VĂN VIỆT
Ở
thôn 4, xã Tà Nung, Đà Lạt có hộ gia đình anh Bùi Đình Tuấn nuôi ong lấy mật
với những kết quả khả quan. Anh Tuấn cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi 3
thùng ong mật từ hơn hai năm về trước. Nguồn giống ong này được một người quen
ở Đà Lạt “sang nhượng” lại. Chịu khó mất một khoảng thời gian đôi, ba tháng để
anh Tuấn học nghề nuôi ông từ người nuôi trước; rồi tự mua tài liệu về nghiên
cứu; và tự đúc rút kinh nghiệm trong thực tế nuôi hàng ngày. Đến nay anh Tuấn
đã phát triển 25 thùng ong, diện tích mỗi thùng ong rộng khoảng hơn một mét
vuông. Đầu năm nuôi, cuối năm anh Tuấn mạnh dạn cho đàn tỏa bay đi lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Đà Lạt chỉ mới phát triển nhỏ lẻ, nhưng đang hé mở những khả năng ổn định thu nhập trong từng hộ gia đình nông dân.
Hộ
gia đình anh Tuấn đang canh tác 02 ha cà phê vào thời kỳ kinh doanh. Những
thùng ong đặt san sát bên gốc cây cà phê, phủ lên những tấm bạt vừa đủ che mưa
che nắng mỗi ngày. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo kỹ thuật nên vụ mùa vừa qua,
cà phê của gia đình anh Tuấn không những cho sum suê quả; mà thu hoạch xong đã
bung ra hoa rực trắng vườn. Hoa trắng tốt tươi, phát mùi hương thơm ngát, trở
thành nguồn thức ăn quyến rũ đàn ong đi lấy mật. Kết quả 25 thùng ong nuôi
trong vườn nhà gia đình anh Tuấn thu bốn lần mật trong thời điểm trước, trong
và sau tết vừa qua. Lần thu có số lượng mật ít nhất là 40 lít. Lần thu nhiều
nhất là 150 lít. Hai lần thu mật còn lại là 65 lít và 83 lít. Ngoài ra anh Tuấn
còn thu được 15 ký phấn ong, bán giá mỗi ký là 170 ngàn đồng. Ong hút nhụy hoa cà phê sạch nên sản phẩm mật
sản xuất ra hoàn toàn đạt nguyên chất. Anh Tuấn bán mật ở các khách sạn du lịch
Đà Lạt; đưa đi bán ở các tỉnh vùng đồng bằng…với giá bán trung bình 70 ngàn
đồng/lít.
Vào
thời điểm cuối tháng ba dương lịch năm nay, hoa cà phê vùng Tà Nung chỉ còn nở
lác đác cuối mùa. Anh Tuấn đưa 14 thùng ong của mình đi hút mật khắp các vùng
hoa cà phê sạch ở vùng ven Đà Lạt như xung quanh đèo Mimosa, khu vực Dốc Đu,
Xuân Trường. Còn ở khu vườn nhà, anh Tuấn nuôi 7 thùng ong để sinh sản nhân
đàn. Thức ăn nuôi ong đảm bảo khỏe mạnh, sinh sản nhanh là đường cát vàng. Bên
cạnh đó cần phải theo dõi từng cầu ong mỗi ngày, kịp thời có chế độ phòng tránh
bệnh tật cho ong khi có biểu hiện bất thường.
Trong vòng tháng tới, với đàn ong
phát triển trong vườn nhà, anh Tuấn có thể cung cấp giống ong cho người nông
dân nuôi từ 30 đến 40 thùng. Giá trung bình đầu tư một thùng ong giống hơn một
triệu đồng. Nuôi gần một năm sau có thể cho ong đi lấy mật. Nhẩm tính hiện tại
một hộ gia đình ở Đà Lạt nuôi được bốn, năm mươi thùng ong, mỗi tháng thu lãi
từ 02 triệu đồng trở lên.
Theo
kinh nghiệm nuôi ông của anh Tuấn, với mỗi mùa hoa cà phê bán kính khoảng 5 km
ở Tà Nung, Đà Lạt thì người nông dân có thể phát triển hơn 100 thùng ong lấy
mật tại chỗ đạt chất lượng. Bên cạnh đó còn nhiều vùng hoa cà phê tập trung
khác ở vùng ven Đà Lạt như Xuân Trường, Xuân Thọ, Trại Mát, Tuyền Lâm…đang cần
có những đàn ong nuôi để lấy mật. Nên chăng các cơ quan khuyến nông của thành
phố Đà Lạt nên sớm khảo sát, vận dụng các chính sách hỗ trợ người nông dân phát
triển thêm nghề nuôi ong như hộ gia đình anh Bùi Đình Tuấn nêu trên./.
Tháng 3/2009