Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Cô gái bắt bướm làm tranh

VĂN VIỆT

Thật ngạc nhiên khi tôi gặp được cô gái bắt bướm làm tranh của xứ chè B’Lao xanh xanh bất tận. Cả quãng đời tuổi thơ của cô mải miết theo những cánh bướm muôn màu lượn bay. Để rồi khi vào đời, bươm bướm đã theo cô trang trí hương sắc cho muôn người thưởng lãm.   
*Thuở hai buổi đến trường…
Cô gái tên Vũ Thị Nguyệt Anh, sinh năm 1979, tại vùng đất Lộc Châu, Bảo Lộc. Hiện giờ mặt tiền của nhà Anh là phòng tranh bướm mỹ nghệ, số nhà 16/2, Quốc lộ 20. Phía sau khu vườn cây của gia đình mở ra một khoảng không gian khoáng đạt cho muôn loài bướm phô diễn sắc màu. Anh kể rằng thuở niên thiếu ấy, Anh mê lắm khi ngày ngày đuổi bướm sau nhà ( nhưng không phải trốn học đâu nghe !). Cứ tan trường về bỏ cặp vào nhà là chạy vụt nhanh ra vườn. Kia là con bướm vàng xòe đôi cánh, vờn bay quanh khóm bưởi sau nhà. Này là con bướm trắng dập dờn giữa luống chè xanh non, luống cà phê rực sáng màu hoa. Rón rén bắt từng con bướm ép lên từng trang nhật ký đời học sinh. Sao mà trong trẻo, thân thương quá ! Cao nguyên B’Lao mỗi năm chia thành hai mùa mưa-mát đều đặn. Mùa mát bướm bay thành đàn, dạt dào theo gió cuốn mây bay. Mùa mưa, bướm liệng là đà trên ngọn cây, lá cỏ, nhiều vô kể. Thiên nhiên B’Lao thật phóng khoáng cho một khoảng trời tự do để bươm bướm sinh sôi, nảy nở.

