TRẦN
KIM
Hơn
một năm qua, Hợp tác xã Phước Thành ( phường 7, Đà Lạt) lâm cảnh chông chênh vì
một hợp đồng sản xuất rau bó xôi ở quy mô lớn, thời gian dài, nhưng bị bên đối
tác đơn phương đình chỉ. Đằng sau đó là một nhng cái giá quá đắt mà người xã
viên phải gánh trả.
“Xù” hợp đồng
trước 5 tháng 10 ngày
Sau
gần 3 năm hoạt động với mô hình kinh tế tập thể, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước
Thành, Đà Lạt, đã khẳng định sự tồn tại,
phát triển và uy tín đối với nông dân địa phương và những đối tác bên ngoài.
Ngày 18-5-2004, Công ty TNHH Oriental Lion ( bên A, trụ sở tại xã Ka Đô, huyện
Đơn Dương, Lâm Đồng) ký hợp đồng tiêu thụ rau bó xôi với Hợp tác xã (bên B).
Theo đó, bên A cung cấp cây giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỷ
thuật chăm sóc cho bên B để chuyển giao đến người nông dân sản xuất. Thỏa thuận
phải đạt diện tích gieo trồng một ngày từ 1ha-1,5ha, chu kỳ sinh trưởng từ 30
đến 35 ngày thu hoạch, năng suất ước tính từ 30 tấn-45 tấn một ngày. Bên A thu
mua trực tiếp tại vườn sản xuất của nông dân bên B, giá ổn định 2.200 đồng/kg.
Chất lượng hàng hóa phải đảm bảo: cây đã cắt rễ, cao từ 35-40cm; chỉ nhận lô
hàng khi có kết quả kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Viện Nghiên cứu
Hạt nhân Đà Lạt trước 5 ngày. Hiệu lực hợp đồng kéo dài trong một năm. Ngày
26-5-2004, hợp đồng này được chứng nhận tại Phòng Công chứng số 1 Lâm Đồng.
Ký
xong hợp đồng với đối tác ứng vốn đầu tư, bao tiêu sản phẩm rau bó xôi nói
trên, Hợp tác xã Phước Thành khấp khởi triển khai ký hợp đồng trực tiếp với
người sản xuất. Qua 6 tháng đầu thực thi các khâu hợp đồng, HTX đầu tư khoảng
700 triệu đồng cho 40 hộ nông dân trồng bó xôi trên diện tích hơn 100ha. Kết
quả thu hoạch nhiều đợt bán cho Công ty Oriental Lion hơn 1.500 tấn rau. Trong
lúc làm ăn có vẻ “thuận bườm xuôi gió” thì gặp “sự cố” trên đồng rau buộc hàng
chục hộ nông dân phải bỏ trắng hơn 100 tấn rau vì đã…quá lứa, nấm bệnh, thiệt
hại khoảng 250 triệu đồng. Hộ nông dân Trần Văn Vinh là người đầu tiên xuất bán
lô hàng rau bó xôi khoảng 80 tấn cho HTX. Trồng hơn 1,4 ha qua 5 lứa rau, gia
đình ông Vinh phải nhổ bỏ một lứa rau khoảng 10 tấn trên 3 sào. Hộ nông dân
Phan Văn Thành thì đã trồng, thu hoạch 4 lứa rau bó xôi trên 6 sào đất, bán
trên 40 tấn, nhưng bị mất trắng đến 4 tấn …
Trong
văn bản “yêu cầu xử lý nhanh” đề ngày 10/11/2004, HTX Phước Thành đã phản ánh
với đối tác: Hiện nay, nông dân rất bất bình về việc phía công ty từ chối thu
một số lô hàng của họ. Yêu cầu của công ty từ ngày cách ly không phun thuốc bảo
vệ thực vật đến ngày thu hoạch quá lâu, dẫn đến nấm bệnh và ruồi nhặng, ốc
sên…phá hoại mạnh, bởi vậy sản phẩm rau không đạt chất lượng là do trách nhiệm
công ty. Đối lại, ngày 13/11/2004, công ty này biện bạch: “HTX đã sắp xếp vị
trí trồng trọt không tập trung và có một số hộ đã lơ là việc quản lý dẫn đến
sâu bệnh phát triển mạnh” (?!) Chưa hết, nhân viên của công ty còn tìm cách trì
hoãn lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra nguyên cớ rau bó xôi
thu hoạch không đảm bảo tiến độ, không tiêu thụ cho nông dân. Bất bình quá,
nhiều hộ nông dân kéo lên chủ thể trực tiếp đã ký hợp đồng làm ăn là HTX Phước
Thành. Trong tình thế “chẳng đặng đừng”, HTX buộc lòng đứng ra gánh nợ, tự ứng
tiền bồi thường với giá hợp đồng đã cam kết. Trước mắt gần 5,5 tấn rau bó xôi
của 3 hộ nông dân đã được nhận tiền “bồi thường nóng” trong thời điểm này. Đáng
tiếc, nhiều văn bản của HTX sau đó yêu cầu công ty có trách nhiệm về khoản bồi
thường này nhưng không có kết quả.
