Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Tiếng lành Ka Liêu

VĂN VIỆT

Từ Đà Lạt tôi “phôn” về phòng khám khu vực Nam Ban ( Lâm Hà) xin được gặp bác sĩ Ka Liêu. Đầu dây bên kia đáp lời : “Hàng ngày nơi đây đón nhận lượng người khám bệnh rất đông. Ka Liêu bận rộn lắm, may ra sau giờ hành chính mới tiếp khách được !” Tôi lựa chọn nhanh cuộc hẹn trưa hôm đó ...

Trưa hè Nam Ban dìu dịu nắng, Ka Liêu trong “y phục” trắng trong, bước ra từ phòng khám đón tôi sau ánh cười như thân thiện từ lâu rồi. Quả tình nghe tiếng lành về Ka Liêu khá nhiều, nhưng hôm ấy lần đầu tiên tôi mới gặp mặt. Đó là một con người hồn nhiên, chất phác như con suối nguồn giữa núi rừng muôn đời chảy mãi :“Chưa góp sức được gì lớn lao đâu. Ka Liêu trưởng thành một bác sĩ như hôm nay là nhờ gia đình, buôn làng…Biết bao giờ mới báo đáp được trọn ân nghiã này…”
*Từ Phi Tô…
Ka Liêu bảo rằng tuổi thơ của mình vất vả, khó khăn gấp trăm vạn lần so với bây giờ. Chào đời sau một năm tròn đất nước thống nhất tại buôn RJông Tô ( xã Phi Tô, Lâm Hà), Ka Liêu ( người dân tộc K’Ho) lớn lên giữa triền miên nhọc nhằn, lam lũ của mẹ-cha. Bao năm buôn làng vẫn hoang sơ quá. Khi mới lên mười, Ka Liêu phải bàng hoàng nhìn thảm cảnh dịch sốt rét ập xuống, hậu quả lũ làng hớt hải chạy đưa hết người này đến người khác lên huyện, lên tỉnh cấp cứu. Vì phát hiện chậm trễ khiến đứa trẻ trong họ hàng Ka Liêu bị chết oan nghiệt trên đường lên bệnh viện. “Bỗng dưng khi ấy tôi cứ nằm mơ thấy mình hóa thành một người thầy thuốc có mặt kịp lúc khống chế dịch bệnh cho dân làng mình !”-Ka Liêu như vẫn còn ám ảnh. Dẫu giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ nhưng tự thân nó đã âm thầm nuôi dưỡng trong nghị lực, ý chí của cô bé Ka Liêu xuyên suốt đến hết năm thứ mười hai trên ghế nhà trường phổ thông. Thời gian nối theo thời gian đến mùa hè năm 1994-Ka Liêu mừng không xiết kể khi nhận giấy báo nhập trường Đại học Y khoa Tây Nguyên tại Buôn Mê Thuột. Rồi miệt mài bảy năm “sôi kinh nấu sử” cũng vượt qua-năm 2001, Ka Liêu được ra trường, được toại nguyện cầm trên tay tấm bằng bác sĩ đa khoa bước vào đời.
Bác sĩ Ka Liêu tình nguyện trở về phục vụ buôn làng nơi sinh ra mình như ước mơ một thời ở tuổi thần tiên. Là một bác sĩ đầu tiên của xã Phi Tô này (chiếm 95% đồng bào dân tộc thiểu số), mọi việc phòng-chống dịch bệnh tại chỗ gần như phải bắt đầu ở vạch xuất phát với Ka Liêu. Một ngày kiên nhẫn như mọi ngày, Ka Liêu lặn lội đến buôn trên làng dưới, vào từng nhà rồi ra rẫy vườn gặp gỡ từng người tư vấn phòng chống bệnh tật, xóa bỏ hủ tục chữa bệnh bằng cúng bái, lên đồng. Nóng nhất bấy giờ là phải chặn đứng dịch sốt sét trong cộng đồng. Ka Liêu hướng dẫn người dân cặn kẽ từ cách diệt loăng quăng trong những lu khạp đựng nước trong nhà, ngoài sân vườn; đến những chiếc mùng phải tẩm hóa chất, giăng mắc khi ngủ; việc phát hiện triệu chứng nóng sốt cần đưa người bệnh lên ngay trạm xá xã...Bên cạnh đó là tình trạng tai biến sản phụ vẫn thường khi xảy ra. Thai nhi không được khám, theo dõi định kỳ; cứ vô tư chờ khi nào “khai hoa nở nhụy” đến thì…sẽ đến. Bất kể lúc đó sản phụ đang hì hục cuốc trên rẫy vườn hay đang đi ngoài đường. Có lúc ráng lê thân về tới được nhà nằm vật xuống sàn, kịp gọi bà “mụ vườn” đến đỡ đẻ bằng phương pháp thủ công. Nhưng vẫn còn may hơn với không ít người khác vì gặp tình thế “bất khả kháng” lỡ đường, đành chọn nơi bụi rậm chui rúc vào, cứ buông xuôi theo bản năng vật vã tự nhiên đưa em bé lọt lòng mẹ chào đời. Những lúc này người mẹ tự dùng chiếc nan lồ ô làm “y cụ” để cắt rốn con mình. Dường như mọi sự định đoạt sinh mạng cho cả mẹ và con trong những thời khắc như vậy đều phó thác cho Giàng ( Trời) !
