Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Nguồn Sáng mới trên phố hoa

Ghi chép VĂN VIỆT

Khoác chiếc áo bờ-lu trắng vào người, Phương khẽ nói với người bạn gái Hồng Quế: “Nối điện giúp vào các thiết bị để anh massage cho khách. Và nhớ mở nhạc nhẹ, âm lượng vừa nghe thôi nghen!” Thật hạnh phúc khi làm theo lời của Phương. Hồng Quế thường tâm sự: “Một chi tiết nào trong công việc, anh Phương cũng đều phải chu đáo mới chịu.” Nhìn họ, tôi thấy cuộc sống càng đáng yêu, đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Một nam thanh niên khiếm thị cả đôi mắt đã bắt gặp một nguồn sáng từ cô sinh viên đại học Đà Lạt. Và chỉ có tình yêu đích thực của họ mới sớm xây đắp nên cơ sở vật lý trị liệu “Nguồn Sáng” trên phố hoa đầy chất huyền thoại này. 

Tên đầy đủ của người thanh niên khiếm thị ấy là Trần Bình Phương, năm nay hai mươi sáu tuổi, hiện là chủ cơ sở vật lý trị liệu “Nguồn Sáng”, số 37/6, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt. Năm mười ba tuổi trong một lần nhổ răng, Phương không may bị động dây thần kinh làm hỏng đôi mắt do bất cẩn của một người nha sĩ tại Đà Lạt. Chạy chữa nhiều nơi nhưng vô phương, đành chấp nhận vĩnh viễn mù lòa. Tuổi niên thiếu nặng nề đi qua trong bóng tối bịt bùng vây hãm. Trong lúc gần như tuyệt vọng, gia đình đã gắng sức tích góp được một số tiền rồi động viên Phương tiếp tục đi học ở Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM. Từ môi trường của những người đồng cảnh ngộ nơi đây, dần dần đã thổi bùng trở lại trong Phương khát vọng sống có ích cho mình, cho đời. Đến hôm nay, giữa dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống hàng ngày, Phương đang hòa mình với những bước đi vững vàng hơn, hứa hẹn nhiều tương lai phía trước.  

CHINH PHỤC BÓNG ĐÊM TẬT NGUYỀN

Cơ sở Nguồn Sáng Đà Lạt tọa lạc giữa không gian thật yên tĩnh, dù chỉ cách đường phố lớn Phạm Hồng Thái chừng vài chục mét. Đó là một căn nhà rộng hơn năm mươi mét vuông, “ông chủ” Trần Bình Phương đã đầu tư vào đó hơn 20 triệu đồng. Nhưng để được như ngày hôm nay, Phương phải vật vã hàng bao nhiêu năm trước số phận nghiệt ngã của mình. Mò mẫm từng con chữ nổi, miệt mài đi vào miền trí thức, lấy được tấm bằng cấp hai rồi bằng tú tài thì gia đình đã “đuối sức”. Chí học lên bậc đại học không thành, Phương buột lòng trở về Đà Lạt trong tâm trạng buồn tủi, biết định hướng sao đây?.
Phương nhớ lại: “Thương cha mẹ còn vất vả, khó khăn nhưng cứ ngồi co ro than thân trách phận mãi chỉ gây thêm dằn vặt, đau khổ cho mình. Chợt bừng tỉnh ra, còn nhiều số phận khiếm thị đang lâm cảnh bất hạnh hơn mình. Thế là mình đã vụt đứng dậy…” Hiểu ra mới thấy sự “vụt đứng dậy” của Phương thật diệu kỳ cho cuộc đời này. 
Ấy là vào năm 1999, Dự án “Vận động trẻ em khiếm thị đến trường” của Trần Bình Phương đã lay động mạnh tình cảm trong một bộ phận dân cư, nhất là ở phường 10, Đà Lạt. Tin này không mấy chốc đến được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và cơ quan này liền cử người đến hỗ trợ, giúp đỡ Phương hết mình. Thế là ngày ngày, Phương len lỏi đến nhiều ngả đường, góc phố điều tra, lên danh sách trẻ em khiếm thị bị thất học ( từ 6 đến 15 tuổi). Liên hệ lại những mối quen biết ở ngôi trường khiếm thị đã học ở TPHCM để được tiếp trẻ em khiếm thị Đà Lạt đến ăn, ở, học hành miễn phí. Họ chấp nhận, Phương hớn hở trở lại từng nhà thông báo, động viên họ cho con mình đi “xóa mù”. Ở địa phương, Công ty Vật tư tổng hợp Lâm Đồng tìm đến tài trợ 20 triệu đồng cho dự án. Kết quả sau 2 năm triển khai, Phương đã tập hợp được 40 thiếu niên khiếm thị ở Đà Lạt đưa về TP HCM học chữ. “Đến nay, các em vẫn say sưa học hành tiến tới. Không có em nào phải đáng tiếc bỏ học giữa chừng!”-Phương đoan chắc.
LẶN LỘI TÌM SINH KẾ