Rồi
hệ quả cũng đã đến. Ngày 27/11/2004, Công ty TNHH Oriental Lion phát văn bản
gửi HTX “kiến nghị cho tạm ngưng kế hoạch trồng bó xôi kể từ ngày 28/11/2004 ”.
Mặc dù không được HTX đồng thuận, nhưng đến ngày 08/12/2004, công ty vẫn đơn
phương ra lệnh Trại Giống cầu số 10 không được cung cấp giống cho HTX theo hợp
đồng đã ký kết. Tính ra hợp đồng sản xuất, tiêu thụ rau bó xôi cho nông dân
giữa HTX Phước Thành, Đà Lạt với Công ty Oriental Lion, Đơn Dương chỉ thực hiện
được 6 tháng 20 ngày; còn lại 5 tháng 10 ngày đã bị phía công ty viện nhiều
nguyên cớ để thoái thác, thậm chí còn né tránh đối thoại với HTX để giải quyết
những tồn tại trong hợp đồng. Ngày 16/3/2005, UBND phường 7, Đà Lạt tổ chức hòa
giải hai bên nhưng không thành. Phía công ty đưa ra mức bồi thường cho HTX chỉ
30 triệu đồng, con số vô cùng thấp so với thiệt hại xảy ra nên HTX không thể
chấp nhận đựơc. Ngày 23/6/2005, UBND thành phố Đà Lạt phải can thiệp bằng văn
bản số 1840 xác nhận: “Việc Công ty TNHH Oriental Lion ( Ka Đô, Đơn Dương ) đơn
phương đình chỉ và ngưng thực hiện hợp đồng đã ký kết với HTX dịch vụ nông
nghiệp tổng hợp Phước Thành, làm mất uy tín, danh dự và làm tổn hại đến lợi ích
kinh tế của HTX…” Đồng thời UBND thành phố Đà Lạt cũng kiến nghị: Để hạn chế
tình trạng chèn ép giá nông sản, gây thiệt hại người nông dân; khuyến khích và
tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về
việc mua bán hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng; quý tòa kinh tế tỉnh Lâm
Đồng nên xem xét đưa vụ việc ra xét xử nhanh chóng, công bằng và chính xác theo
quy định của pháp luật.
Nhưng
diễn biến ở chốn công đường lại không thuận chiều như kiến nghị của UBND thành
phố Đà Lạt. HTX Phước Thành, một đơn vị kinh tế tập thể của người nông dân vốn
thật thà, chập chững mang khát vọng ổn
định chỗ đứng của mình trên thương trường tiền-hàng nông sản, lập tức đã bị lấn
lướt ngay từ lúc tố tụng ban đầu…
Người ngay tình đã…thua kiện (?!)
Phiên
tòa sơ thẩm công khai vụ án “tranh chấp nghĩa vụ thanh toán và đòi bồi thường
thiệt hại hợp đồng” của TAND tỉnh Lâm Đồng đã xét xử vào các ngày 30/11 và
01/12/2005. HTX Phước Thành ( bên B) đứng tư cách nguyên đơn. Công ty TNHH
Oriental Lion ( bên A) đứng tư cách bị đơn.
