VŨ VĂN
Mặc
dù đã hẹn trước qua điện thoại, đến nơi xuất trình thẻ nhà báo nhưng Đội Thi
hành án thị xã Bảo Lộc vặn vẹo phải có…giấy thiệu làm việc. Người làm công tác
thi hành pháp luật ở đây lờ mờ luật hay cố tình không hiểu luật, cản trở hoạt
động tác nghiệp theo pháp luật của nhà báo?!
*Từ
những dấu hiệu nghi vấn
Chuyện
không lớn-chỉ 24 triệu đồng thi hành án dân sự mà Đội thi hành án thị xã Bảo
Lộc đã kéo dài qua hơn 2 năm ròng vẫn chưa có đoạn kết. Người được thi hành
án-Bà Nguyễn Thị Tơ (Lộc Sơn, Bảo Lộc) mòn mỏi chờ đợi, hoàn cảnh túng bấn với
ba đứa con thơ nheo nhóc, sống chui rúi ở trong hẻm sâu. Trong khi bên phải thi
hành án - ông Phạm Hữu Thành ( B’Lao, Bảo Lộc) ngày ngày cứ nhởn nhơ hành nghề
chăm sóc sắc đẹp cho muôn khách hàng giữa phố chợ người đông. Cảnh đối ngược
này trông thật trớ trêu, hết sức bất công!
Ngồi
đối diện với kỷ thuật viên thẩm mỹ Phạm Hữu Thành hôm ấy, chúng tôi hoàn toàn
thất vọng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của con người này. Thành nói
giọng quày quả rằng, Thành làm thuê cho người ta mà còn phải “ăn” nữa chứ; tiền
còn đâu mà trả nợ (?!) Vội nghĩ đơn giản nhất, chỉ cần hàng ngày đến tiệm,
Thành ăn mặc bớt “mốt” hơn, bớt chải chuốt với những loại mỹ phẩm cao cấp hơn
thì đã dư sức trả nợ cho bà Tơ trong thời gian 27 tháng qua. Nhưng kết cuộc,
Thành vin vào lý lẽ: nếu tôi có tài sản thì lâu nay, Đội Thi hành án Bảo Lộc đã
“làm việc” tôi xong rồi; khỏi cần ai phải hỏi nhiều nữa (!)
Tương
phản lại, theo nguồn tin chúng tôi có được, trước đây người có trách nhiệm đã
xác minh cho thấy một số “dữ kiện” chứng tỏ ông Thành có tài sản. Chẳng hạn
quyền thừa kế của Thành (người con-hàng thừa kế thứ nhất) đối với khối tài sản
là căn nhà mà cha mẹ đã bán trong lúc tòa đang thụ lý vụ kiện này. Hay Thành
còn đứng ra hợp đồng thuê mặt bằng mở dịch vụ thẩm mỹ với Công ty Du lịch Bảo
Lộc; xin cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh nhưng lại không có một
đồng tiền nào trong vốn “bảo đảm” làm tin hay sao? Tuy nhiên, không hiểu sao,
Đội Thi hành án Bảo Lộc cứ ung dung để những “dữ kiện” này rơi vào im lặng và…
“chìm xuồng”?!
***…Đến ứng
xử phạm
luật báo chí
Từ những nghi vấn, phóng viên đặt
vấn đề trao đổi với lãnh đạo và chấp hành viên của Đội Thi hành án thị xã Bảo
Lộc. Dù đã biết nhau khá “đậm” nhưng tôi cũng bị “hạch” giấy tờ làm việc.
Chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa. Tôi trình Thẻ Nhà báo đặt trang trọng lên bàn.
Một chấp hành viên của Đội nhìn lướt qua rồi tìm cách cự nự: “Phải có giấy giới
thiệu mới cung cấp” (?) Tôi giải thích: phóng viên đến làm việc, đề nghị các
anh phải có trách nhiệm trả lời trước công luận; chứ không phải đến ”nhờ” tư
liệu, hồ sơ gì cả. Thẻ Nhà báo là giấy
tờ xác định tư cách phóng viên một cách đầy đủ nhất, có giá trị pháp lý cao
nhất trong các loại giấy tờ giới thiệu khác. Đuối lý, chấp hành viên này chuyển
hướng “làm khó” nhà báo: Để có ý kiến lại của Đội trưởng cái đã !
