Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Nghị lực Ka Mai

VĂN VIỆT
Bí thư xã Đoàn Madaguôi (Đạ Huoai), Phạm Ngọc Trung bảo rằng, Ka Mai cả ngày thăm thẳm trong rừng sâu, tìm gặp rất khó. Để khỏi lỡ chuyến công tác của mình, tôi nhờ Trung hẹn trước và được Ka Mai nhận lời trò chuyện. Từ Đà Lạt đến nơi đã trưa tròn bóng mà trong căn nhà vách nứa chỉ một mình anh K’Nhung tiếp xúc với tôi, giọng nói nghẹn ngào : “Vợ chết rồi ! Tôi chỉ còn hai đứa con. Đứa lớn Ka Mai đành phải vào rừng kiếm củi, hái măng để nuôi sống hàng ngày cho cả nhà…”


K’Nhung đang ngồi bên tôi, xanh xao, vàng vọt, chờ đợi đứa con gái Ka Mai đi rừng về để đong gạo cho ngày mai. Một ngày như mọi ngày. Mọi ngày lê thê suốt mười mấy năm nay, con bệnh vẫn không ngớt hành hạ khiến K’Nhung không lê nổi bước chân ra khỏi nhà để đỡ đần cho con. Kiếp người, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng với hoàn cảnh K’Nhung thì nỗi đau riêng cứ đeo bám, ám ảnh cả ngày lẫn đêm, chẳng chịu buông tha. Thật khốn khổ bởi K’Nhung đã gần như mất hết khả năng lao động, dù chỉ làm một việc nhẹ ngoài nương rẫy để đón nhận chút niềm vui khuây khỏa. Mỗi giờ phút trôi qua đời K’Nhung là mỗi giờ phút tràn về một thời quá vãng bất hạnh, vật vã những nguồn cơn thân phận như đến tột cùng…
Thuở còn dắt díu trên tay ở nơi buôn khác theo ba mẹ về ở thôn 8, xã Madaguôi,  K’Nhung vẫn còn nhớ như in. Tuổi thơ dịu ngọt theo từng mùa rẫy, con trăng, K’Nhung lớn lên. Rồi nên dáng, nên hình, cũng lực lưỡng và khỏe mạnh như những trai làng khác trong buôn. Ở làng bên có một sơn nữ đẹp ngươi, đẹp nết để mắt đến K’Nhung. Gặp duyên được bắt về làm chồng. Người vợ là người Mạ bản địa tâm đầu ý hợp, chịu khó làm ăn. Làm quần quật cả ngày, bất kể sớm tối không hề biết mệt để mong chăm lo, cải thiện đời sống hạnh phúc nhỏ nhoi của mình. Hai đứa con gái Ka Mai và Ka Mảm lần lượt chào đời sau sáu năm họ chung sống với nhau. Người làng kể rằng, hồi ấy hai “sóc con” của họ như những thiên thần nhỏ, ngày ngày nũng nịu trên lưng, trên tay ba mẹ lên nương xuống rẫy. Cuộc sống đang hứa hẹn một ngày mai sung túc thì bỗng dưng tai họa ập đến. K’Nhung ngã bệnh tim, thận và cả bộ phận tiêu hóa đau quằn quại kinh niên lúc anh chưa đầy ba mươi tuổi. Lần đó sau một ngày lao động quá sức, K’Nhung bỗng choáng lả mệt người, nằm bất tỉnh trên rẫy vườn. Trời kéo bóng đêm tối mịt không thấy đường về nhà, người làng bủa đi tìm đưa anh đi trạm xá điều trị. Bệnh K’Nhung vẫn đang âm ỉ đau thì ba năm sau, nghịch cảnh tang thương lại bao trùm. Vợ K’Nhung đột ngột phát bệnh ung thư, chạy chữa khắp nơi nhưng không vượt qua khỏi. Cảnh đời sinh ly tử biệt, gà trống với con thơ dại, khó lòng ai cầm được nước mắt. Mồ côi mẹ, Ka Mai mới sáu tuổi, vừa bên cạnh người họ hàng hết mực lo lắng bệnh tật của ba, vừa chăm nom đứa em gái đang lúc thèm thuồng sữa mẹ. Dần dần gánh nặng dồn lên vai tuổi thơ Ka Mai từ đó đến nay đã chín năm ròng…