Đại
diện HTX Phước Thành trình bày công khai trước tòa về yêu cầu khởi kiện 5 khoản
buộc bên A phải thanh toán cho mình tổng cộng 770. 503.700 đồng. Trong đó đề
nghị bồi thường thiệt hại do hợp đồng bị bên A hủy bỏ trái pháp luật là
486.517.000 đồng. Còn lại gồm những khoản nợ tồn đọng mà công ty chưa thanh
toán cho HTX.
Phần
lớn thời gian tranh tụng hết buổi sáng đến hết buổi chiều, quá đến tối và… ngày
hôm sau nữa, phía HTX luôn được Hội đồng xét xử “quan tâm” thẩm tra lời khai,
khiến người đại diện tố tụng của HTX cứ đứng lên ngồi xuống liên hồi, xã viên
đến dự phiên tòa rất sốt ruột. Có những chi tiết xoay đi xoay lại “làm rõ”
nhiều lần về các khoản tiền chưa thanh toán mà hai bên đã công nhận như thu mua
hàng nông dân, tiền công hỗ trợ thu nhặt lá vàng, giá trị mỗi mục kê này từ 7
triệu đồng đến 59 triệu đồng. Bên cạnh đó là những khoản liên quan đến các yêu
cầu phản tố của phía công ty. Đại loại như: Vì sao đến giờ HTX vẫn chưa thanh
toán nợ tiền giống và tiền nông dược cho công ty ?! Chủ nhiệm HTX, Lại Duy Hiển
ký văn bản nhận nợ với công ty 397 két nhựa, sao Phó chủ nhiệm HTX lại nói
không biết ? HTX không đồng ý thanh lý
hợp đồng nhưng lại có bản fax từ máy của HTX mang tên PhanThị Huệ xác định
ngưng việc cung cấp giống từ phía công ty ? Chưa kể những câu hỏi cứ dồn ép, có
vẻ kết buộc HTX như: Do cứ làm ăn cứ qua loa, đại khái, nói miệng…nhưng đòi bồi
thường thì 100%, cơ sở nào xem xét được (??)…
Phiên tòa càng đi về những phần cuối cùng thì việc
tranh tụng càng xuôi theo chiều hướng bất lợi về phía HTX. Trừ những mục kê mà
công ty đồng ý thanh toán cho HTX khoảng hơn 75 triệu đồng ( nhận hàng chưa
thanh toán, thiếu tiền công thu nhặt lá vàng..), đáng chú ý ở 2 khoản yêu cầu
bồi thường thiệt hại rất lớn ( khoảng 660 triệu đồng) nhưng chiều hướng tranh
tụng luôn nghiêng có lợi về công ty. Đó là khoản tiền yêu cầu bồi thường 207
triệu đồng do công ty không thu mua rau bó xôi cho nông dân theo hợp đồng trên
3,6 ha. Tranh tụng của HTX là công ty đã cố tình kéo dài thời gian cây rau cách
ly, không phun thuốc trừ sâu vượt quá 15 ngày, tạo môi trường cho bệnh hại rau
hoành hành. Công ty nại ra 14 biên bản xác minh đồng ruộng với nội dung: nông
dân tự xử lý, không khiếu nại gì. Tuy nhiên, thực tế trong đó có 5 trường hợp
không nằm trong danh sách yêu cầu bồi thường của HTX; 9 trường hợp còn lại chỉ
có 2 hộ Lê Bùi Minh Đức và Đa Gout Noa
không khiếu nại với diện tích 0,52 ha mà thôi. Bằng chứng HTX đưa ra thật rõ ràng,
nhưng đã bị tòa sơ thẩm bác bỏ phần lớn với những lý lẽ hết sức…chung chung,
khó hiểu. Xin được trích nguyên văn…97 từ trong án văn sơ thẩm liền một mạch,
không hề ngắt câu bằng các dấu phẩy hoặc dấu chấm: “Xét lời trình bày của hai
bên thì thấy trong quá trình đầu tư và thu mua các sản lượng trên cơ sở hợp
đồng ký kết thì việc không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng do hai bên thỏa
thuận dẫn đến việc không thu mua của công ty Lion và được hai bên thừa nhận là
hàng không đúng chất lượng nên đã tự xử lý gần hết bằng các văn bản xác minh và
để các hộ nông dân bán hàng ra ngoài trả lại tiền giống và nông dược cho HTX.”
