Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Cây lúa Lâm Đồng nhìn ra cánh đồng khu vực

VĂN VIỆT
Thống kê tổng sản lượng lúa Lâm Đồng năm 2012 đạt gần 160 ngàn tấn, chiếm gần 5% tổng sản lượng lúa khu vực 11 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy tỷ lệ diện tích và tổng sản lượng không nhiều vì địa hình miền núi, nhưng Lâm Đồng đã đóng góp những kinh nghiệm trong khu vực về việc chọn giống, phòng trừ dịch hại, bảo đảm tưới tiêu, chủ động nguồn lương thực…   

Cục Trồng trọt ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ) cho biết, năm 2012,  khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt tổng sản lượng hơn 3,2 triệu tấn lúa, tăng gần 148 ngàn tấn so với năm 2011. Cụ thể, vụ Đông- Xuân 2011- 2012, toàn khu vực được mùa lớn, năng suất bình quân tăng 4 tạ/ha, trong đó năng suất vùng Tây Nguyên tăng 4,84 tạ/ha. Riêng Lâm Đồng trong năm 2012 với tổng diện tích lúa gieo trồng gần 10.680 ha, tổng sản lượng đạt hơn 51.320 tấn, đạt 103,44% so với kế hoạch. Các giống lúa gieo trồng vụ Đông- Xuân 2011-2012 ở Lâm Đồng cũng như trong toàn khu vực đều là những giống lúa sinh trưởng ngắn ngày đến trung ngày ( từ 90 ngày- 120 ngày), thời điểm gieo sạ tập trung từ ngày 01/01-31/12. Các chân ruộng cao và ruộng 3 vụ/năm ở vùng Tây Nguyên được gieo sạ sớm hơn – gieo từ ngày 01-20/12. Việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chủ động nguồn nước chống hạn hán được ngành nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo ngay từ đầu vụ, nên diện tích thu hoạch đạt 100% diện tích gieo trồng.
Đến vụ Hè- Thu năm 2012 ở Lâm Đồng gieo sạ từ 05-15/4, thu hoạch đạt năng suất 46,5tạ/ha; riêng lúa mùa 1 vụ, tranh thủ đủ nước đến đâu gieo sạ đến đó và kết thúc vào ngày 10/7, đạt năng suất bình quân trong cả vùng Tây Nguyên là 44,23 tạ/ha, tăng 0,89tạ/ha so với cùng kỳ năm 2011. Nhìn ra cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ Hè- Thu năm 2012 ở Lâm Đồng được triển khai sản xuất với những biện pháp canh tác khẩn trương, phù hợp với từng khu vực, đảm bảo thời gian lúa trỗ trước ngày 15/8 và thu hoạch trước ngày 15/9, tránh được thởi điểm xảy ra mưa bão; diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa toàn khu vực giảm 2.853 ha so với cùng kỳ năm 2011, trong khi diện tích gieo trồng toàn vùng Tây Nguyên ( trong đó có Lâm Đồng) tăng 166ha.    
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá, kết quả sản xuất lúa năm 2012 ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã triển khai khá phù hợp với khung lịch thời vụ gieo sạ, giảm rõ rệt cơ cấu giống lúa có thời gian sinh trưởng trên 120 ngày, cân đối được quỹ thời gian để sản xuất 2-3 vụ/năm, đảm bảo lúa trỗ trong thời gian tương đối an toàn, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tổng hợp toàn khu vực sản xuất lúa trong năm 2012 cho thấy các số liệu chính đều tăng như: diện tích gieo trồng đạt 609.330 ha ( tăng 3.304ha), năng suất đạt 53,65tạ/ha ( tăng 2,15tạ/ha) và tổng sản lượng tăng khá cao như đã nêu trên.
Kế hoạch sản xuất lúa năm 2013 của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dự kiến sẽ tăng thêm diện tích gieo trồng để theo đó tăng thêm tổng sản lượng so với năm 2012 là 102.338 tấn, trong đó Lâm Đồng sẽ phấn đấu tăng sản lượng lúa lên gần 165 ngàn tấn, cao hơn 5 ngàn tấn so với năm 2012. Trước mắt vụ Đông – Xuân 2012-2013, vùng Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung được bố trí gieo sạ từ ngày 01 đến ngày 31/12/2012, chia thành hai giai đoạn: Từ ngày 01 đến ngày 15/12/2012 tiến hành gieo sạ trên ruộng đất cao, ruộng 3 vụ; từ ngày 10/12 đến ngày 31/12/2012 tiến hành gieo sạ trên ruộng chủ động nguồn nước tưới tiêu. Với cơ cấu giống lúa mới có thời gian sinh trưởng từ 90- 120 ngày, đến thời điểm lúa trỗ bông và lúa chín trong vụ Đông- Xuân 2012-2013, dự báo sẽ tránh được không khí lạnh và tránh được nguy cơ hạn hán, thiếu nước.
Những giải pháp mà Lâm Đồng và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục cùng triển khai sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn nữa, bắt đầu từ vụ Đông-Xuân 2012-2013 và cho cả năm 2013 là: mở rộng mô hình “cánh đồng mẫu”,  gieo sạ đồng loạt, tăng cường cơ giới hóa vào khâu làm đất và khâu thu hoạch; trong quá trình chăm sóc cần tưới nước hợp lý, tiết kiệm, áp dụng các kỹ thuật mới để kích thích lúa đẻ nhánh sớm, hạn chế cây ngã đổ; bón phân cân đối, đúng lúc, bón phân đạm vừa đủ, khuyến cáo nông dân hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn lúa từ khi mới gieo trồng đến 25 ngày tuổi…/.
Tháng 10/2012