K’Nhung nói chuyện mỗi lúc mỗi khó nhọc hon trong từng hơi thở của mình: “ Hiện thời tôi là người đủ tay đủ chân vẫn như không. Căn bệnh hiểm ác đã giam hãm tôi ở nhà suốt mười ba năm không rời…” Dõi mắt ra ngoài kia, trời đang ngả về chiều mà lòng đất Đạ Huoai vẫn hầm hập bốc nóng. Quanh buôn làng, những con đường uốn lượn, những mài nhà lô nhô dưới cánh vườn điều, K’Nhung cũng có thể ra ngoài đôi chút, nhưng nói để rảo bước giáp vòng là vô cùng khổ sở, bệnh sẽ quật ngã lúc nào không hay. Xa kia- những vạt rừng- nơi Ka Mai bòn mót từng đồng bạc thì chưa biết khi nào K’Nhung đủ sức đặt chân đến. Một điều quá đơn giản với người khác lại là khát vọng quá lớn của K’Nhung. Vậy mà…giờ đây, Ka Mai cũng đang về đến nơi. Mồ hôi đẫm ướt cả áo, chảy ròng ròng quanh khuôn mặt cháy của đứa trẻ gái tuổi mới mười lăm. Một gùi măng tươi lăn lóc, cột dính vật vưỡng đằng sau chiếc xe đạp chạy thẳng ra sau hiên nhà. Tôi chưa hỏi chuyện ngay vì trông Ka Mai hãy còn khá mệt. Lúc này giọng nói K’Nhung như gượng sức nấc lên:
-Ka Mai đã về. Chắc hôm nay măng rừng tìm khó quá nên mới trễ hẹn với các anh !
-Thường mỗi ngày bán được bao nhiêu tiền ?-tôi hỏi
-Đi từ sáng sớm đến chạng vạng tối may ra được lưng gùi măng, kiếm được mười lăm đến hai mươi ngàn.
Thì ra tôi mới hiểu rằng, đã sắp sửa bước vào năm học mới rồi, Ka Mai phải cố lên để dư ra vài ngàn đồng bỏ thêm chút đỉnh vào con heo đất mua sách vở, quần áo cho mình và cho em để kịp ngày khai giảng. Năm nay, Ka Mai mười lăm tuổi, bước lên lớp chín và em gái Ka Mảm bước lên lớp sáu. Hai chị em học chung trường trung học cơ sở xã Madaguôi. Trường cách nhà không xa lắm, nhưng để không bỏ học buổi nào, hai chị em phải bằng ý chí vượt khó mà ít đứa trẻ cùng lứa nào khó có thể hình dung ra hết. những năm đầu mẹ mất, ba khô héo vì bệnh tật, Ka Mai tự bảo mình phải theo chân người cô ruột vào rừng mưu sinh. Một buổi học, một buổi luồn sâu vào rừng. Tối về thức giấc ru em, vỗ về từng giấc ngủ. Tới lúc rồi măng rừng, que củi ở quanh làng, quanh xã cũng phải hết. Ka Mai tích góp được một trăm ngàn đồng mua chiếc xe đạp để vào tận những cánh rừng cách nhà gần mười cây số. Nhưng ăn của rừng rưng rưng nước mắt bở bao bất trắc, rủi ro đâu có loại trừ tuổi thơ bận bịu. Rừng thẳm, suối sâu, mưa nguồn, gió bấc, nhiều lần Ka Mai bị ngã quỵ trong những cơn sốt rét dài ngày. May mà có trạm xá cấp thuốc miễn phí, và có lẽ cũng nhờ trời thương mà Ka Mai lại mau chóng gượng dậy, bình phục và lại tất tả đi tìm sinh kế mới.