Mục
kê cuối cùng thua kiện lớn nhất của HTX là không đựợc chấp yêu cầu đòi bồi
thường thiệt hại 457 triệu đồng trong tổng số 660 triệu nói trên do vi phạm hợp
đồng phía công ty gây ra. Cụ thể hợp đồng đang còn hiệu lực đến 5 tháng 10 ngày
nữa, nhưng ngày 08/12/2004, công ty Lion đã đơn phương ngưng cung cấp giống bó
xôi để tiếp tục sản xuất theo hợp đồng. HTX lâm cảnh điêu đứng từ đó với các
khỏan nợ dồn dập chồng lên: nợ ngân hàng, nợ vật tư, phân bón, nợ lương nhân
viên, khấu hao thiết bị… Nhưng ở tòa sơ thẩm lại có những quan điểm viện dẫn
“xét” đối ngược lại. Tòa cho rằng hai bên tạm ngưng thực hiện các điều khoản
trong hợp đồng, chỉ thực hiện theo bản fax ngày 04/01/2005 của HTX ( thanh toán
các khoản nợ tồn đọng) là phù hợp; còn văn bản thanh lý hợp đồng chỉ là việc
giải quyết các vấn đề tồn đọng sau đợt mua hàng cuối cùng ngày 20/1/2005. Trứớc
đó ngày 29/11/2004, bà Phan Thị Huệ gửi bằng máy fax của HTX đồng ý phía công
ty ngưng cung cấp giống. Và tòa kết luận: Đây không phải là căn cứ cho rằng
công ty Lion đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thiệt hại xảy ra trên thực tế hai
bên phải tự gánh chịu (?!)
Đại
diện phía HTX trình bày rất nhiều lần rằng, bà Phan Thị Huệ là tư cách một hộ
cá nhân làm ăn riêng rẽ, không liên can gì đến pháp nhân HTX, cớ sao tòa dựa
vào yêu cầu công ty ngưng cung cấp giống cho bà Huệ làm căn cứ để cho đó là sự
đồng ý của HTX (?!) Mặc dù HTX và công ty chưa lập văn bản
thanh lý hợp đồng, nhưng tòa sơ thẩm lại suy đoán theo hướng có lợi cho công ty
như vậy thì thật là bất công, nếu chưa muốn nói đã vi phạm pháp luật hợp đồng
kinh tế rất rõ. Để rồi tòa sơ thẩm ra phán quyết làm xử ép nhà nông, quá chiếu
cố nhà doanh nghiệp: Bác một phần yêu cầu khởi kiện của HTX Dịch vụ nông nghiệp
tổng hợp Phước Thành 585.393.092 đồng. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của
Công ty TNHH Lion là 70.629.250 đồng.
Gọi là “phản tố” nhưng thực chất đây là kiểu “đòi nợ ngược” được tòa chấp nhận
tính cộng gom từng chiếc két đựng rau, dù thời điểm đó không hề có một phiếu
xuất nhập kho chứng minh nào(?!) Nhờ những con số “đòi nợ ngược” đó, tòa sơ
thẩm đã trừ đi-cấn lại, rốt cuộc công ty Lion chỉ phải thanh toán lại cho HTX
Phước Thành là 86.807.450 đồng còn…tồn
đọng cũ (!)
HTX
Phước Thành đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nói trên. Chúng tôi
thiết nghĩ rằng, Viện Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng sớm có quan điểm chính thống về vụ
án này, cần thiết phải ban hành kháng nghị lên cấp phúc thẩm, bảo vệ quyền lợi
chính đáng và hợp pháp của người nông dân, về mặt xã hội từ đó sẽ tác động tích
cực hơn đối với những đơn vị kinh tế tập thể nông nghiệp vốn chất phác, nhưng
còn non kém nhiều mặt giữa thương trường đầy những thách thức khắc nghiệt
nhất./.
Tháng
02/2006