Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Làng Hoa kiều Đà Lạt

VĂN VIỆT
Người Hoa kiều hay còn gọi là người Việt gốc Hoa thường tiếng tăm với những thương hiệu giàu có trên đất nước ta. Ở phố phường Đà Lạt, họ còn ăn nên làm ra với hệ thống những nhà hàng, tiệm ăn quanh năm nườm nượp thực khách vào ra. Nhưng còn có một làng Hoa kiều khác trên đất Xuân Trường anh hùng, họ đã sinh sống và làm giàu bằng nghề nông cần mẫn của mình .

Vượt lên những cơn dốc gồ ghề trong buổi sáng bảng lảng sương mù, tôi hỏi thăm nhà Trình A Dũng ở thôn Trường Vinh theo lời giới thiệu của chính quyền xã Xuân Trường. Một bà lão trên 80 tuổi ra hiệu lũ thanh niên học sinh hàng xóm đến gần để giúp bà nói chuyện với khách. Thì ra do không rành tiếng Việt, bà lão phải nhờ nhóm thanh niên làng “chuyển ngữ” sang tiếng Hoa mới giao tiếp được. Qua câu chuyện, tôi mới biết làng người Hoa ban ngày ít khi gặp đầy đủ chủ hộ hoặc lao động chính trong nhà. Bởi, bất kể mưa nắng, những người trụ cột trong gia đình đều ở lại trong vườn từ sáng sớm tinh mơ đến khi trời sụp tối mới về nhà. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết định đến cơ ngơi của A Dũng xem sao. Thật ngạc nhiên trước căn nhà xây 2 tầng hiện ra thật sang trọng. Có khách lạ, con gái A Dũng ra mở cửa mời vào nhà, nhã nhặn nói: “chú chịu khó nán lại chờ một chút, cháu đi gọi ba về!”. 

Tôi gật đầu đồng ý, cô gái xăng xái bước đi. Thoáng nhìn nét thư sinh hồn nhiên ấy, tôi tự trầm trồ trong bụng: “Quả đúng A Dũng là người giỏi giang nhất làng!”Nhưng khi A Dũng về mới vỡ lẽ ra suy nghĩ của tôi chỉ mới đúng một nửa. A Dũng năm nay mới 43 tuổi, dáng người tầm thước và nhanh nhẹn. Gặp phóng viên chưa vội nói gì nhiều, A Dũng đã phàn nàn trước: “Ối giời! Giá cà fé thê thảm quá, nay mai con cái sẽ vào đại học, làm sao mà đủ tiền chu cấp đây chứ!” “Thì người trồng café cả thế giới này sống được, mình cũng sống được, sao lại vội bi quan thế!”-tôi đáp lời. A Dũng chợt nhận ra: “À hé! Mình lại chưa nhìn xa, trông rộng rồi…”
A Dũng có đầy đủ đặc tính của người Hoa kiều luôn ham công tiếc việc. Mấy năm nay, nhà thu hoạch rất nhiều tấn café, nhưng anh chỉ giám bán nhỏ giọt để chờ đợi giá thị trường có khôi phục trở lại nữa hay không. Cứ nghĩ mà tiếc cái công chăm sóc càfé đã bỏ ra. Mới 4 năm trước đây thôi, A Dũng chỉ thu hoạch một mùa càfé là “sắm” ngay một căn nhà 2 tầng bề thế. Rồi mùa kế tiếp, xe Dream Hàn Quốc, thêm 1 chiếc honda 67 của Nhật để “lội” vườn lần lượt “tậu” về. Còn việc trang bị phòng ốc, phương tiện sinh hoạt trong gia đình thì cỡ nhà nghỉ “tầm tầm bậc trung” ở Đà Lạt chưa thể đủ “tư cách” để sánh vai. Nhà A Dũng có tất cả 7 người. Vợ A Dũng là Vòng A Mùi, năm nay 35 tuổi, một người cũng rất tháo vát bên cạnh cái kiên nhẫn không thua kém gì chồng. Nhờ vậy cả 5 đứa con đều được cắp sách đến trường, chẳng đứa nào từ nhỏ đến lớn phải không may lam lũ, cù bơ, cù bất cả!

