VĂN VIỆT
Tôi
thơ thẩn soi mắt tìm người em gái tôi giữa biển người Sài Gòn ngày đêm cuồn cuộn.
Không có địa chỉ đường phố, số nhà; mơ hồ ở khu vực chợ đò, bến xe, quán rượu-bia,
cà phê vỉa hè…các quận ven đô Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận… Mênh mông quá, nhưng
từ trong nội tâm tôi vẫn tin rằng sẽ ứng nghiệm với những lời cầu may mỗi khi
tôi len lỏi rồi chạy vụt ra đường.
Người
ở quê tôi bảo, em tôi băng vào đô thành kiếm tiền đường đột quá, không một lời ca
thán hoặc mách báo trước cho ai hay. Mới mùa gặt này, người ta vẫn gặp thấy em
bì bõm đồng cạn, đồng sâu, hứng nhặt từng hạt thóc vào nhà. Vậy mà mấy ngày
sau, em bỏ đi mất biệt. Nhà em nghèo lắm, chồng đau bệnh liên miên, ba đứa con
còn thơ dại. Mình em lặn lội phơi lưng, lầm lụi nắng mưa với bùn đất. Chưa đến
tứ thập mà người em tôi trông như cụ bà lao lực đã qua vòng giáp sáu mươi rồi.
Ráng nhìn em lâu hơn, vẫn còn ánh lên đôi mắt đen nhánh nhưng sâu hõm như một bờ
vực. Đôi hàm răng trắng xanh, nay cười lên khó mà tìm thấy đôi lúm đồng tiền của
cô thôn nữ ngày nào còn tung tăng đến trường. Mười hai năm đi học chữ phổ
thông, em tôi thi thoảng mới tay lấm chân bùn lúc hè đến hay cốt để thư giãn
sau mùa thi căng thẳng. Được cha mẹ cưng chiều, em tôi trắng da dài tóc từng
ngày cho đến tuổi trăng tròn…
Hồi
đó em tôi rất thích duy nhất với chiếc cặp da màu xanh da trời; dù sau mỗi học
kỳ được cha mẹ mua cho cái mới. Em bảo, chiếc cặp da màu xanh mỗi ngày cắp sách
vở đến trường sẽ làm mình dịu vơi bớt cái nắng gió ngập đầy ở xứ miền Trung. Rồi
năm tháng đi qua, lấy xong tấm bằng tú tài, em tôi lại loay hoay chưa kịp bước
chân vào giảng đường đã…vội lấy chồng. Và rồi…năm tháng đi qua, em tôi già
nhanh trước tuổi. Ruộng đồng thất bát, khổ quá, em tìm đường vào Sài Gòn mong
bán được giọt nước mắt, mồ hôi để gom góp từng đồng tiền nhỏ gửi về nuôi chồng,
lo con ăn học cho sau này. Nhưng em đã vào đây làm gì để kiếm tiền, em không
nói (?!)
Bằng
cảm quan của mình, tôi để ý những người đi bán trái cây, vé số dạo… thường
khoác chiếc áo sơ mi bên ngoài để chắn gió bụi, mưa sa giữ khô ấm cho tấm áo
bên trong. Người miền Trung quê tôi là vậy. Hỏi thăm rồi hỏi thăm hết người bán
dạo này đến người bán dạo khác có dáng vẻ hao hao với nhau, cuối cùng tôi cũng
tìm được em tôi hành nghề…bán vé số dạo. Trời ơi! Bán vé số dạo mà phải vào tận
chốn Sài Gòn này ư ? Ở đây người chỉ biết người thôi, chưa mấy ai rõ mặt nhau
như người quê mình !-Em tôi nói vậy.
Đến
được nơi trú thân của em tôi phải loằng ngoằng tăm tối qua mấy bãi tha ma. Ở
thuê khu nhà ổ chuột, chiếc mùng, tấm chiếu và mấy bộ quần áo sờn cũ mang theo
còn vương mùi rơm rạ. Nhưng còn chiếc cặp da này em cũng đưa theo từ quê ? Không, em vào đây mới mua để đựng vé số, sổ
dò số và tiền đồng lẻ...Mua cái màu da sần sùi màu vàng này đi dạo bộ giữa phố,
vào quán xá mời mọc, van vỉ… người mua số họ dễ nhận ra hơn và đượm được màu bụi
đất, không sợ lấm lem nữa anh ạ. Tôi ngậm ngùi nén xúc động vào tận đáy lòng
sâu kín nhất. Chiếc cặp da ngày xưa của em tôi giờ đâu còn nữa ?! Mới đó mà đã
hai mươi năm rồi nhỉ ?! Sài Gòn- Đà Lạt Tháng 6/2005