Trời ạ! Ông Đội trưởng, tôi và
chấp hành viên kể trên vừa ba mặt một lời “đối luật” với nhau mà đã vội nuốt
lời. Ông Đội vừa nói rằng, có gì chấp hành viên cứ làm việc với tôi cơ mà (?!)
Tôi bước lên phòng lầu gặp ông Đội trưởng đang nói điện thoại với ai đó, thấy
tôi lên liền cúp máy nhanh (?!) “Được ! Tôi nói, anh đừng ghi âm nhé !”-Ông Đội
xuống nước. Tôi không chịu: “Nhà báo hoạt động nghiệp vụ là được quyền ghi âm,
chụp hình, gặp gỡ phỏng vấn…theo luật định !” Đến mức căng thẳng, cương quyết như
vậy, ông Đội trưởng mới miễn cưỡng để tôi tự do đặt máy ghi âm công khai lên
bàn “đối thoại” giữa tôi, ông Đội trưởng và một chấp hành viên của Đội…Bỗng
nghĩ: Đội thi hành án Bảo Lộc tìm cách “hành”nhà báo như vậy; huống hồ khi tiếp
xúc với dân thì chắc “dữ dội” đến chừng nào ?!
***Và trả lời mập mờ…
Theo Quyết định số 70, ngày 26-11-2002 của
TAND thị xã Bảo Lộc đã có hiệu lực pháp luật, ngày 12-12-2002, Đội Thi hành án
thị xã Bảo Lộc ra quyết định thi hành án. Nhưng đến thời điểm này, ông Đội
trưởng Thi hành án thị xã Bảo Lộc nói rằng, đã nhiều lần xác minh án này thuộc
loại…không có điều kiện thi hành. Đội đang tiếp tục thuyết phục đương sự trả
nợ…dần. Bởi bản thân đương sự không có tài sản riêng và việc làm…không ổn định
(?!) Hàng loạt từ “không” bật ra từ lời ông Đội trưởng này khiến câu hỏi cứ
treo lơ lửng. Vì sao ông Thành, một người tuổi tứ thập, độc thân, lực lưỡng;
lại được làm kỷ thuật viên chính một cửa hàng dịch vụ thẩm mỹ lớn hàng “đầu
bảng” ở thị xã Bảo Lộc mà mất khả năng trả nợ 24 triệu đồng hay sao? Gần tám
trăm ngày kể từ khi quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, ông Thành làm
ăn không thể dư nổi khoản tiền nào để thi hành nghiã vụ dần dần với bà Tơ ?…
Thiết
nghĩ với 24 triệu đồng, một khoản tiền tổ chức thi hành án quá đơn giản trong
tầm tay; bên phải thi hành án vẫn bình chân làm ăn ở địa phương thì việc trả
lời né tránh trách nhiệm như đã nêu của Đội Thi hành án thị xã Bảo Lộc là không
thể chấp nhận được; nếu chưa muốn nói có điều gì mập mờ quanh vụ việc này. Nên
chăng Phòng Thi hành án tỉnh Lâm Đồng sớm “soi xét” toàn bộ hồ sơ diễn biến
này, kết luận sáng tỏ, có thể đưa ra “làm mẫu” cho công tác thi hành án ách tắc
ở cơ sở; đặc biệt là trước mục tiêu phải hạn chế thấp nhất án tồn đọng hiện
nay. Và nhân đây nên dẫn trích nguyên văn những dòng ghi trong văn bản luật báo
chí để ông Đội này làm “cẩm nang” ghi nhớ : “…Không ai được cản trở nhà báo
trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật..” (Khoản 4, Điều 15, Luật Báo chí).
Chi tiết hơn là Khoản 1, Điều 8, Nghị định 51/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về
quyền hạn của nhà báo: ”Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng,
triễn lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi
đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước
không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc
phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước” ./.
Tháng
3/2005