      Cô nữ sinh Nguyệt Anh ngày xưa ấy lại còn say sưa với đường kim mũi chỉ, thêu dệt những hình vẽ cỏ cây, hoa lá hiện trên chiếc khăn tay, tấm áo gối, rồi đến những bức tranh tự sáng tác với những cảm hứng, cắt nghĩa riêng mình. Có tranh thêu, có bướm ép tự nhiên, Anh cho cả  hai “trường phái” cùng “phối duyên” với nhau thành một bức tranh mỹ nghệ bướm hoàn chỉnh, tô điểm trong phòng khách ngôi nhà gia đình. Bộ sưu tập tranh mỹ nghệ bướm đầu tiên của Nguyệt Anh là bức hoành phi câu đối, mỗi hàng sắp xếp 5 con bướm nho nhỏ, xinh xinh, sắc màu lung linh trên từng đôi cánh bướm được giữ gần như tươi nguyên. Dưới nền tranh vải nổi lên những đường thêu “điểm xuyết” hình thân cây cổ thụ, biểu trưng cho sự bền vững muôn đời. Tác phẩm đầu tay được nhiều người từ trong gia đình đến bạn bè, người quen động viên, khen ngợi; Anh phấn khởi lắm. Chỉ trong thời ngắn sau đó, tranh thủ sau giờ cắp sách đến trường, cô nữ sinh này cho ra đời đến 10 tác phẩm tác phẩm tranh mỹ nghệ bướm với các chủ đề về phong cảnh, tình yêu, cuộc sống con người. Mùa xuân năm ấy, khách đến nhà chúc xuân, ngỡ ngàng trước nét đẹp khác thường ở tranh bướm, họ nấn ná không muốn về; chỉ một lời nằn nì cô nữ sinh Anh bán tranh cho. Và mấy ngày suy ngẫm sau đó, cô nữ sinh Anh đã nhận lời…
*Một ngày sẽ bay xa…
Những năm cuối cấp phổ thông trung học, việc học hành lấp kín hết ngày, hết đêm. Những giây phút hiếm hoi để làm dịu bớt sự căng thẳng bài vở, Nguyệt Anh lại chạy vù ra vườn bắt bướm làm được đôi, ba bức tranh. Lên học trung cấp nông nghiệp Bảo Lộc cũng vậy. Việc làm tranh mỹ nghệ bướm chỉ là một thú tiêu khiển sau giờ ”sôi kinh nấu sử”.
Năm 2000, Nguyệt Anh tốt nghiệp ra trường với chuyên ngành khoa chăn nuôi thú y. Cô không đi tìm việc ở đâu xa mà về chính trong khoảnh vườn-nơi sinh ra mình, nơi có tuổi thơ mình mải mê đuổi bướm. Cơ sở Anh Kim sản xuất mỹ nghệ tranh bướm của cô ra đời từ đây. Những kiến thức học được ở trường chuyên nghiệp, Nguyệt Anh đã thực nghiệm thành công phương pháp thụ tinh nhân giống các loài bướm trong môi trường tự nhiên. Đưa tôi xem một đôi con bướm khế, mỗi con có kích thước bằng đôi bàn tay người lớn xòe ra (có tên khoa học là attacus atlas linnaeus ), Nguyệt Anh chỉ những chi tiết phân biệt giữa con bướm đực ( râu to, bụng nhỏ, cánh nhỏ với nhiều màu sặc sỡ… ) và con bướm cái ( râu nhỏ, bụng phình to hơn…) Bằng kỷ thuật khéo léo, Nguyệt Anh “nhốt” những con bướm cái trong những thân cây chè, cà phê sau nhà. 
Mỗi ngày nghe mùi phấn lôi cuốn của con bướm cái bay đi, tự khắc những chàng bướm đực đua nhau tìm đến. Kỳ sinh nở, mỗi con bướm cái đẻ ra trên dưới 100 trứng. Giữ trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, từ một đến hai tuần sau, trứng sẽ nở thành sâu. Diễn tiến quá trình biến thái hơn một tháng sau, sâu cuộn lại thành kén. Thời gian cuối cùng từ một tháng đến một tháng rưỡi, kén nở thành bướm và tự vỗ cánh bay đi sau 24 giờ (đối với con đực ) và 48 tiếng đồng hồ (đối với con cái). “Khai thác phải đi đôi với bảo tồn, phát triển nguồn gien các loài bướm trong tự nhiên, mới cân bằng sinh thái một cách bền vững được !”-Cô chủ tranh bướm mỹ nghệ Anh Kim nói như sách vậy !

Bên trong diện tích vườn 01 sào đất cây trái tự nhiên, cô chủ Nguyệt Anh đang nuôi “thả rông” 50 loài bướm khác nhau. Bao giờ cũng chủ động với “nguyên liệu” bướm “nhân bản” rất lớn; với kỷ thuật giữ màu sắc của xác bướm được ép rất tươi, sống động vĩnh cữu, đã đưa mỹ nghệ Anh Kim hàng năm bán ra hàng trăm bức tranh các loại cho người dân địa phương, cho khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó gồm các sản phẩm chính: tranh thêu tay và bướm, tranh ghép cánh bướm, bộ sưu tập bướm. Những loại tranh bướm khế một con trong khuôn kính với giá bán chỉ vài chục ngàn đồng. Những cũng có rất nhiều bộ sưu tập một đàn bướm từ 40 con đến 50 con, xếp đặt theo “đội hình bay” như đang bay ở ngoài trời, giá bán từ một triệu đồng trở lên.
Kết thúc năm 2005, lần đầu tiên Mỹ nghệ tranh bướm Anh Kim ra Hà Nội tranh tài, đoạt được giải vào chung kết tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công toàn quốc. Trước đó, Anh Kim đã đoạt giải khuyến khích về sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo toàn tỉnh. Sang năm mới 2006, khá nhiều đối tác trong nước, các nước trong khu vực đã đặt hàng Anh Kim với số lượng khá nhiều. Và rồi đây, những cánh bướm của Anh Kim-nơi xứ trà B’Lao sẽ còn “vươn cánh” bay cao, bay xa hơn nữa…     Tháng 12.2005