Trường hợp các sản phụ Ka Niềm, Ka Diễm, Ka Sòn…được đỡ đẻ mẹ tròn, con vuông là những dấu lặng khó quên trong nghề bác sĩ Ka Liêu. Người này mắc cỡ không chịu để bác sĩ Ka Liêu thay thế bà “mụ vườn”. Người kia đã gọi dòng họ đôi bên chồng-vợ cúng Giàng 2 ngày 2 đêm giữa dồn dập những cơn đau quặn thắt mà không sao đẻ được. Người nọ bị bà “mụ vườn” “làm việc” mấy ngày đêm liền đến kiệt sức. Tất cả lần lượt chuyển đến Trạm y tế xã Phi Tô. Bằng tấm lòng một lương y, trách nhiệm một người con bản làng, Ka Liêu đã tận tụy cứu sống họ qua những cơn “thập tử nhất sinh”. Tiếng lành đồn xa. Phụ nữ mang thai khắp thôn buôn trong xã Phi Tô xôn xao bảo nhau lên trạm y tế để bác sĩ Ka Liêu bắt mạch, kê đơn cấp thuốc, đỡ đẻ…Không ngại sớm hôm khuya tối, ân cần chăm sóc từng người có kết quả thể hiện trên phác đồ điều trị, K’Liêu còn tranh thủ phổ biến, giải thích chương trình kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc-bảo vệ bà mẹ trẻ em. Cứ thế 2 năm sau-năm 2003, bác sĩ trẻ Ka Liêu đã đóng góp đáng kể cho chương trình y tế thôn bản: Đỡ đẻ thành công 15 ca đẻ khó và cả trăm ca đẻ thường khác; giám sát và giảm mạnh dịch bệnh sốt rét, bướu cổ…ở mỗi gia đình, chống những phong tục tập quán lạc hậu; chuyển lên tuyến trên kịp thời cấp cứu những bệnh nhân nặng; khám bệnh, hướng dẫn chế độ chăm sóc cho cả vạn lượt trẻ em…
Tháng 02-2004, nữ bác sĩ Ka Liêu 28 tuổi vinh dự bước lên bục tài năng giành cho 5 nhân vật xuất sắc nhất trên toàn quốc nhận giải thưởng Kova lần thứ 2. Giải thưởng này được thành lập năm 2002 ( tổ chức 2 năm một lần) do nguồn quỹ tài trợ của các Công ty Sơn Kova tại Hà Nội, TP HCM. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước làm Chủ tịch Hội đồng giải thưởng.  
*…Đến Nam Ban
Ka Liêu được tổ chức chuyển công tác đến Phòng khám trung tâm 5 xã, thị trấn Nam Ban ( Bệnh viện huyện Lâm Hà) đã gần một năm rưỡi qua. Phân viện này có 3 bác sĩ -nhưng 01 người phải đi học thường xuyên-hàng ngày phải khám bệnh, kê toa từ 60-70 người từ trẻ em đến người già, cán bộ hưu trí…Chưa kể phải điều trị nội trú 8 giường lưu bệnh nhân, trong đó có 4 giường sản phụ. Ap lực công việc lớn quá, mất một nửa thời gian ban đêm trực ở lại phòng khám. Nửa thời gian ban đêm còn lại về được nhà riêng ở buôn Rjông Tô ( xã Phi Tô-cách nam Ban hơn 10 cây số) nhưng ít khi được nghỉ ngơi. Bà con đã tự xác lập một niềm tin rằng bác sĩ Ka Liêu cho thuốc, chữa bệnh rất “mát tay” nên vẫn đến sắp hàng khám bệnh tại nhà riêng. Có trường hợp gặp trái gió trở trời lúc đêm hôm khuya khoắt, Ka Liêu vẫn tất tả đi thăm khám như đối với người ruột thịt trong nhà. “Ka Liêu chỉ lấy tiền thuốc theo giá vốn; không lấy công tiền khám bệnh đâu !“ Người ta có nợ tiền thuốc, tiền công Ka Liêu nhiều không ? Ka Liêu nói :“Có người đến mùa màng thu hoạch là trả tiền ngay. Nhưng có người gặp túng thiếu quá, mấy mùa cà phê rồi chưa trả được, mình im im rồi cho họ luôn. Thôi nói ra số tiền người ta nợ mình bao nhiêu thì ngại lắm. Giống như kể công vậy. Không nên đâu. Mình bảo vệ được sức khỏe, cứu được bệnh tật của đồng bào buôn làng mình là sung sướng còn gì bằng hơn !”
Với bác sĩ Trần Đình Hùng, Trưởng phòng khám Nam Ban thì “bác sĩ Ka Liêu là người rất hăng say trong học tập. Đam mê nghiên cứu khoa học. Thường xuyên vận động tư duy, bản lĩnh trong nghề nghiệp…” Quả vậy, có thể gói gọn lại một cảm nhận rằng, bác sĩ Ka Liêu đang hứa hẹn những triển vọng mới cho việc chăm sóc y tế nơi buôn làng. Trước khi chia tay, tôi tò mò một chút riêng tư của nữ bác sĩ Ka Liêu đã bước sang tuổi “tam thập nhi lập rồi”. Mấy ai nghĩ rằng đó là câu tự sự “…Dạ chưa, anh ạ! Còn phải trau luyện nghề nghiệp nhiều hơn nữa rồi…mới tính đến việc lập gia đình riêng !”
Nam Ban- Đà Lạt Tháng 7/2005