VŨ VĂN
Hạn chế tình
trạng lao động phải “ly hương” trong những tháng nông nhàn, Hội Nông dân xã
Xuân Thọ (Đà Lạt) đã tạo nhiều việc làm tại địa phương cho nông dân. Đến nay xã
đã manh nha hình thành những khu vực làng nghề.
Mới thành lập hai năm nay,
xưởng mộc của dân doanh Phú Quý - xưởng mộc duy nhất ở xã Xuân Thọ đã tìm được
chỗ đứng của mình. Chủ doanh nghiệp trẻ – Phan Đắc Phú năm nay 36 tuổi, là
người yêu thích hàng gỗ mỹ nghệ, đã tự huy động số vốn nửa tỷ đồng mở xưởng
hoạt động. Hiện xưởng đã đào tạo 5 thợ chính lành nghề, quanh năm làm không hết
việc, thu nhập mỗi thợ hàng tháng đạt từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng.
Những tháng “hút hàng” trước và sau tết, xưởng tiếp nhận thêm gần 10 lao động
phổ thông vào làm thợ phụ, sẵn dịp học nghề luôn, mỗi người có thêm thu nhập
hàng tháng từ 500 ngàn đồng trở lên. Sản phẩm của Phú Quý được một bộ phận thị
trường trong và ngoài nước biết đến như: tranh gỗ lũa, tượng gỗ, bàn ghế gốc
cây…Còn tại địa phương thì sản phẩm tiêu thụ thường xuyên là các giỏ gỗ đựng
rau, hoa…vận chuyển đường xa. Mới đây, một vài doanh nghiệp từ Sài Gòn đn xưởng
đặt hàng mua sản phẩm gỗ mỹ nghệ Phú Quý với số lượng nhiều để chuyển đi xuất
khẩu. Nếu đủ vốn mua nguyên liệu, Phú Quý sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất,
thu hút thêm cả chục lao động có đủ việc làm quanh năm.
Bên cạnh gỗ mỹ nghệ, gần đây
trên thương trường hàng đặc sản Đà Lạt lại xuất hiện nhãn hiệu “Hồng sấy khô
Xuân Thọ” do chính người nông dân sản xuất và chế biến. Trước đây trên 20 ha
hồng cho trái hàng năm chủ yếu tự sản tự tiêu sản phẩm tươi, không qua khâu bảo
quản, giá bán chẳng đáng là bao. Hội Nông xã Xuân Thọ liên hệ với các cấp ngành
thành phố Đà Lạt, tổ chức mở một lớp dạy nghề sấy hồng khô cho nông dân thôn Đa
Thọ của xã. Toàn bộ kinh phí mua sắm thiết bị máy móc, thuê “giảng viên” về dạy
đều do Phòng Công thương nghiệp Đà Lạt chi trả. Vừa học vừa làm, đã có 10 nông
dân ra nghề, truyền dạy là cho gia đình mình. Cả 10 hộ gia đình thành lập Tổ
sấy hồng khô vận hành trên hệ thống máy móc do ngành công thương thành phố Đà
Lạt hỗ trợ vốn đầu tư. Trước tết sản phẩm hồng khô Xuân Thọ được trưng bày tại
một hội chợ thương mại mang tầm quốc gia, tổ chức tại Đà Lạt. Hiện nay, Tổ hợp
tác này tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm sản phẩm khoai lang sấy khô.
Hướng thu hút lao động địa phương vào “nghề nông nhàn” ở đây đang mở ra.
Một trong những nghề thủ
công truyền thống cũa Đà Lạt cũng đã đưa về Xuân Thọ hơn một năm qua - đó là
nghề đan len. Đề án giải quyết việc làm của Hội Nông dân xã Xuân Thọ trình lên
các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận, thông
qua rất nhanh. Lớp học đan len bằng tay, bằng máy chính thức khai giảng đã hơn
một năm, tiếp nhận hơn 80 học viên theo học. Toàn bộ kinh phí giảng dạy do
ngành lao động thương binh xã hội thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng chu cấp.
Phòng học do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Thọ bố trí. Máy móc, thiết bị
được một công ty đan len xuất khẩu đứng chân tại Đà Lạt cung cấp. Học viên được
đài thọ tại chỗ bữa ăn trưa hàng ngày. Học viên vừa học, vừa làm ra sản phẩm,
có thêm thu nhập. Sau 3 tháng ra nghề, đến nay xưởng đan len xuất khẩu của Hội
Nông dân Xuân Thọ duy trì việc làm tập trung hơn 30 lao động. Số lao động nhận
hàng về gia công tại hộ gia đình hàng ngày trên dưới 50 người. Người làm giỏi
có thể đạt lương hơn một triệu đồng mỗi tháng.
Mùa nông nhàn xã Xuân Thọ thường ở tháng
8 đến tháng 12 hàng năm. Cây rau, cây cà phê ở thời điểm này thường không phải
tất tả chăm sóc, không phải tốn nhiều công lao động so với diện tích đất hiện
có. Bởi vậy số lao động dôi ra trong từng hộ gia đình cộng lại trên toàn xã lên
đến vài trăm người. Tuy mới là kết quả khởi đầu, nhưng Hội nông dân xã Xuân Thọ
đã có những bước đi tạo nghề, tạo việc cho nông dân lúc nông nhàn khá phù hợp,
hiệu quả. Hy vọng các ngành, cấp của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng sẽ
quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa, giúp Hội Nông dân xã Xuân Thọ mở rộng
quy mô thành những làng nghề thực thụ trong tương lai gần.
Tháng 4/2007