Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Lạc tiên đang mùa tái canh

VĂN VIỆT
Nhiều vùng nông nghiệp ở các huyện phía Bắc Lâm Đồng tiếp tục tái canh hàng trăm hecta lạc tiên ( thường gọi là mác mác hoặc chanh dây) đã bị phá bỏ trong nhiều năm qua, từ đó đang đặt ra nhiều băn khoăn về tính ổn định lâu dài của thị trường tiêu thụ.

Đến giữa tháng 8/2013, Công ty TNHH Trường Hoàng, Đức Trọng đã bước vào thu hoạch trái lạc tiên trên 15 ha, tọa lạc thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra (Đơn Dương). Anh Nguyễn Xuân Côi, “người quản vườn” cho biết,  đây là diện tích lạc tiên trồng đến tháng thứ 9 tái canh, đạt sản lượng thu hoạch trên dưới 200kg/ha/ngày vẫn không đủ bán theo đặt hàng trong nước và nước ngoài. Bằng hình thức trồng cuốn chiếu luân canh với các loài rau, hoa và cây màu khác, diện tích cây lạc tiên canh tác mới ở đây được Công ty Trường Hoàng mua hạt giống chất lượng cao từ Đài Loan.
Anh Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Hoàng cung cấp thêm: Với 400 ha lạc tiên được đối tác Đài Loan hợp đồng bao tiêu sản phẩm vòng 2 năm tới, trừ 15 ha của công ty trực tiếp sản xuất, còn lại được liên kết giữa công ty với nông dân trên các xã Pró ( Đơn Dương), Tà Hine, Ninh Loan (Đức Trọng), Tân Hà ( Lâm Hà)…Theo đó, công ty cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá tối thiểu (đủ trả tiền công lao động) và giá tối đa ( giá thời điểm thị trường cao nhất); người nông dân có đất sản xuất, vốn đầu tư, công lao động, được hưởng toàn bộ sản phẩm bán ra. Với giá bao tiêu giữ ở “biên độ” từ 12.000 – 17.000đồng/kg trái lạc tiên như trong 2 tháng vừa qua, ước tính người nông dân sẽ đạt lãi từ 400 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Đồng hành cùng Công ty TNHH Trường Hoàng, Đức Trọng, trong 4 tháng vừa qua, Hợp tác xã nông nghiệp Xanh, Đơn Dương cũng tích cực tái canh trên 30ha lạc tiên thuộc huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương. Chủ nhiệm HTX, anh Vũ Viết Hưng cho hay với 30ha lạc tiên này, HTX hợp đồng hợp tác với nông dân trong thời gian 30 tháng, trong đó gồm 6 tháng canh tác và 24 tháng thu hoạch trong 1 vụ mùa.  HTX cũng đã “giao thương” với đối tác Đài Loan để cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm lạc tiên cho nông dân theo từng vụ mùa. Hiện cây lạc tiên trồng giữa HTX với nông dân đang phát triển tốt, không chỉ bằng hình thức tái canh trồng mới 15ha; mà còn có 10 ha chuyển đổi từ đất cây cà phê già cỗi và đất cây su su hiệu qủa thấp; 5ha trồng xen canh với cây cà chua và các loài rau ngoài trời khác.
Được biết cây lạc tiên do các doanh nghiệp từ Đài Loan đưa về các huyện phía Bắc Lâm Đồng trồng đại trà vào đầu những năm 2000 với vài chục hecta, thu trái đạt năng suất cao nhất khoảng 100 ha/năm. Sau đó, cây lạc tiên nhân rộng đến các huyện phía Nam Lâm Đồng ( Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm), nâng tổng diện tích cả tỉnh Lâm Đồng đến cuối năm 2010 lên đến từ 1.100- 1.200ha, năng suất trung bình khoảng 70- 80tấn trái/ha. Theo Công ty TNHH Trường Hoàng, năng suất lạc tiên giảm xuống lúc này do phần lớn diện tích chuyên canh trồng từ vụ thứ 2 trở đi, khiến cho đất phát sinh sâu bệnh gây hại nhiều. Bước sang đầu năm 2011 kéo dài sang đầu năm 2012, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chỉ còn thu mua từ 2.000- 3.000đồng/kg.  Trong khi nông dân Lâm Đồng ồ ạt phá bỏ diện tích cây lạc tiên chỉ còn từ 30- 40ha thì trong 6 tháng cuối năm 2012, đã đẩy giá thu mua tăng đột biến lên 20.000- 25.000đồng/kg. Và đến thời điểm giữa tháng 8/2013, giá thu mua lạc tiên vẫn đang giữ ở “mức xanh” với 12.000 – 17.000đồng/kg.
Theo nhiều đơn vị trồng lạc tiên có kinh nghiệm thì Lâm Đồng với thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu để trồng cây lạc tiên, nhưng phải trồng luân canh với nhiều loại cây trồng khác từ 3- 5 năm sau mới đạt năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó, theo các hợp đồng đã ký kết và dự báo của thị trường trong nước và xuất khẩu trong vòng 5 năm tới vẫn chủ yếu là tiêu dùng trái tươi, diện tích sản xuất lạc tiên Lâm Đồng nên phát triển trên dưới 800ha mới giữ được cân bằng lượng cung - cầu sản phẩm, ổn định tiền lãi cho người trồng khoảng 500triệu đồng/ha/năm./.
Tháng 8/2013