hộ dân đầu tiên lập làng Vạn Thành đã dần mạnh dạn chuyển từ cây rau xanh sang trồng cây hoa hồng với nhiều sắc màu khác nhau như hồng phấn, hồng vàng, hồng sắc pháo…Từ hoa hồng, tên làng hoa Vạn Thành được biết đến qua thị thường Đà Lạt rồi lan toả ra thị trường các vùng miền khác trong nước. Tiếng lành đồn xa, cư  dân từ các tỉnh trồng lúa miền Trung lần lượt tìm đến định canh định cư trên làng hoa Vạn Thành, rồi vào nghề trồng hoa nhờ học hỏi những người đến trước về kinh nghiệm trồng các giống hoa hồng và cả những kinh nghiệm trồng những giống hoa mới sau này như cẩm chướng, cúc cây, lay ơn…

Thập niên 90 của thế kỷ trước, làng hoa Vạn Thành đã tạo nên bước chuyển quan trọng về kỹ thuật chiết ghép hoa hồng thành công của nông dân. Kết quả hoa hồng được trồng và thu hoạch ngắn ngày hơn, hoa nở đẹp và lâu tàn hơn, trở thành cây hoa chủ lực của làng hoa Vạn Thành. Chuyển sang những năm đầu “hai ngàn” của thế kỷ mới, đất hoa hồng Vạn Thành với cơ chế thị trường rộng mở đã hấp dẫn bước chân tìm đến của các nhà đầu tư trồng hoa trong và ngoài nước. Những giống hoa của các doanh nghiệp đưa về trồng thử nghiệm trong nhà kính hiệu quả trên đất Vạn Thành như hoa hồng đỏ Hà Lan, hoa hồng đỏ Ý; các loại hoa bi bi, đồng tiền từ châu Âu…Nông dân Vạn Thành đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ trồng hoa trong nhà kính, đồng thời đã chủ động lai tạo từ giống hoa hồng mới nhập từ nước ngoài với giống hoa hồng trồng ở Vạn Thành trước đó, cho ra đời những giống hoa hồng mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt về sản phẩm hoa cắt cành trên thương trường.

Qua hơn một thập niên đầu của thế kỷ 21, làng hoa Vạn Thành có 284 nông hộ sản xuất khoảng 200 ha hoa cắt cành các loại, trong đó có 126,1 ha trồng hoa nhà kính, đạt tổng sản lượng hoa cắt cành mỗi năm gần 73 triệu cành. Đến nay những giống hoa cao cấp đã thực sự thích nghi trên làng hoa Vạn Thành như hoa hồng chủ lực nhập về từ Hà Lan, Pháp, hiện vẫn được mệnh danh là “vua của các loài hoa”. Hoặc như hoa lily có nguồn gốc từ Nhật, Hàn Quốc, Pháp, với 01 sào đất Vạn Thành trồng được 30 ngàn cây, sau 9 tháng thu hoạch với giá trị xuất khẩu khá cao. Với trên 01 sào đất, hoa cát tường trồng được 30 ngàn cây, hoa đồng tiền trồng được 10 ngàn cây, cả hai giống hoa đều nhập về từ Hà Lan, Nhật và Pháp, trồng sau 3 tháng có thể thu hoạch hoa cắt cành liên tục từ 1,5 năm đến 2 năm. Hoa lay ơn có nguồn gốc từ Trung Âu, Tây Á, Nam Phi, đang trồng quanh năm ở Vạn Thành với đủ màu sắc như trắng, vàng, đỏ, hồng, tím. Hoa cẩm chướng có nguồn gốc từ châu Âu, đang trồng 20 giống đa sắc màu ở Vạn Thành, gồm nhóm hoa chùm và nhóm hoa đơn, thời gian sinh trường từ 15 tháng đến 24 tháng.
 Đến nay trình độ kỹ thuật trồng hoa theo hướng công nghệ cao ngày càng nâng lên, nông dân Vạn Thành ( với 583 lao động tại chỗ có độ tuổi trung bình từ 30 đến 35 tuổi; và 120 lao động thuê thời vụ hàng năm) đều thuần thục tay nghề sản xuất các loài hoa cao cấp, từ công đoạn chọn giống, làm đất đến công đoạn trồng cây, chăm sóc và thu hoạch. Như trước khi xuống giống hoa phải cải tạo, đắp thành từng luống đất tơi xốp, tưới lượng nước vừa đủ tạo độ ẩm cho hoa bén rễ. 
Việc làm cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giăng lưới chống ngã đổ…đều được tiến hành phù hợp, kịp thời theo từng giống hoa, từng thời điểm. Việc cắt cành hoa, gói thành từng bó nhỏ, đóng thùng …đã được nông dân thao tác gọn gàng, chuẩn xác, hạn chế tối đa lượng hoa dập nát trên đường vận chuyển đến nơi tiêu thụ…Ước tổng doanh thu hoa Vạn Thành đã tiếp tục tăng từ gần 16,5 tỷ đồng trong năm 2010 lên đến hơn 24,1 tỷ đồng trong năm 2011. 
Để cây hoa tiếp tục ổn định và bền vững, làng hoa Vạn Thành với bề dày lịch sử và kinh nghiệm canh tác như trên, rất xứng đáng khi được công nhận là làng nghề truyền thống trong tiến trình phát triển chung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, du lịch của phố hoa Đà Lạt.
 Chủ Nhật, 16/10/2011 (GMT+7)