Ka Mai tâm sự: bắt đầu lên năm học lớp bốn, Ka Mai đã thành một người con, người chị thay mẹ quán xuyến, lo toan hết mọi việc trong nhà. Trước kia nhà có ba sào ruộng nước phải bán hết lo thuốc thang cho mẹ, cho ba. Mẹ không còn nữa chỉ còn lại ba nhưng lại mang căn bệnh kinh niên hoành hành cho đến bây giờ. Người cô ruột cũng đang lúc gặp khó khăn, không thể cưu mang cả nhà Ka Mai được mãi. Hai bên ông bà nội- ngoại đã vội vàng từ giã cõi đời ra đi hết. Vậy là lao động chính trong nhà chỉ trông chờ vào Ka Mai, chứ có còn ai khác nữa đâu. Sớm ý thức điều này, hàng năm Ka Mai chọn việc làm theo hai mùa vụ. Từ tháng bảy đến tháng mười vào rừng lượm củi, hái măng. Những ngày tháng còn lại làm thuê đủ việc cuốc cỏ, hái điều…Hàng ngày giấc ngủ của Ka Mai rất hạn chế. Sáng dậy từ bốn, năm giờ. Tối đến mười, mười một giờ khuya mới lên giường ngả lưng thiếp mắt. Lo mỗi ngày ba bữa ăn tối thiểu phải có hai ký gạo và năm ngàn đồng tiền thức ăn rau, mắm. Nhiều lúc trông thấy ba lên cơn đau hành hạ thể xác, nuốt hạt cơm không trôi. Ka Mai lại chạy ra thị trấn mua tô cháo, bát phở về, động viên ba ráng ăn cho đỡ phần suy kiệt. Hôm sau, Ka Mai lại lặng lẽ lao động quá giờ hơn để bù lại khoản tiền thiếu hụt đó, bởi nếu ba biết sẽ buồn khổ nhiều, kẻo bệnh nặng thêm.
Khó khăn muôn vàn, song Ka Mai đã biết vượt qua, đạt thành tích cao trong học tập bằng chính nghị lực của mình. Sắp xếp từng giờ phút vàng ngọc, Ka Mai chỉ dẫn cho em học xong mới đến lượt mình tự học. Năm học lớp tám, Ka Mai còn theo đều đặn một lớp học thêm do một tổ chức từ thiện ở địa phương đứng ra tổ chức. Trong căn nhà che nắng che mưa được ngăn thành một phòng ngủ kê hai chiếc giường. Giường bên này, hai chị em Ka Mai đặt bên trên một thanh giá gỗ, sắp xếp sách vở thành từng hàng gọn ghẽ; cạnh đó là những tấm giấy khen thành tích học tập, về tấm gương vượt khó. Tôi đọc kỹ mới biết, Ka Mai liên tục đạt học sinh giỏi những năm cấp một và đạt học sinh tiên tiến những năm cấp hai. Ka Mảm cũng chẳng thua kém gì người chị, đạt tiên tiến trong năm năm liền học cấp một. Ở giường sát bên của người ba lúc nào cũng treo bên vách những vỉ thuốc tây đủ loại, bởi “thiếu thuốc, ba ăn uống rất khó khăn, ngủ không tròn giấc”- Ka Mai nói.
Tháng 7/2003, xem truyền hình thấy Ka Mai được tuyên dương trong cả nước về tấm gương hiếu thảo nuôi ba ở vùng sâu, cả buôn làng mừng lắm. “Ra Đà Nẵng một tuần lễ, dự xong liên hoan được đi phố cổ Hội An, được lên núi Ngũ Hành Sơn; ăn những món ngon vật lạ đầu đời; lại thương nhớ đến ba, đến em ở nhà vất vả, thiếu thốn…” Nghĩ vậy nên hôm sau khi về đến nhà là Ka Mai băng ngay vào rừng kiếm cho được đầy gùi măng mới chịu trở về. Và lại một ngày mới nặng trĩu trên đôi vai nhẫn nại, Ka Mai không nề hà, than vãn. Cháu chỉ ước ao được học đến nơi đến chốn, sau này kiếm một công việc phù hợp hơn để giúp đỡ, tạo dựng cuộc sống ổn định cho ba, cho em mà thôi…”
…Trời dịu nắng. Những luồng gió nồm thổi từ đằng đông mát rượi dần lên. Tôi thầm cảm kích nghị lực tuổi thơ của Ka Mai và gửi gắm vào cháu một lời chúc cho trang đời mới ngày mai. Ka Mai lễ phép sau lời cám ơn rồi bước ra sau vườn tất bật gọt măng, chuẩn bị đem bán đong gạo cho bữa ăn tối cho cả gia đình. K’Nhung nhấc từng bước chân tiễn tôi ra trước sân nhà, giọng thì thào thương xót : “Thấy con khổ quá mà tôi chẳng biết nói sao, chẳng biết dường nào…”
Đạ Huoai- Đà Lạt tháng 8/2003