Gia đình A Dũng đã đến đời thứ 3 sống bằng nghề nông trên đất Trường Vinh-Xuân Trường này. Thân phụ 76 tuổi và thân mẫu 72 tuổi của A Dũng vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Nhà A Dũng có 6 anh em, tất cả đều có cơ ngơi riêng biệt, nhưng họ sống với nhau trong một “đại đồng đường”, dựa theo nền tảng của quy chuẩn đạo đức gia đình, cộng đồng và xã hội. Đây cũng là tính cách đặc trưng hiện hữu của cộng đồng người Hoa. Họ chấp hành tốt pháp luật của nhà nước Việt Nam, sống đoàn kết, hòa nhập, giúp đỡ nhau vươn lên làm giàu. 
Bằng chứng là cả thảy 74 hộ Hoa kiều ở thôn Trường Vinh cộng với khoảng 30 hộ ở thôn Trường Xuân 1 và rải rác ở thôn Phác Chi, Cầu Đất, không hộ nào còn đói kém nữa. Hồi đó, những năm 40 của thế kỷ 20, do bối cảnh lịch sử chinh biến của thế giới, một bộ phận người Hoa đã đến sở trà Cầu Đất-Xuân Trường làm phu cho Pháp sau một thời gian định cư rải rác ở các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Đến nay đã đi qua hơn 6 thập kỷ, những thế hệ mới nối tiếp nhau trưởng thành, gắn bó với vùng đất này. Nếu như một lớp người Hoa thuộc bậc “già làng” hiện thời như cụ ông Từ Hải Báo, 78 tuổi và gia đình đứng “đầu bảng” về sản xuất giỏi, thì thế hệ kế tiếp đã chứng tỏ sự kế thừa kinh nghiệm rất hiệu quả của mình. Câu chuyện triệu phú của Trình A Dũng như vừa nêu trên không chỉ có một, ngược lại bên cạnh đó còn nổi lên  Voòng A Cẩu A, sinh năm 1950 và đặc biệt người có nhà lầu to nhất làng chính là Châu Triều Ý, sinh năm 1955, chứ không phải Trình A Dũng như suy nghĩ chỉ đúng một nửa của tôi lúc vừa đặt chân đến làng này…

Còn thế hệ thứ ba hiện nay của người Hoa kiều thì sao? Người làng cho biết: mới đây 3 cử nhân vừa ra trường, trong đó 2 cử nhân ngoại ngữ anh văn đã có việc làm, còn lại 1 quản trị kinh doanh mới bắt đầu tìm việc. Một nữ sinh trung học, tên Hồ Thị Mai còn thổ lộ thêm : “Hè tới, đã là năm học cuối cấp rồi, cháu mơ ước thi đỗ vào ngành sư phạm, trở thành cô giáo, được trở về Xuân Trường anh hùng, đóng góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương.” Tôi hiểu, đó là hoài bão chung của lớp trẻ người Hoa kiều hôm nay, bởi trong họ có cả một tình yêu tha thiết với mảnh đất Xuân Trường, nơi chôn nhau cắt rốn, nuôi dưỡng họ khôn lớn thành người.
Nhưng sự học bây giờ muốn lên cao nữa phải tốn khá nhiều tiền-như Trình A Dũng vừa lo lắng khi gặp tôi. Tính riêng thôn Trường Vinh với 200 ha chủ yếu là càfé, mỗi hộ từ 1 đến 6 ha, cứ đà giá cả sụt giảm thế này, nếu bỏ thì “thương” mà “vương” thì tội nghiệp quá! Dẫu biết tâm tư này không chỉ riêng người Hoa nơi đây, nhưng tôi vẫn phản ánh lên cấp ủy và chính quyền xã Xuân Trường thì được biết: chủ trương là chuyển dần những diện tích cà fé của xã già cỗi hoặc kém năng suất sang trồng chè cành. Mặt khác đang đề xuất với tỉnh và thành phố quy hoạch lại diện tích đất trồng chè ở thôn Trường Xuân 2 để phân bổ cho nông dân, trong đó có bố trí cho một bộ phận người Hoa an tâm sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chè Cầu Đất. Vậy là một hướng làm ăn mới đang mở ra mà người trực tiếp “xắn tay áo” để chăm lo cho họ không ai khác lại chính là Nhà nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tháng 7.2001