Thành công sau dự án giành riêng trẻ em khiếm thị đã nêu, Phương bắt đầu nghĩ đến công việc của những người khiếm thị lớn tuổi. Cơ sở Nguồn Sáng sản xuất chổi đót của Phương ra đời từ ý tưởng này. Cha mẹ của Phương rất “nhất trí cao” giao cho hẳn cho Phương căn nhà 50 mét vuông để làm ăn. Được sự “hậu thuẫn” của Phòng Tổ chức-Lao động thương binh xã hội Đà Lạt và sự hảo tâm của Bưu điện Lâm Đồng, của tiểu thương chợ Đà Lạt, Phương tiếp nhận 10 người khiếm thị về đây học nghề gia công chổi đót. Bản thân Phương cũng vừa học, vừa làm và vừa…tìm nơi tiêu thụ. Ba tháng sau, cơ sở sản xuất ổn định. 
Người lao động được tổ chức ăn bữa trưa tại chỗ, thu nhập hàng tháng mỗi người trên dưới 250 ngàn đồng. Dẫu số tiền kiếm được chỉ ít ỏi so với mặt bằng giá cả chung, song Phương đã tự cứu cánh cho mình và những người đồng cảnh thoát khỏi gánh nặng của gia đình, của xã hội. Công việc quây quần bên nhau thành một tập thể, cùng thắp lên một ngọn lửa nồng ấm tình người, san sẻ vơi đi những bất hạnh đã qua.
Nhưng cơ sở sản xuất chổi đót của Phương cũng phải bình đẳng nghĩa vụ đóng thuế nhà nước, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế môn bài. Để đủ chứng từ tài chính, Phương phải thuê thêm một kế toán về làm sổ sách báo cáo, hạch toán tại cơ sở, phải trả lương với mức tối thiểu có thể chấp nhận được. Sống được gần một năm, những “người thợ chổi đót” khiếm thị này đành phải chia tay nhau, bởi không thể cạnh tranh nổi với những cơ sở có thừa năng lực tài chính, dồi dào lao động giỏi bên ngoài. Và Nguồn Sáng phải tự đi tìm một khúc rẽ tiếp theo trong hành trình lặn lội mưu sinh nhiều thử thách. Đó là thời điểm vào đầu năm 2003.
NGUỒN SÁNG MỚI

Bấy giờ trong nhóm sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Đà Lạt đến giúp đỡ Nguồn Sáng, có sinh viên nữ Hồng Quế bỗng phải lòng tri âm tri kỷ với người thanh niên khiếm thị Trần Bình Phương. Hồng Quế kể thật: “Phương là người rất có chí tiến thủ, đầy bản lĩnh, thừa nghị lực nên em đã “đến” thật lòng. Không đơn thuần gọi là thương hại như nhiều người vội nghĩ đâu!”
Một huyền thoại bằng người thật, việc thật hiện ra giữa cuộc đời này phát sáng lung linh. Nghĩ đến xây dựng hạnh phúc cho ngày mai, đôi bạn Quế và Phương liền bàn bạc, đồng thuận chọn thời gian thích hợp cùng về TP HCM học nghề vật lý trị liệu liên tục trong 3 tháng. Hoàn thành xong khóa học này, tháng 8/2003, cơ sở Nguồn Sáng mới ra đời với dịch vụ massage tại chỗ và “lưu động” đến từng nhà khách hàng theo yêu cầu. Tất cả 5 phòng đúng tiêu chuẩn để hoạt động các dịch vụ gồm: trị mụn, nám, giác hơi, tắm hơi, xoa bóp, xông hơi mặt, toàn thân…với nhiều máy móc, thiết bị tân tiến. Từng khu vực thiết kế bài bản, kể cả hệ thống nghe nhạc đều lắp đặt ở vị trí thích hợp nhất, nội dung băng đĩa được chọn lọc kỹ…Khách đến phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng, làm đẹp…suốt một giờ đồng hồ chỉ tốn từ 15-20 ngàn đồng. Có lẽ trong cùng một dịch vu trên phố hoa Đà Lạt, chỉ có giá ở Nguồn Sáng mới “bình dân” đến như vậy?!
Dẫn tôi đi tham quan toàn bộ “dây chuyền dịch vụ”  rồi Phương cho biết: “Tổng kinh phí đầu tư hơn 20 triệu đồng, huy động từ nguồn vốn của gia đình, người thân và bạn bè mới được quy mô như thế!” Nguồn Sáng mới vừa “mở cửa”, Phương tiếp nhận ngay 6 người khiếm thị đến làm việc, ăn-ở tại chỗ, trả lương hàng tháng. Trong số đó có vợ chồng Phạm Hoàng Thông và Nguyễn Thị Ngọc Hường đã gắn bó với cơ sở, có cuộc sống tương đối ổn định. Hạnh phúc của Thông-Hường đang được nhân lên khi vừa sinh được cháu bé trai khoẻ mạnh, trông kháu khỉnh lắm. Và đây là Phan Thanh Hiến, 31 tuổi, mới nhận vào học nghề tâm sự: “Qua tổng đài 1080 biết được cơ sở Nguồn Sáng, em xin lên học nghề và được Phương-Quế nuôi ăn-ở tại chỗ, lại không lấy tiền “học phí” nữa. Ơn này em ghi nhớ suốt đời!”
Tiếp xúc mới cảm nhận nhiều hơn những suy nghĩ, mong ước của Trần Bình Phương rằng, đích đến của cơ sở là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng để bền vững tồn tại và phát triển. Lúc đó điều kiện việc làm cho người khiếm thị sẽ thu nhận đông thêm. Nguồn Sáng sẽ trở thành một mái nhà chung cho những người cùng số phận không may như “ông chủ” Phương. Tôi tin điều đó sớm thành hiện thực trong tương lai gần; bởi bây giờ bên cạnh Phương còn có Hồng Quế đi sánh bước. Hai gia đình Phương-Quế đã “gặp gỡ” nhau và chỉ chờ “ngày lành tháng tốt” sẽ tổ chức xây dựng hạnh phúc trọn đời cho đôi trẻ. Vâng, người thanh niên khiếm thị Trần Bình Phương không chỉ vượt lên số phận chinh phục được bóng đêm tật nguyền mà đã tìm được một nguồn sáng mới cho cuộc đời tươi đẹp của mình. Mới hay, giữa thời buổi hiện đại này vẫn hiện lên những câu chuyện cổ tích ngọt ngào, lắng lại đến muôn đời….Đà Lạt Tháng 02. 2004