Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Sư cô với 34 người con

VĂN VIỆT
Sau gần 30 xuất gia tu tập, Sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh, 46 tuổi, trụ trì Ni viện Nguyên Không ở xã Hiệp An, Đức Trọng, đã trở thành người mẹ nuôi dưỡng lần lượt 34 trẻ em mồ côi khôn lớn, trưởng thành.
Một chiều tháng tư mát rượi trên đồi Ni viện Nguyên Không ở xã Hiệp An, Đức Trọng, tôi được Sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh dẫn đi thăm Cô Nhi viện rộng đến 6 ngàn mét vuông.
Sư cô vừa chớm bước đến cửa phòng thì nhóm trẻ lứa tuổi mẫu giáo đã ùa vào vòng tay để được bồng bế. Đây số trẻ được Ni viện giao cho 2 Ni cô trực tiếp chăm sóc hàng ngày. Đối diện ở phía trước là nơi dành cho nhóm hoc sinh lớn tuổi hơn, đang tập trung học các bài học ngoại khóa về đạo đức, sự giác ngộ của nhà Phật. “Trong 34 trẻ em ở Cô Nhi viện Nguyên Không, có 10 trẻ em sinh ra trên đất Lâm Đồng được Ni viện nhận về nuôi từ năm 2006 đến nay…  ”- Sư cô Tâm Hạnh cho biết.
Cũng theo Sư cô Tâm Hạnh, Cô Nhi viện Nguyên Không được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2006 sau khi được cơ quan thẩm quyền của Đức Trọng, Lâm Đồng cấp phép. Với khuôn viên rộng 6 ngàn mét vuông, Cô Nhi viện chia thành nhiều khu vực dành cho 34 người con mồ côi như: khu nhà ăn, khu nhà ngủ, khu nhà học tập văn hóa, học tập vi tính, học tập ngoại khóa, khu vui chơi giải trí ngoạn cảnh…Nếu bao quát hết trên không gian khu đồi Ni viện Nguyên Không với tổng diện tích 35 ngàn mét vuông thì diện tích Cô Nhi viện nhỏ hơn gần 6 lần. Cô Nhi viện Nguyên Không ở Đức Trọng, Lâm Đồng tiền thân là Cô Nhi viện ở Chùa Hương Sơn ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ra đời năm 1998, do Sư cô Tâm Hạnh trực tiếp nuôi trẻ mồ côi.
Sư cô Tâm Hạnh không thể nào quên cảnh 3 đứa trẻ gái tiếp nhận đầu tiên vào Cô Nhi viện Chùa Hương Sơn ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.  Đó là vào một buổi chiều muộn, có một người phụ nữ dắt díu 3 đứa trẻ gái 5 tuổi, 4 tuổi và 3 tuổi đến chùa xin giúp nuôi. Đây là người dì ( chị của người mẹ) của 3 đứa trẻ nói do người mẹ trong một cơn túng quẫn, phạm tội ăn cắp bị bắt quả tang, bị xử tù giam. Người cha của 3 trẻ lâm bệnh kinh niên, mất hết khả năng lao động. Thương cảm với hoàn cảnh bất hạnh này, Sư cô Tâm Hạnh liền nhận 3 đứa trẻ vào chùa nuôi ngay hôm đó. Năm tháng đi qua… đến 8 năm sau, người mẹ hết hạn tù, đến chùa Hương Sơn xin đưa về 3 đứa con được Sư cô Tâm Hạnh nuôi ăn học lần lượt với lớp 7, lớp 6 và lớp 5. “Khi trẻ gặp mồ côi hoạn nạn, mình sẵn lòng dang tay cứu giúp. Khi trẻ có điều kiện, mình cũng sẵn lòng đưa trẻ về lại đoàn tụ với gia đình…”- Sư cô Tâm Hạnh bày tỏ.
Tính từ năm 1998 đến năm 2005, Sư cô Tâm Hạnh đã nhận hơn 30 trẻ em mồ côi về nuôi ở Chùa Hương Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong đó gồm những cảnh bất hạnh như cha chết, mẹ lấy chồng khác; hoặc mẹ chết, cha lấy vợ khác, bỏ con bơ vơ... Đến năm 2006, Sư cô Tâm Hạnh đã đưa tất cả số trẻ mồ côi từ Chùa Hương Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lên nuôi ở Cô Nhi viện Nguyên Không ở Đức Trọng, Lâm Đồng khi vừa khánh thành. Đứa trẻ gái 5 tuổi nhận nuôi đầu tiên tại Cô Nhi viện Nguyên Không, Lâm Đồng đến nay đang học lớp 6, Trường Phổ thông cơ sở Hiệp An, Đức Trọng. Trên đất Lâm Đồng, Sư cô Tâm Hạnh nhớ như in một lần nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh mới 3 ngày tuổi, cân nặng 1,6 ký. Ấy là buổi chiều mưa tháng 8/2009, một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, bồng đứa trẻ sơ sinh đến Cô Nhi viện Nguyên Không nói rằng đã nhặt được ngoài đường do ai đó bỏ rơi. Sư cô Tâm Hạnh làm giấy khai sinh, đặt cho đứa trẻ tên Hà Nguyên Ân ( họ Hà là họ trong khai sinh của Sư cô Tâm Hạnh). Những vất vả vượt qua từng giờ, từng phút của người mẹ nuôi - Sư cô Tâm Hạnh với đứa con nuôi Nguyên Ân kể từ 3 ngày tuổi đến bây giờ là không kể hết, nhất là khi đêm hôm, khuya tối phải thức giấc cho bé uống sữa bình, dỗ dành cho bé ngủ. “Nay thì bé Nguyên Ân đã gần 3 tuổi, cân nặng 16 ký, rất ngoan… ”- Sư cô Tâm Hạnh vui mừng “khoe”.
Bây giờ Cô Nhi viện của Ni viện Nguyên Không, Đức Trọng, Lâm Đồng do Sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh trụ trì đang nuôi dưỡng 34 người con mồ côi. Trong số 3 người con nuôi lớn tuổi nhất có 2 người đang học Đại học Đà Lạt và 1 người đang du học Đại học ở Ấn Độ. Còn phần lớn đang học từ lớp 4 đến lớp 7; chỉ có 8 trẻ em đang độ tuổi mẫu giáo. Đó là chưa kể những người con nuôi theo nguyện vọng riêng đã được Sư cô Tâm Hạnh cho trở về lại với người thân thuộc, ruột thịt.  “Mẹ tôi mất khi tôi mới 12 tuổi. Năm 16 tuổi tôi vào chùa tu tập đến giờ. Rồi được gặp duyên nuôi trẻ mồ côi vượt qua cảnh bất hạnh, dần dần khôn lớn, trưởng thành, tôi thấy mình thật hạnh phúc…. ”- Sư cô Tâm Hạnh tâm sự.
Đức Trọng- Đà Lạt Tháng 4/2012